Cần người đứng đầu dám 'chịu trách nhiệm' cho sáng tạo

06/07/2018 - 07:56

PNO - Không hề thiếu người tài trong bộ máy nhà nước, cũng không thiếu năng lực sáng tạo ở khu vực công… vấn đề chúng ta có đủ quả cảm “đón nhận” sự hiện thực hóa của sáng tạo nơi những chủ thể đang thực thi công vụ đó?

Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X (nhiệm kỳ 2015-2020) đưa ra chuyên đề khơi dậy và phát huy truyền thống sáng tạo để phát triển thành phố giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo. Điều này thể hiện sự kiên định, nhất quán trong tầm nhìn, định hướng phát triển thành phố theo hướng kinh tế tri thức và tăng trưởng xanh. Một trong các trụ cột không thể thiếu để phát triển kinh tế tri thức đó chính là hệ thống sáng tạo và ứng dụng công nghệ có hiệu quả.

Can nguoi dung dau dam 'chiu trach nhiem' cho sang tao
Thành phố sáng tạo là nơi mà ở đó con người với tính sáng tạo là tài nguyên quan trọng

“Bất kỳ hoạt động nào không theo khuôn mẫu cũ khiến nảy sinh vấn đề mới và có sự giải quyết nó một cách thỏa đáng đều mang tính sáng tạo. Ở điều kiện phát triển bình thường, ai cũng có năng lực sáng tạo, chỉ khác nhau ở chỗ: năng lực sáng tạo cao hay thấp và có khả năng phát huy hay không”. Đó là nguyên văn những gợi ý hết sức mới trong dự thảo do chính Ban Thường vụ Thành ủy soạn thảo, khiến người ta khá bất ngờ và khấp khởi.

Khởi đi từ yếu tố bền vững nhất: con người!

Mang niềm hy vọng cho thành phố truyền thống sáng tạo, chúng tôi được ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP.HCM, người được phân công phụ trách cải cách hành chính của TP.HCM - khẳng định, sáng tạo phải khởi đi từ con người, vốn liếng quý nhất của thành phố.

“TP.HCM chứa đựng nguồn nhân lực, vật lực, tiềm năng, năng lực sáng tạo to lớn cần được giải phóng và phát huy mạnh mẽ, trong đó con người là tiềm năng to lớn nhất. Từ người lãnh đạo phải đổi mới tư duy giúp nguồn nhân lực thành phố sáng tạo. Thành phố phải mạnh dạn sắp xếp lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Bố trí chính xác ai là người nghiên cứu, ai tham mưu và ai là người hành động. Bố trí đúng mới phát huy được”, ông Tuyến nói.

Ông cũng cho rằng, một thành phố sáng tạo là nơi mà nguồn tài nguyên chính là tính sáng tạo của cư dân. Nhờ có sáng tạo con người tạo ra những sản phẩm kỳ diệu mà bản thân thiên nhiên không thể có được.

Quan điểm của ông Tuyến khá tương đồng với cái nhìn của giới nghiên cứu quốc tế. Theo đó, tài nguyên thiên nhiên dồi dào, vị trí địa lý thuận lợi và tiếng tăm từ quá khứ không còn đóng vai trò quyết định tới sự hưng thịnh của một quốc gia trong thời đại ngày nay nữa. Thay vào đó, nền tảng cho sự phát triển của mọi thành phố là tính sáng tạo. Nói cách khác, thành phố sáng tạo là nơi mà ở đó con người với tính sáng tạo là tài nguyên quan trọng, tạo ra của cải và giúp xã hội phát triển bền vững.

Can nguoi dung dau dam 'chiu trach nhiem' cho sang tao
 

Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn hiện nay được Ban Thường vụ Thành ủy xác định đang cản trở việc phát huy sáng tạo, chính là năng lực quản trị của tổ chức bộ máy còn tồn tại quá nhiều hạn chế. Trong đó, hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ, chồng chéo, bất cập, ranh giới giữa chủ động, sáng tạo và vi phạm các quy định, quy chế khó phân định. Do đó, còn bao trùm tâm lý thận trọng, thụ động, an phận trong một bộ phận đội ngũ cán bộ. Thiếu cơ chế bảo vệ và không thúc đẩy sự chủ động, sáng tạo để nâng cao hiệu quả quản trị và thực thi công vụ.

Cái gì mới mà lợi cho dân thì có trái cũng không sai

Tương tự như âu lo của Thành ủy, đề cập đến trở lực nói trên, ông Huỳnh Thế Du - giảng viên chính sách công Đại học Fulbright Việt Nam - một lần nữa khẳng định đó là cơ chế “khuyến khích ngược” đang tồn tại khắp nơi ở Việt Nam. Cơ chế này đang kéo ghì mọi thứ, trong đó có năng lực sáng tạo của lực lượng cán bộ, công chức. Ông Du bác bỏ “hiểu nhầm” cho rằng bộ máy nhà nước không có người tài. Trái lại, có nhiều người tài, nhiều năng lực sáng tạo.

Tuy nhiên, khi có sáng kiến, ý tưởng hay muốn làm cái mới nhưng kết quả là nếu có thành tích thì chưa chắc gì người cán bộ đó được hưởng nhưng rủi có sai thì sẽ bị phạt. Cứ làm theo đúng quy trình thì không gặp trục trặc, ngược lại dễ sai và bị đập. Chìa khóa vấn đề nằm ở đây.

Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM khẳng định, kết luận số 21-KL/TW ngày 24/10/2017 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, là cơ hội lớn, là một quyết sách quốc gia đột phá, đồng bộ, kịp thời, phù hợp với tình hình phát triển thành phố sau 42 năm thống nhất đất nước và hơn 30 năm đổi mới. 

Điều này giúp thể chế hóa những nỗ lực sáng tạo của thành phố trong suốt quá trình xây dựng và phát triển. Đặc biệt, trong 30 năm đổi mới đã giúp thành phố vừa phát huy tốt hơn các lợi thế tự nhiên của mình trong quá trình phát triển, vừa phát huy tốt nhất các nguồn lực trong nhân dân, trong hệ thống chính trị và các nhà đầu tư, đối tác quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài nhằm phát triển thành phố nhanh hơn, bền vững hơn vì cả nước. Đồng thời, từng bước giải quyết có cơ sở khoa học và thực tiễn các thách thức lớn đối với sự phát triển của thành phố trong 30-50 năm tới.

Ông Du cho rằng, để phát huy năng lực sáng tạo của khu vực công, phải tạo ra cơ chế chịu trách nhiệm và cạnh tranh rõ ràng, minh bạch. Thành tích của ai thì phải tính cho người đó, trách nhiệm của kẻ nào thì phải quy cho đúng chỗ.

Ông Du đưa ra một hình ảnh cũ nhưng luôn mới: “Một điều cực kỳ quan trọng là phải có sự ủng hộ của người đứng đầu, người lãnh đạo cho các hành động, tư duy sáng tạo. Tức là phải như thời ông Sáu Dân - Võ Văn Kiệt ấy. Ông ấy nói với cấp dưới, các ông các bà cứ làm đi lỡ vào tù tôi sẽ vác cơm đi nuôi. Có người lãnh đạo như thế người ta mới dám làm. Chứ còn cơ chế như hiện nay, bên dưới thì sợ sai, ở trên thì tìm cách xử phạt, ai mà dám làm. Ý tưởng của cấp trên, khi cấp dưới thực hiện nếu có trục trặc thì cấp trên phải chịu trách nhiệm chứ không phải đi phạt cấp dưới”.

Tương tự, trao đổi với chúng tôi, tiến sĩ Đinh Phương Duy - Phó giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM - nêu quan điểm, đối với bộ máy hành chính nói riêng và khu vực công hiện nay, vấn đề sáng tạo nên dựa trên nguyên tắc cái gì mới mà nếu phục vụ tối đa cho quyền lợi người dân, thì phải ủng hộ cho dù điều đó có thể chưa đúng quy định, quy trình. Muốn như thế, tư duy của cán bộ cấp trên phải thay đổi.

“Muốn có sáng tạo, tiếp tục tạo ra đột phá cho thành phố, thì mọi thứ phải quy chiếu về lợi ích của người dân. Cái gì người dân được lợi mà cho dù nó có mới thì phải ủng hộ”, ông Duy khẳng định.

Cũng theo ông Duy, tinh thần trách nhiệm của từng cá nhân gắn liền với sự trao quyền cho cá nhân đó và bớt đi tính tập thể cũng mang tính khuyến khích sáng tạo. Cá nhân sẽ không dám làm sai vì một mình họ chịu trách nhiệm. Tập thể phía sau, bao trùm cá nhân đôi khi tạo sự ỷ lại vì sự mù mờ trách nhiệm.

“Thiếu tính minh bạch chắc chắn sẽ rất khó khơi dậy lòng tự trọng của cán bộ công chức trong tâm huyết là làm cho cuộc sống tốt hơn, mình vì mọi người. Khi công sức đóng góp không được thừa nhận hay khi nào còn tù mù về quyền lợi mình và ích lợi của người khác, thì người ta cũng chả biết việc mình làm có mang lại cho ích lợi cho sự phát triển hay không. Ví dụ thu nhập, bổ nhiệm, tuyển dụng phải hết sức minh bạch, công khai, đâu ra đó thì người ta mới cảm thấy yên lòng, mới thấy cống hiến có giá trị thì mới có thể mong sự sáng tạo”, ông Duy đưa thêm một lực cản.

Thế nhưng, một điểm chung, từ giới lãnh đạo cho đến các chuyên gia khi trao đổi với chúng tôi về chuyên đề khơi dậy và phát huy truyền thống sáng tạo để phát triển TP.HCM đều nhìn thấy, đó là những khó khăn, thách thức được nêu ở trên, đồng thời cũng chính là cơ hội khơi gợi những ý tưởng, giải pháp mới. Nó đòi hỏi cơ chế phát huy năng lực sáng tạo của mỗi tập thể, cá nhân tham gia giải quyết, đóng góp cho sự phát triển của thành phố.

Từ những ý kiến thu thập qua quá trình thực hiện bài viết, theo thiển ý của chúng tôi, muốn có một cộng đồng sáng tạo, một thành phố sáng tạo, cần đẩy mạnh sự tham gia của người dân vào đời sống xã hội. Xã hội hóa phải được xem là khuynh hướng tự nhiên của xã hội và nhằm thực hiện các mục tiêu mà một cá nhân hay nhà nước tự mình không làm được. Chính điều này sẽ giúp phát triển khả năng sáng tạo và ý thức trách nhiệm nơi mỗi cá nhân trong cộng đồng, đặc biệt một cộng đồng có truyền thống năng động, sáng tạo như TP.HCM. 

Năm 2017, Việt Nam xếp hạng 47 thế giới và thứ 3 Đông Nam Á (sau Singapore và Malaysia) về chỉ số đổi mới và sáng tạo quốc gia do Tổ chức Sở hữu trí tuệ toàn cầu (World intellectual Property Organization - WIPO) công bố. So với năm 2012, ta tăng 29 bậc đối với quốc tế và 3 bậc so khu vực. Bảng xếp hạng “Chỉ số sáng tạo toàn cầu” 2017 này được xây dựng với sự tham gia của 127 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó sử dụng một số chỉ số như phát triển thể chế, môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, giáo dục…

Xét về chỉ số kinh tế tri thức KEI do Viện Ngân hàng Thế giới (WBI) đưa ra trong năm 2012 thì Việt Nam có chỉ số là 3,4 - xếp thứ 104/146 quốc gia và vùng lãnh thổ (chỉ số KEI từ 0 đến 10). Năm 2008, chỉ số KEI của Việt Nam chỉ đạt 0,4558. Chưa kể đến năng suất lao động của Việt Nam rất thấp, chỉ bằng 38% Trung Quốc và 27% Thái Lan.

Chỉ số những bài báo khoa học được đăng trên các tập san quốc tế cũng biểu hiện khả năng sáng tạo của các nhà khoa học Việt Nam. Trong thời gian 10 năm (từ 1996-2005), các nhà khoa học Việt Nam công bố 3.456 công trình nghiên cứu khoa học trên các tập san quốc tế. Nếu so sánh với các nước trong khu vực, số lượng ấn phẩm khoa học ở Việt Nam vào hàng thấp nhất: bằng 1/5 so với Thái Lan, 1/3 so với Malaysia, 1/14 so với Singapore… Số bằng sáng chế cũng là chỉ số quan trọng và khách quan để đánh giá mức độ đầu tư cho khoa học công nghệ, trình độ sáng tạo cũng như thành tựu khoa học của quốc gia đó.

Như vậy, những chỉ số được xét trong phạm vi vài năm trở lại, cho thấy năng lực sáng tạo của người Việt Nam chưa được phát huy, trình độ sáng tạo còn ở mức thấp.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI