Cân nhắc buộc thu thập thông tin về mống mắt khi làm thẻ căn cước

25/10/2023 - 11:08

PNO - ĐBQH Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) cho rằng, cần cân nhắc việc bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt như trong dự thảo Luật Căn cước.

 

ĐBQH Lưu Bá Mạc băn khoăn về quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt khi làm thẻ căn cước

ĐBQH Lưu Bá Mạc băn khoăn về quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt khi làm thẻ căn cước

Băn khoăn thông tin về mống mắt, nhóm máu

Sáng 25/10, thảo luận về dự án Luật Căn cước, ĐBQH Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định bắt buộc phải thu nhận thông tin sinh trắc học về mống mắt như dự thảo Luật.

Theo đại biểu, chỉ nên quy định việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt giống như ADN và giọng nói (tại điều 16 của dự thảo luật). Cụ thể, thông tin này người dân tự nguyện cung cấp hoặc trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt. Do đó, ĐB đề nghị có thể bổ sung việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt này, vào điểm d khoản 1 Điều 16, tương tự như đối với ADN và giọng nói.

Tuy nhiên, về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Minh Đức (TPHCM) phân tích, trong sinh trắc học, các thông tin gồm có ảnh khuôn mặt, mống mắt, ADN… Với nhận dạng về khuôn mặt, thực tế hiện nay, vì nhu cầu làm đẹp, rất nhiều người chỉnh sửa, phẫu thuật thẩm mỹ nên gây khó khăn trong vấn đề nhận diện. Trong khi đó, mống mắt bao gồm toàn bộ thủy tinh thể, lòng đen của con người, không thể chỉnh sửa nên đây thông tin cố định. Việc bắt buộc thu thập thông tin về mống mắt rất tốt cho công tác quản lý.

Tại phiên thảo luận, ĐBQH Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) cho hay, thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư  bao gồm thông tin nhóm máu. ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu lại điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời tư cá nhân và gây hậu quả tiêu cực khác nếu thông tin cá nhân này được công khai. Theo bà, quy định này cũng không thống nhất với Luật Cư trú.

ĐBQH than phiền làm thẻ 2 tháng chưa được nhận

ĐBQH Phạm Văn Hòa lo ngại nếu phân quyền cho Bộ công an cấp Thẻ căn cước sẽ mất nhiều thời gian

ĐBQH Phạm Văn Hòa lo ngại nếu phân quyền cho Bộ Công an cấp thẻ căn cước sẽ mất nhiều thời gian

ĐBQH Phạm Thị Kiều cũng góp ý về việc thẩm quyền cấp, đổi thẻ căn cước. Dự thảo luật quy định về trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước là: cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi thẻ căn cước, như vậy cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an cấp tỉnh hay cấp huyện đều được cấp căn cước. Tuy nhiên, theo Điều 28 của dự thảo lại quy định thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước là thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước. Do đó cơ quan soạn thảo cần xem xét nội dung này thống nhất.

Cũng liên quan tới thẩm quyền cấp thẻ căn cước, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng cần xem xét và nghiên cứu kỹ. Hiện nay, theo quy định tại dự thảo, thẻ căn cước sẽ do Bộ Công an cấp. Lý do không phân cấp cho công an tỉnh cấp thẻ, theo giải trình là để tránh tốn kém. Tuy nhiên, ĐBQH cho rằng, trước đây, cấp chứng minh nhân dân vẫn do công an tỉnh thực hiện. Nếu giao cấp thẻ căn cước cho Bộ Công an có thể làm kéo dài thời hạn nhận thẻ, đặc biệt trong trường hợp nếu xảy ra thông tin sai thì việc chỉnh sửa sẽ rất mất thời gian.

Điều 26 của dự thảo luật quy định cơ quan quản lý căn cước phải cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước trong thời hạn 7 ngày làm việc. ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng, khó đảm bảo thời gian như trên. Đặc biệt người dân ở những tỉnh xa. Ông dẫn chứng, bản thân vừa làm lại thẻ căn cước công dân nhưng 2 tháng chưa được gửi về. Với những người dân thông tin cấp lại thẻ căn cước công dân không đúng, thậm chí có thể 3 tháng không nhận được thẻ. Vì vậy, ĐBQH đề nghị cân nhắc: nên hay không nên để Bộ Công an cấp thẻ căn cước như trong dự thảo.

Đồng tình với nhiều quy định của dự thảo luật song ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cũng lưu ý cơ quan quản lý rà soát hạ tầng, cán bộ công nghệ để bảo vệ, bảo mật thông tin cao cho cơ sở dữ liệu dân cư vì nếu lộ lọt thì rất nguy hiểm.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI