Cân nhắc việc buộc lắp thiết bị giám sát trên xe cá nhân

25/09/2023 - 06:34

PNO - Trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất quy định, muốn tham gia giao thông, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng phải có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe.

Dự thảo luật này đang được lấy ý kiến để hoàn thiện, trình Quốc hội trong kỳ họp thứ sáu (tháng 10/2023) và dự kiến được Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ bảy (tháng 5/2024). Nếu đề xuất trên được thông qua, hơn 4 triệu ô tô cá nhân đang lưu hành trên cả nước sẽ bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. 

Chuyên gia cho rằng cần hết sức cân nhắc việc bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình với ô tô cá nhân
Chuyên gia cho rằng cần hết sức cân nhắc việc bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình với ô tô cá nhân

Ông Lương Hoàng Trung - nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM - cho hay, việc bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đã được áp dụng từ lâu đối với xe kinh doanh vận tải. Theo đó, các xe kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách phải lắp camera hành trình, camera trong cabin, thiết bị định vị GPS để ghi và lưu trữ dữ liệu, hình ảnh người lái xe, lộ trình lưu thông. Chủ xe phải đóng chi phí truyền tải các dữ liệu trên đến nhà mạng và cơ quan quản lý với mức khoảng 80.000-100.000 đồng/thiết bị/tháng hoặc khoảng 1 triệu đồng/xe/năm.

Cũng theo ông, hiện nay, dù chưa có quy định bắt buộc nhưng nhiều chủ ô tô cá nhân đã chủ động lắp camera hành trình phía trước và sau xe nhằm giải quyết các vấn đề pháp lý khi không may xảy ra va chạm, tai nạn trong quá trình lưu thông. Việc lắp camera hành trình có lợi cho chủ xe, nhưng chỉ nên khuyến khích chứ không nên bắt buộc bởi nó sẽ phát sinh vấn đề quản lý, sử dụng dữ liệu hành trình của cá nhân.

Việc bắt buộc truyền tải dữ liệu đến nhà mạng và cơ quan quản lý sẽ ảnh hưởng đến quyền cá nhân của chủ xe. Hơn nữa, việc lưu trữ, xử lý dữ liệu hành trình của hàng triệu xe trên cả nước cần máy chủ có bộ nhớ cực lớn và nhân sự rất đông. Thêm vào đó, nếu bắt buộc truyền tải dữ liệu, người dân không chỉ tốn chi phí mua camera, thiết bị định vị GPS mà còn phải chi trả phí truyền tải dữ liệu hằng tháng, hằng năm. Trong trường hợp cơ quan chức năng không quản lý dữ liệu thì việc bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình không có ý nghĩa bởi chủ xe có thể lắp để đối phó nhưng thiết bị không hoạt động hoặc dữ liệu bị xóa.

Theo ông Lương Hoàng Trung, theo quy định, dữ liệu hành trình của xe kinh doanh vận tải được chia sẻ đến đơn vị trung gian là nhà mạng, sau đó truyền tải đến Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) và một số cục, tổng cục liên quan để phối hợp quản lý về trật tự, an toàn giao thông, an ninh trật tự, thuế, phòng, chống buôn lậu. Nghĩa là có rất nhiều cơ quan tiếp cận được thông tin về dữ liệu hành trình. Do đó, nếu bắt buộc quản lý dữ liệu giám sát hành trình đối với ô tô cá nhân thì nguy cơ lộ, lọt thông tin cá nhân sẽ rất cao. Người dân có thể cung cấp dữ liệu hành trình để xác minh vụ án, vụ tai nạn khi được yêu cầu chứ không ai muốn bị giám sát mọi đường đi nước bước của mình.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - cho rằng, trong kinh doanh vận tải, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là cần thiết nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước và công tác quản trị của doanh nghiệp vận tải. Tuy nhiên, cần hết sức cân nhắc với đề xuất bắt buộc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình với ô tô cá nhân bởi điều này sẽ tác động lớn đến người dân. Theo ông, cần làm rõ mục tiêu của đề xuất cũng như việc quản lý, tích hợp dữ liệu hành trình thu thập được, từ đó đánh giá tính khả thi, tác động xã hội, hiệu quả mang lại của đề xuất này. 

Phạm Luận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI