Cần nói không với vé chợ đen các chương trình ca nhạc

12/10/2023 - 06:10

PNO - Ngày 27/9, chỉ sau 4 tiếng, 15.000 vé xem chương trình ca nhạc của nhóm Westlife đã được bán hết. Sau đó không lâu, vé chợ đen bị đẩy lên gấp 5 lần.

Cuối tháng 7/2023, vé VIP show của nhóm Blackpink tại Hà Nội cũng bị đẩy lên 60 triệu đồng/cặp (tăng gấp 3 lần) sau đêm diễn đầu. Các hạng vé khác cũng được rao bán với giá trên trời. Tình trạng này cũng diễn ra với show của các ca sĩ Việt có lượng khán giả lớn như: Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn… khi giá vé chợ đen cao gấp 2-3 lần. Nếu như trước đây, giới “phe vé” thường hoạt động trực tiếp tại địa điểm biểu diễn thì nay đã chuyển sang giao dịch trên mạng.

15.000 vé trong show của Westlife tại TPHCM bán hết trong 4 tiếng (ảnh: BTC)
15.000 vé trong show của Westlife tại TPHCM bán hết trong 4 tiếng (ảnh: BTC)

Hoạt động mua gom sau đó bán với giá cao của “phe vé” làm khán giả khó tiếp cận vé, khiến dư luận bức xúc. Nhiều đơn vị tổ chức phân phối vé qua các kênh bán vé trực tuyến, có quy định về số lượng vé mỗi người được mua, nhưng vẫn không thể ngăn được “phe vé”. Ban tổ chức cũng đưa ra cảnh báo về rủi ro mua phải vé giả khi khán giả mua lại vé từ các “phe vé”.

Tình trạng này đã khiến khán giả phản ứng mạnh mẽ. Gần nhất, với vé của show Westlife, nhiều khán giả kêu gọi nhau không mua vé chợ đen. Trước đó, ngay khi có thông tin phe vé “hét” giá 60 triệu đồng/cặp, ban tổ chức show Blackpink đã mở bán thêm vé. Tuy nhiên, đây cũng là động thái mang tính nhất thời, đối phó.

Thị trường nhạc Việt đang phát triển sôi động với nhiều live show của cả ca sĩ Việt Nam lẫn nghệ sĩ quốc tế. Tình trạng “phe vé” lộng hành đã gây ra những hậu quả xấu cho thị trường đang phát triển theo hướng tích cực, làm nản lòng nhiều khán giả.

Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội - cho biết, pháp luật hiện hành chưa cấm hành vi “phe vé”, cũng không xử phạt hành vi này nếu bên mua biết giá vé cao hơn nhưng vẫn đồng ý mua.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng có thể phối hợp với ban tổ chức các chương trình giải trí, các tổ chức được giao nhiệm vụ in ấn, phát hành, thu hồi vé… tiến hành kiểm tra các khu vực, địa điểm bán vé cũng như giám sát trên các trang mạng xã hội nhằm hạn chế, xử lý các hành vi bán vé giả, lừa đảo...

Đơn vị tổ chức cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc in ấn, phát hành, kiểm soát, thu hồi đúng và đủ số lượng, chất lượng vé. Trường hợp phát hiện các tổ chức, cá nhân có hành vi “phe vé”, có thể trình báo lên cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp giải quyết.

Quan trọng nhất là khán giả cần kiên quyết nói không với vé chợ đen, chỉ mua vé tại các tổ chức, cơ sở phát hành vé chính thức. Như vậy mới có thể góp phần đẩy lùi và ngăn chặn tình trạng “phe vé”. 

Trung  Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI