Cần nhiều chính sách hơn để TPHCM không trở thành 1 đô thị già

07/01/2025 - 17:40

PNO - Là đô thị có quy mô dân số lớn nhất cả nước, TPHCM đang trải qua già hóa dân số nhanh nhất Việt Nam khi số người cao tuổi nhiều thứ hai cả nước. Người cao tuổi đang tăng nhanh cả về số lượng và tỉ trọng. Nếu giới trẻ tiếp tục lười sinh, rất có nguy cơ rồi đây thành phố sẽ trở thành 1 xã hội toàn người già.

Già hóa dân số, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), là quá trình thay đổi về thành phần tuổi và gia tăng tỉ lệ người cao tuổi trong tổng dân số. Già hóa dân số với tỉ lệ người cao tuổi gia tăng dẫn đến cơ cấu trong độ tuổi lao động giảm, cơ cấu nghề nghiệp giảm, làm gia tăng gánh nặng kinh tế cho người trẻ.

Có 2 nguyên nhân dẫn đến già hóa dân số là do tỉ suất sinh giảm, thứ hai là tuổi thọ trung bình ngày càng gia tăng, đẩy nhanh quá trình già hóa dân số.

Già hóa dân số là vấn đề toàn cầu, tác động đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều quốc gia.

Ngày 24/12, Bộ Nội vụ và An toàn Hàn Quốc cho biết, công dân từ 65 tuổi trở lên ở nước này chiếm tỉ lệ 20% dân số, trở thành một xã hội "siêu lão hóa". "Siêu lão hóa" là khái niệm do Liên hiệp quốc (LHQ) định nghĩa.

Già hóa dân số tác động đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều quốc gia
Giảm tỉ lệ sinh là một trong những nguyên nhân dẫn đến già hóa dân số. Già hóa dân số tác động đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều quốc gia - Ảnh: Yonhap

LHQ phân loại các quốc gia có hơn 7% dân số từ 65 tuổi trở lên là xã hội lão hóa, các quốc gia có hơn 14% là xã hội già và những quốc gia có hơn 20% là xã hội "siêu lão hóa".

Theo dữ liệu từ Bộ Nội vụ Nhật Bản ngày 16/9, số người từ 65 tuổi trở lên ở nước này chiếm tỉ lệ 29,3% tổng dân số, đưa Nhật trở thành quốc gia có tỉ lệ người dân ở độ tuổi này cao nhất thế giới.

Tỉ lệ người cao tuổi Nhật Bản ước đạt 34,8% dân số vào năm 2040, khi những người sinh ra trong giai đoạn 1971-1974 trở thành người cao tuổi, theo Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh Xã hội Quốc gia Nhật Bản.

Tỉ lệ sinh liên tục giảm, khủng hoảng nhân khẩu học kéo dài nhiều năm tại Nhật khiến nước này lo ngại về tình trạng dân số già và thu hẹp lực lượng lao động.

Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội “già hóa” sang xã hội “già” vào năm 2036. Nguyên nhân phần lớn được xác định là do giảm mạnh tỉ lệ sinh trong những thập kỷ qua đã tác động rất lớn tới cơ cấu dân số, đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số.

TPHCM đang trải qua già hóa dân số nhanh nhất Việt Nam khi hiện có hơn 1,3 triệu người trên 60 tuổi, chiếm tỉ lệ 12,05% dân số. Theo số liệu mới nhất của Chi cục Dân số TPHCM, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại thành phố là 1,32, là mức sinh thấp nhất trên cả nước.

Tỉ lệ sinh giảm có rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, có việc giới trẻ ngại kết hôn, và các cặp vợ chồng "không dám sinh con" khi việc sinh con dẫn đến hàng loạt vấn đề, mà vấn đề lớn nhất là chi phí nuôi con với các khoản từ sữa tã, tiêm phòng, y tế, khám sức khỏe định kỳ, chi phí giáo dục và cả vấn đề chỗ ở, nơi sinh sống... Đó mới chỉ là chi phí nuôi một đứa trẻ, chưa kể đến áp lực về việc dạy con khi ngày nay có rất nhiều trẻ sa đà vào những cám dỗ trên mạng xã hội. Áp lực này đến áp lực khác khiến nhiều cặp đôi chọn cách không sinh con, vì lo ngại sẽ không kham nổi chi phí để lo cho một đứa trẻ từ khi mang thai đến lúc con trưởng thành và không thể dạy con thành người tốt.

Để tăng tỉ lệ sinh, TPHCM mới đây đã đề xuất hỗ trợ 3 triệu đồng cho các gia đình sinh đủ 2 con trước 35 tuổi. Chính sách này là 1 sự cố gắng rất lớn của thành phố để để khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con nhưng có vẻ chưa đủ để hấp dẫn.

Để các cặp vợ chồng yên tâm sinh con, cần tạo điều kiện cho họ có nơi ở ổn định, như được mua nhà ở xã hội, được vay ngân hàng lãi suất thấp và ổn định để mua nhà. Tiếp đến, có các chính sách thai sản cho cả vợ và chồng khi gia đình có thêm con, để họ không phải vất vả, bất an khi phải tìm nơi gửi trẻ hay kiếm người giữ trẻ. Có chính sách miễn giảm học phí cho học sinh các cấp từ mầm non đến đại học, đảm bảo mọi học sinh đều có quyền được học trường công. Tiếp đến là chăm lo các vấn đề y tế, sức khỏe. Đảm bảo các vắc xin cần thiết đều được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, không còn cảnh thiếu vắc xin. Đảm bảo trẻ được khám chữa bệnh tốt nhất và được giáo dục tốt nhất, hay có các đơn vị, chương trình tư vấn tâm lý trẻ miễn phí, những lớp học "làm cha mẹ" để các phụ huynh biết cách nuôi và dạy con.

Nếu vậy, các cặp vợ chồng sẽ ít băn khoăn khi quyết định sinh thêm con. Khi có thể tăng tỉ lệ sinh, thì sẽ phần nào giải được bài toán già hóa dân số.

Các nước làm gì để khuyến sinh?

Đầu tháng 7/2024, Thụy Điển đưa ra một đạo luật mới cho phép ông bà được hưởng các chế độ đãi ngộ như nhận lương, nghỉ phép nếu tham gia chăm sóc cháu trong 3 tháng đầu khi đứa trẻ chào đời.

Tại Thụy Điển, mức lương trung bình của một nhân viên chăm sóc trẻ là 275.050 krona/năm (khoảng 637 triệu đồng) và 132 krona/giờ (khoảng 305 ngàn đồng).

Theo luật mới, cha mẹ của đứa trẻ có thể chuyển một phần tiền trợ cấp nghỉ phép của mình cho ông bà. Một cặp vợ chồng có thể chuyển tối đa tiền phụ cấp 45 ngày cho người khác, cha hoặc mẹ đơn thân có thể chuyển 90 ngày.

Người lao động tại Thụy Điển có quyền nghỉ làm hoàn toàn khi con chào đời. Với mỗi trẻ, cha mẹ được hưởng trợ cấp 480 ngày, khoảng 16 tháng (390 ngày đầu được hưởng toàn bộ thu nhập, 90 ngày còn lại hưởng 180 krona/ngày - tương đương 416 ngàn đồng). Họ cũng có thể giảm giờ làm cho đến khi trẻ được 8 tuổi, nhân viên chính phủ được giảm giờ làm đến khi trẻ tròn 12 tuổi.

Ngày 4/12, Thống đốc Tokyo Yuriko Koike, Nhật Bản dự kiến triển khai tuần làm việc 4 ngày cho nhân viên chính quyền ở thủ đô, nhằm hỗ trợ khuyến sinh và góp phần cải cách cách thức làm việc.

Thống đốc Yuriko Koike dự định, bắt đầu từ tháng 4/2025, triển khai chính sách cho phép công chức làm việc tại chính quyền tùy chọn làm việc tuần ngắn hơn.

Chính quyền có kế hoạch giới thiệu hệ thống "nghỉ một phần để chăm con", cho phép nhân viên giảm giờ làm việc tối đa 2 giờ/ngày. Nhân viên chính phủ (trừ những người làm việc theo ca) có thể nghỉ tối đa 3 ngày/tuần nhưng vẫn phải hoàn thành đủ 155 giờ làm việc mỗi tháng.

Thu Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI