Cân nhắc cho 3 luật về bất động sản có hiệu lực sớm, khi chưa đủ văn bản hướng dẫn

19/06/2024 - 16:25

PNO - Theo ông Vũ Hồng Thanh, đến ngày 18/6/2024, mới có 1/16 văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai được ban hành...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lo sửa đổi hiệu lực các luật sớm hơn 5 tháng sẽ tạo áp lực trong việc đảm bảo tiến độ, chất lượng văn bản cần được ban hành.

Chiều 19/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.

Theo đó, 3 luật liên quan đến bất động sản được đề xuất có hiệu lực thi hành từ 1/8/2024. Khoản 3 Điều 200 và khoản 15 Điều 210 của Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024.

Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, Ủy ban kinh tế ủng hộ chủ trương để các luật trên sớm đi vào cộc sống. 3 dự án luật liên quan tới bất động sản có nhiều quy định đổi mới, tiến bộ, kỳ vọng tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị Chính phủ tính toán kỹ thời điểm điều chỉnh hiệu lực sớm và thời gian sớm bao nhiêu, trên cơ sở xem xét hết sức thận trọng 2 khía cạnh.

Thứ nhất là tính cấp bách, cấp thiết của việc điều chỉnh thời điểm có hiệu lực của luật từ ngày 1/8/2024. Thứ hai là mức độ đáp ứng của các điều kiện bảo đảm thi hành luật trong trường hợp luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng việc luật có hiệu lực sớm khi chưa ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết. Có ý kiến đề nghị không điều chỉnh thời gian hiệu lực của các luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế chỉ ra, đến ngày 18/6/2024, mới chỉ có 1/16 văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai được ban hành; 7 văn bản quy định chi tiết Luật Nhà ở và 4 văn bản quy định chi tiết Luật Kinh doanh bất động sản đều chưa được ban hành. Bên cạnh đó, Luật Đất đai cũng sửa đổi một số điều, khoản của các luật khác có liên quan, và theo đó có 2 nội dung cần hướng dẫn cũng chưa được ban hành.

Đối với các văn bản của các địa phương quy định chi tiết nội dung được giao trong các luật, hồ sơ dự án luật chưa có thông tin cụ thể về tiến độ, khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong việc dự thảo và ban hành văn bản cho kịp với thời hạn hiệu lực sớm của 4 luật.

“Ủy ban Kinh tế nhận thấy, việc sửa đổi hiệu lực của các luật sớm hơn 5 tháng sẽ tạo áp lực rất lớn trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng của các văn bản cần được ban hành, nhất là các văn bản do các địa phương ban hành. Từ đó, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, triển khai thi hành luật tại các địa phương” - ông Vũ Hồng Thanh nói.

Một số địa phương quan ngại về việc chưa ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn khi luật có hiệu lực sớm. Một số địa phương đề nghị giữ nguyên hiệu lực của luật.

Trường hợp các địa phương không thể hoàn thành các văn bản hướng dẫn có thể ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai thi hành luật, nhất là Luật Đất đai.

Có ý kiến lo ngại dù các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Trung ương được ban hành đúng tiến độ theo cam kết của Chính phủ, thì các địa phương cũng khó bảo đảm điều kiện ban hành toàn bộ các văn bản thuộc thẩm quyền trước ngày 1/8/2024.

Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo bổ sung về kết quả, tiến độ soạn thảo và ban hành trên thực tế các văn bản của địa phương, bảo đảm hiệu lực của văn bản và hiệu quả thi hành luật.

Bên cạnh đó, cần dự báo khó khăn, vướng mắc và khả năng khiếu kiện của nhà đầu tư, người dân trong trường hợp chậm ban hành, hoặc chất lượng chưa bảo đảm đối với các văn bản để có giải pháp phù hợp.

Để bảo đảm các luật được thi hành hiệu quả trong trường hợp Quốc hội thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ thực hiện đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cụ thể, Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện trước Quốc hội và Nhân dân về hiệu quả của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của các luật, xử lý các vấn đề phát sinh sau khi điều chỉnh hiệu lực của các luật”.

"Bảo đảm không tạo ra khoảng trống pháp lý hoặc để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, hợp thức hóa các sai phạm; không gây vướng mắc, ách tắc, khó khăn cho địa phương, người dân, doanh nghiệp, cản trở sự phát triển.

Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương ban hành kịp thời các văn bản cần thiết để hướng dẫn, quy định chi tiết việc thi hành các luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ, không để xảy ra vướng mắc do thiếu văn bản cụ thể hóa” - ông Vũ Hồng Thanh nêu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI