Cân nhắc khi thế chấp niềm tin, tài sản cho con

21/11/2023 - 10:18

PNO - Người xưa nói “hiểu con không ai bằng cha mẹ” nhưng thời nay, cha mẹ bị con cái “lừa dối ngọt ngào” rất nhiều.

Tình thương của cha mẹ dành cho con lúc nào cũng thiêng liêng và vô điều kiện. Nhưng ở chiều ngược lại, đạo hiếu có khi như con sông khô cạn, con suối quanh co đầy bí hiểm. Trong công việc và cuộc sống, tôi biết nhiều câu chuyện cám cảnh liên quan đến đạo hiếu thời nay.

Vợ chồng ông T. thuộc thế hệ 3X, là dân Nam Bộ chính gốc nên thuộc lòng câu: “Nhất trưởng nam nhì trai út”. Do thằng út khôi ngô, học giỏi lại khéo léo nên ông bà T. chọn sống chung với thằng út. Về hình thức, ông bà T. chia đều đất đai cho 6 người con, có chừa một phần đất hương hỏa có mộ ông bà giao cho anh út quản lý. Nhưng trên thực tế, ông bà lại giao thêm cho anh út phần “của chìm” giá trị gấp 4 lần phần của nổi đất đai anh út nhận với suy nghĩ: “Con nuôi cha mẹ thì không để nó thiệt thòi”.

Nhưng khi quyết định, vợ chồng ông T. quên câu “nước mắt chảy xuôi”. Anh út càng lớn càng tinh ranh, giảo hoạt sẵn sàng lừa dối cha mẹ, anh em và bà con để lấy tiền thông qua việc vay tiền, hùn vốn làm ăn, làm cò nhà đất, vay vốn ngân hàng…

Những năm cuối đời, vợ chồng ông T. ngộ ra bản tính bất trị của con trai nên quyết định không sang tên đất đai cho anh út, phó mặc tài sản cho đến khi 2 người đều chết.

Ảnh mang tính minh họa - Rawpixel.com
Ảnh mang tính minh họa - Rawpixel.com

Hiện tại, với cách làm ăn gian dối, anh út bị chủ nợ tìm quấy rối và đối diện với vòng lao lý. Phần tài sản anh út đang quản lý chưa kê khai thừa kế, nếu chia giống các anh em thì có người không đồng ý, nếu chia theo luật thì anh út chỉ có phần 1/6, còn nếu không thỏa thuận được thì tố tụng tranh chấp. Nhưng dù kịch bản nào, anh út cũng không thể giữ nổi phần tài sản mình nhận được và anh em chắc chắn bất hòa.

Người xưa nói “hiểu con không ai bằng cha mẹ” nhưng thời nay, cha mẹ bị con cái “lừa dối ngọt ngào” rất nhiều. Kể cả hiểu được tính cách con cái, bậc làm cha mẹ chưa chắc đánh giá thấu đáo, quyết đoán hành động và có phương pháp đúng đắn bởi nhiều nguyên nhân như:

Thứ nhất, chúng ta hiểu tính cách xấu của con, liệu chúng ta có đánh giá đúng mức độ hay không? Tính cách con người luôn bị hoàn cảnh, môi trường sống tác động. Nên tính cách hoàn toàn có thể thay đổi theo thời gian.

Thứ hai, chúng ta hiểu con nhưng chắc gì ta hiểu dâu/rể của mình. Dâu/rể từ những gia đình khác, chi phối và tác động con cái chúng ta. Nhiều gia đình tranh chấp do cha mẹ đánh giá tình hình không đúng hoặc tư duy theo kiểu: “Tôi dạy con chu đáo, nhà tôi nền nếp” mà quên rằng dâu/rể luôn là đối tượng tiềm năng của tranh chấp, xung đột gia đình khi con cái của mình thuộc tuýp “gà "công nghiệp”.

Thứ ba, không phải cha mẹ nào cũng đủ trí tuệ, bình tĩnh và dũng cảm để phòng ngừa con cái, đặc biệt là ở tuổi xế chiều, khi sức khỏe xuống dốc, suy nghĩ chậm chạp và đau ốm tìm đến. Những đứa con tâm cơ thường luôn khéo lấy lòng cha mẹ lúc mạnh khỏe và chỉ khi cha mẹ đau yếu, bệnh tật thì chữ hiếu của từng đứa con mới bộc lộ rõ ràng. Nên với người già, nếu đã thuộc câu “gừng càng già càng cay” thì cũng phải thuộc thêm câu “trẻ khôn qua, già lú lại”, đó mới là người cầu thị.

Tôi cho rằng, khi cha mẹ chưa chắc chắn về con cái, chưa hiểu rõ dâu/rể, còn do dự cân nhắc thì tuyệt đối không nên “thế chấp tài sản, niềm tin” cho đứa con nào. Trong trường hợp đã trao niềm tin cho con cái nói riêng, người thân nói chung thì phải có phương án dự phòng.

Riêng về tài sản, khi về già, cha mẹ nên lập di chúc bí mật hoặc dũng cảm lựa chọn, thỏa thuận người giám hộ bằng văn bản (không nhất thiết là con cái) nếu nhận ra chữ hiếu của các con không ổn. 

Luật sư Trần Hoài Nhân
(Công ty Luật TNHH UNIBROS VN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI