Cần những công dân toàn cầu biết tiếng Anh và ứng xử công cộng

21/11/2019 - 06:54

PNO - Muốn xây dựng thành phố hiện đại, văn minh phù hợp với hội nhập quốc tế, ngành giáo dục phải dạy tiếng Anh trong trường phổ thông thật tốt và dạy cho học sinh kỹ năng ứng xử công cộng như những công dân toàn cầu...

Đến với diễn đàn “Phát triển TP.HCM thông minh, sáng tạo” của Báo Phụ Nữ TP.HCM, tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh - nguyên Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh - cho rằng, muốn xây dựng thành phố hiện đại, văn minh phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, ngành giáo dục nhất thiết phải làm được hai việc: dạy tiếng Anh trong trường phổ thông thật tốt, đồng thời dạy cho học sinh kỹ năng ứng xử công cộng như những công dân toàn cầu, chẳng hạn như thói quen xếp hàng, không xả rác nơi công cộng, có ý thức về việc bảo vệ trật tự chung. 
Dien dan Phat trien TP.HCM thong minh, sang tao: Can nhung cong dan toan cau biet tieng Anh va ung xu cong cong
TS. Vũ Thị Phương Anh

Đừng để học sinh TP.HCM ngơ ngác với thị trường

Phóng viên: Những điều bà vừa nêu cũng từng được nói đến nhiều, nhưng thực tế lại không có chuyển biến nào đáng kể, đúng không thưa bà?

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh: Tôi thấy đang tồn tại nhiều nghịch lý. Đi xuất khẩu lao động nghĩa là ở trong nước không có đủ việc làm, hay người lao động của mình hiện không đáp ứng được những đòi hỏi mà công việc ở đây có và cần, nhất là những yêu cầu của công ty nước ngoài?

Ở một phía khác, nhiều người nước ngoài mà tôi biết lại xem thị trường việc làm tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á hết sức hấp dẫn đối với họ. Nếu ở nước của mình, họ sẽ không có được chức vụ, vị trí, mức lương như ở Việt Nam.

Khi đến những nước kém phát triển hơn, họ được làm công tác quản lý thay vì phải làm ở cấp thấp hơn, được hưởng mức lương cao đã đành, mà còn có chế độ công cán ở nước ngoài... Cho nên, chúng ta vẫn là một thị trường lao động việc làm hấp dẫn với người nước ngoài chứ không phải với người Việt. Thật đau lòng!

"Giáo dục của mình dạy người ta kém nhiều thứ, nhưng cái rõ nhất là kém tiếng Anh, mà nếu không có đủ tiếng Anh, không thể làm được cái gì hết trong xã hội hiện nay, nhất là ở thành phố này."

* Bà có thể cho một dẫn chứng cụ thể hơn?

- Trong lĩnh vực giáo dục đại học, lao động nước ngoài rất thích sang Việt Nam làm việc. Thông qua những người làm chung, tôi biết rằng, nhiều người sang đây dạy tiếng Anh theo diện đi theo chồng hoặc vợ tìm được việc làm trong những công ty lớn ở những lĩnh vực như công nghệ thông tin, kinh doanh, xuất nhập.

Khi bước chân đến, họ nhận ra nhu cầu học tiếng Anh quá lớn và đã nhạy bén đi học một khóa ngắn hạn để lấy chứng chỉ đi dạy. Thế là, lương họ cao hơn 10 lần chúng tôi. Họ có thể sống khá vương giả ở đây.

Khi những công ty nước ngoài đầu tư qua đây, nếu có được người Việt Nam đủ năng lực, mà trước hết là năng lực tiếng Anh, để làm việc với họ, họ sẽ mướn chúng ta vì tiền công rẻ hơn người nước ngoài. 

* Đây là một sự bất bình đẳng do chính chúng ta tự tạo ra hay do quy luật của thị trường?

- Tôi muốn nói là tại sao nền giáo dục của chúng ta lại không hề chuẩn bị cho một thị trường mà đối với người nước ngoài thì hấp dẫn, còn người trong nước thì không đáp ứng được? Bạn có nghĩ đó là lỗ hổng lớn nhất của giáo dục không?

Giáo dục của mình dạy người ta kém nhiều thứ, nhưng cái rõ nhất là kém tiếng Anh, mà nếu không có đủ tiếng Anh, không thể làm được cái gì hết trong xã hội hiện nay, nhất là ở thành phố này.

Tôi có hơn 30 năm trăn trở về chuyện phải làm sao dạy tiếng Anh cho hợp lý, hiệu quả và hình như chúng ta đã tốn rất nhiều tiền của nhằm cải cách từ cấp quốc gia đến cấp thành phố nhưng cũng vẫn không tới đâu. Những nỗ lực của Nhà nước dường như không mang lại tác động mà chủ yếu là do mỗi cá nhân tự lo lấy.

Thực tế, người giỏi tiếng Anh là những người biết mình cần tiếng Anh tự lo mà đi học từ nhỏ. Đó chỉ là sự quan tâm đầu tư ở quy mô cá nhân hoặc gia đình thôi.

* Bà có thể đưa ra giải pháp riêng cho vấn đề dạy - học tiếng Anh?

- Cho nước ngoài vô đầu tư, cho tư nhân hóa là chính sách hay để cải thiện việc dạy và học tiếng Anh. Tất nhiên, họ sẽ mang lợi nhuận về nước họ, và họ cũng chỉ làm khi có lợi nhuận.

Lợi nhuận ấy đến từ học phí cao. Học phí cao thì dẫn đến chỉ một thiểu số nào đó đủ tiền để vào học. Như vậy, nó đã không mang lại hiệu quả rộng và lâu dài.

* Ý bà là nếu có chính sách đúng, hiệu quả sẽ cao hơn nhiều?

- Chính sách giáo dục chung của chúng ta có vấn đề. Khi đã sử dụng ngân sách trong giáo dục thì phải biết xác định cái gì quan trọng. Chẳng hạn, nếu xem tiếng Anh là quan trọng thì việc dạy ngoại ngữ này trong nhà trường phổ thông từ tiểu học lên đến hết lớp 12 phải làm cho tử tế, thực chất. Nếu toàn quốc không làm được thì TP.HCM phải làm được. 

Muốn làm được, không phải đưa ra một bộ sách, một phương pháp, một kiểu dạy vốn chỉ phù hợp với một loại đối tượng học sinh nào đó. Trước năm 1975, Nhà nước chỉ đưa ra khung và chuẩn thôi.

Ví dụ, hết tiểu học, hết lớp 11, 12, hết đại học, phải đạt được trình độ chuẩn tiếng Anh nào đó. Thầy cô tự do soạn sách riêng, các nhà xuất bản tha hồ ấn hành sách. Sách, tài liệu cho người siêu phàm học kiểu khác, người dở học kiểu khác, trăm hoa đua nở. Tức là Nhà nước làm đúng vai trò đưa ra mức chuẩn và thông báo rõ ràng các điều kiện, yêu cầu học trò phải làm sao đạt được mức chuẩn đó. 

Hiện chúng ta không đưa ra chuẩn mà đưa ra một chương trình, một bộ sách giáo khoa rồi bắt thi cử, nhưng lại thả cho các trung tâm tổ chức thi loạn cả lên. Đáng lẽ Nhà nước phải nắm và ra chuẩn, khung rõ ràng, còn ai dạy sao cũng được, miễn là học sinh đạt yêu cầu của các kỳ thi.

Đến lúc tổ chức thi, nếu cần thì thi tập trung, hoặc kiểm soát những trung tâm khảo thí thật kỹ lưỡng. Đằng này, cứ độc quyền về chương trình, về chuẩn giáo viên nhưng làm không xuể, dẫn tới tiêu cực. Đó là mối nguy hiểm lớn cho xã hội.

* Khi đưa những chuẩn tiếng Anh phải đạt cho các cấp học như bà nói, các chuẩn này cũng phải được lượng giá với các chứng chỉ tương đương, ví dụ như tương đương TOEFL, IELTS và phải được các tổ chức đó công nhận?

- Đúng như thế! Dạy tiếng Anh trong trường phổ thông thật tốt không phải chỉ để thi đạt các loại chứng chỉ quốc tế, quan trọng hơn là người học có đủ tiếng Anh để tự tin giao tiếp với khách nước ngoài. Như thế, các em mới cảm thấy mình là người chủ của thành phố, người chủ của đất nước và tự tin hội nhập thế giới.

Để làm việc này, cần tạo nhiều môi trường giao tiếp với khách quốc tế ngay trong trường phổ thông. Việc đưa giáo viên nước ngoài vào trường phổ thông là điều rất cần thiết và người nước ngoài này không nhất thiết phải là người Âu Mỹ mà có thể là những người thuộc khu vực Đông Nam Á sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, như Singapore, Malaysia, Philippines.

Chắc chắn việc tăng cường giao lưu quốc tế - dù chỉ ở mức độ khu vực - sẽ tạo ra một tác động tích cực làm thay đổi hẳn cách nhìn, cách nghĩ của các em, và cả của người lớn gồm thầy cô, nhà quản lý giáo dục nữa.

Việc này các nước lân cận đều đã làm và làm thành công. ASEAN đang là một cộng

"Dạy tiếng Anh trong trường phổ thông thật tốt không phải chỉ để thi đạt các loại chứng chỉ quốc tế, quan trọng hơn là người học có đủ tiếng Anh để tự tin giao tiếp với khách nước ngoài."- TS. Vũ Thị Phương Anh.

đồng mở, một thị trường lao động chung thì không lẽ nào một thành phố năng động như TP.HCM lại không làm và không chuẩn bị cho học sinh mình tâm thế để bước vào thị trường lao động chung ấy.

Dien dan Phat trien TP.HCM thong minh, sang tao: Can nhung cong dan toan cau biet tieng Anh va ung xu cong cong
Ảnh minh họa

Nhà nước cần làm đúng vai trò hoạch định chính sách

* Phải chăng, cơ quan quản lý nhà nước đang “đá lộn sân”, thưa bà?

- Đáng lẽ chỉ nên làm chính sách thôi, nhà quản lý lại thường “thọc” vô làm chi tiết. Chẳng hạn, Nhà nước thường đưa ra những đề án, nào là sửa lại sách giáo khoa, chương trình này kia, tức là đang làm sai vai trò.

Vai trò quản lý chất lượng thì không làm, lại đi sâu xuống chuyên môn vốn là chuyện của các trường, chuyện của thầy cô. Một số đề án giáo dục chi ra số tiền lớn, đạt được một số kết quả khi tiền còn, hết tiền đề án, nó lại trở về như cũ.

* Từ đó, dẫn đến nhiều lỗ hổng của giáo dục, trong đó có vấn đề trang bị kỹ năng cho học sinh?

- Thứ nhất là thiếu ngoại ngữ, trong đó, phổ biến nhất là tiếng Anh. Thứ hai là thiếu các kỹ năng mềm, bao gồm hiểu biết về xã hội, về thế giới, về những điều được nhân loại xem là chuẩn mực, kỹ năng ứng xử công cộng như những công dân toàn cầu.

Mỗi lần ra nước ngoài, tôi thường thấy, hễ có nhóm người Việt Nam nào thì y như rằng họ coi chỗ đó như cái làng nhỏ của mình, không cần biết xung quanh, ăn nói oang oang. Một người Việt thì không sao, chỉ cần ba người trở lên là “tâm lý làng” trỗi lên. 

Tại sao TP.HCM không đi đầu trong hội nhập, mở cửa với những thói quen xếp hàng, không xả rác nơi công cộng, có ý thức về việc bảo vệ trật tự chung, không nói chuyện ồn ào, phải biết có đang làm phiền đến ai ở nơi công cộng hay không, biết nhường chỗ cho người già, trẻ em trên xe buýt, biết dẫn người già qua đường, biết nói lời xin lỗi và cảm ơn?

Tất cả điều này có lẽ đều đã được “dạy” như những bài học thuộc lòng để trả bài mà thôi, chưa biến thành cách ứng xử tự nhiên của các em. Điều quan trọng bây giờ là làm sao cho các em có thể ứng xử như vậy mỗi khi ra đường.

Dạy cho ra người lãnh đạo

* Thưa bà, môn ngữ văn hiện nay ở trường phổ thông vẫn không khác gì so với 30 năm trước, vẫn theo dàn ý của thầy cô và chỉ cần đủ ý đưa ra là đạt?

- Đấy nhé, mình cứ nói sinh viên Việt Nam học giỏi. Thực ra, mình chỉ hơn người ta ở chỗ học thuộc lòng thôi. Bạn có cho rằng mình hơn người ta môn toán không? Thực ra mình chỉ giỏi giải toán thôi, chứ còn cái gì đòi hỏi phải tư duy hoặc yêu cầu đưa ra sáng kiến, sáng tạo là mình thua. Đó là do mình dạy cứ theo cái kiểu như bạn nói.

Ở nước ngoài, trình độ môn toán của người học hết lớp 12 chỉ bằng lớp 10 của ta thôi nhưng tư duy của họ hơn hẳn. Cùng một bài toán, họ có 5-7 cách giải và người ta còn được khuyến khích có những cách giải mới nữa. Ở ta dạy giải hết dạng đề này đến dạng đề kia, nên cầm lên là giải ngay thôi. Còn nước ngoài, học sinh cầm đề bài lên, phải suy nghĩ.

* Chúng ta cũng đã và đang áp dụng lối giáo dục đó vào cả những môn khoa học xã hội đòi hỏi thể hiện cảm xúc, thưa bà?

- Cái của thầy đã được bày ra sẵn, dù là tốt, không sai, nhưng như thế là kìm hãm, thậm chí bóp nghẹt sức sáng tạo của trẻ rồi. Rất khó có thành phố thông minh, sáng tạo nếu con người không biết tư duy độc lập.

Dien dan Phat trien TP.HCM thong minh, sang tao: Can nhung cong dan toan cau biet tieng Anh va ung xu cong cong
Rất khó có thành phố thông minh sáng tạo nếu con người không biết tư duy độc lập. Ảnh minh họa

* Bà có nghĩ rằng, phương pháp giáo dục của ta tạo ra người có tư duy của thợ nhưng thợ cứ muốn ra làm thầy?

- Chúng ta đang thừa những người tưởng mình là thầy, thừa người có bằng cấp cao, thiếu những người thật sự giỏi. Giáo dục của ta hỏng ở chỗ, bằng cấp rất cao và biết rất nhiều, nhưng toàn biết cái không dùng được trong cuộc sống. Người ta đi “sưu tầm” hàng trăm kiến thức toán học siêu đẳng về dạy cho học sinh nhưng những kiến thức đó đâu có xảy ra hằng ngày.

Đôi khi cái siêu đẳng đó chắc phải 10 năm mới xảy ra một lần nhưng mình đều muốn nhét vào chương trình để dạy. Học những kiến thức rất khó để làm gì, trong khi những vấn đề mới đòi hỏi những kiến thức đơn giản để giải quyết thì mình không giải quyết được vì mình không luyện tư duy. 

* Theo bà, điều khác biệt lớn nhất trong giáo dục của Việt Nam và các nước phát triển là gì?

- Ở các nước phát triển, trừ cấp III có gắn với việc chuẩn bị cho đại học và nghề nghiệp thì bắt đầu phân ban, còn lại từ lớp Chín trở xuống, việc học rất nhẹ nhàng. Phần lớn thời gian ở trường là để trẻ suy nghĩ về những vấn đề xung quanh nó, quan sát, cùng thảo luận cách giải quyết.

Tôi cho rằng, họ đang đào tạo ra những con người có khả năng giải quyết các vấn đề

"Triết lý giáo dục của họ là dạy ra con người độc lập, tự chủ với cuộc sống của mình. Họ tạo ra người lãnh đạo, mà ví dụ rõ nhất là Hoa Kỳ. Họ giáo dục và đào tạo ra người ít nhất là lãnh đạo chính cuộc đời mình, làm chủ đời mình."- TS. Vũ Thị Phương Anh.

của cuộc sống xung quanh mình. Cái gọi là kỹ năng mềm, kiến thức xã hội không phải từ bài học mà ra, nó đến từ những cơ hội được trực tiếp giải quyết các vấn đề ngay ở nhà trường.

Lâu lâu, chúng ta lại thấy những trường hợp các em bé 10-12 tuổi viết thư cho tổng thống, đề nghị giải quyết chuyện này, chuyện kia. Nền giáo dục đó đang đào tạo ra nhà lãnh đạo từ tấm bé. Các em có thời giờ cho quan sát, tư duy, phản biện, sáng kiến, nghĩ ra cách giải quyết vấn đề chứ không bị lèn chặt những kiến thức do người khác đã nghĩ ra, có sẵn và nhét vào đầu.

Triết lý giáo dục của họ là dạy ra con người độc lập, tự chủ với cuộc sống của mình. Họ tạo ra người lãnh đạo, mà ví dụ rõ nhất là Hoa Kỳ. Họ giáo dục và đào tạo ra người ít nhất là lãnh đạo chính cuộc đời mình, làm chủ đời mình.

Trẻ biết rất rõ mình không giỏi toán, nhưng trẻ vẫn tự tin vì được dạy rằng, cuộc đời vẫn còn có nhiều con đường. Nếu tôi giỏi thể thao, tôi vẫn có thể thành công. Họ được huấn luyện từ tấm bé và trong nhà trường để làm chủ cuộc đời mình, làm chủ tình huống xung quanh mình và lãnh đạo người khác.

* Xin cảm ơn bà.

Quốc Ngọc (thực hiện)  

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI