Can ngăn kịp thời, chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không

08/01/2021 - 06:36

PNO - Tuy là phái yếu nhưng các dì luôn là những người tiên phong trong các hoạt động bảo vệ phụ nữ, trẻ em, an ninh trật tự của khu dân cư, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội.

Nửa đêm cũng chạy đi dàn xếp 

Chiều muộn, chúng tôi đến gặp dì Phạm Thị Liễu - tổ trưởng tổ dân phố 49 kiêm tổ trưởng phụ nữ khu phố 3, P.Hòa Thạnh, Q.Tân Phú.

Dì Liễu đã 64 tuổi. Với cân nặng gần 100kg, xương khớp đau nhức liên miên, nhưng rất hiếm khi gặp dì ở nhà. Phần lớn thời gian dì dành cho hoạt động giữ gìn an ninh trật tự, chăm lo, bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Dì Liễu nói: “Tổ 49 phần đông là người dân lao động nhập cư, đời sống còn khó khăn. Để giữ gìn an ninh, ngày nào tôi cũng dành thời gian đi loanh quanh trong xóm, vừa để kiểm tra vừa để nghe ngóng tình hình đời sống của người dân đôi ba lần”. 

Trong gần 15 năm tham gia công tác ở tổ dân phố, dì Liễu không còn nhớ nổi mình đã tham gia hòa giải bao nhiêu trường hợp vợ chồng mâu thuẫn, bạo lực gia đình, đánh nhau trong khu dân cư. Chiều hôm trước, thấy tiệm hủ tíu của đôi vợ chồng ở đầu hẻm đóng cửa không buôn bán như bình thường, dì Liễu tìm đến hỏi chuyện và biết vợ chồng gây gổ rồi nghỉ bán. Thế là dì trở thành chuyên gia hòa giải cho họ. “Sáng hôm nay đi ngang thấy quán đã bán lại bình thường rồi, vui quá, tôi rủ thêm vài chị em trong xóm ra ăn sáng ủng hộ” - dì nói.

Dì Phạm Thị Liễu tặng học bổng và quà cho trẻ em khó khăn
Dì Phạm Thị Liễu tặng học bổng và quà cho trẻ em khó khăn

Câu chuyện cách đó vài tháng cũng được dì nhắc lại trong ngậm ngùi: “Hơn hai tháng trước, dì giúp hàn gắn tình cảm cho một cặp vợ chồng đã sống với nhau hơn 20 năm, vậy mà cách đây vài tuần người chồng đã mất vì đột quỵ”. Chuyện là, người chồng đã ghen tuông và đánh vợ khiến cô vợ giận và bỏ nhà đi. Hay tin người dân trong xóm báo lại, dì Liễu đã tìm đến hòa giải, nói chuyện với người chồng rồi gọi điện cho người vợ trở về. Cả hai vợ chồng vừa vui vẻ trở lại được vài tuần thì người chồng qua đời. Gặp lại dì Liễu, người vợ cảm ơn vì đã giúp vợ chồng họ hàn gắn kịp thời, nếu không chắc chị sẽ day dứt cả đời”.

Nghe mẹ nhắc lại các câu chuyện đi “hàn gắn”, chị Trang - con gái dì Liễu cho biết: “Chuyện gì trong xóm này mẹ tôi cũng lo. Ai có chuyện gì hoặc thấy có chuyện cũng gọi điện, 11-12 giờ đêm cũng còn nghe điện thoại. Mỗi lần như vậy thì mình lại lo. Nhiều lúc cũng muốn mẹ tôi nghỉ ngơi nhưng bà chưa chịu”. 

Dì Liễu tiếp lời: “Người dân tin mình, biết mình thì mới gọi. Mình đến can ngăn kịp thời, chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không. Nếu mình chần chừ không đi, lỡ có chuyện hay có án mạng thì cả xóm không ai vui, mình cũng không vui”. 

Không chỉ vác tù và hàng tổng, dì Liễu còn giới thiệu cho khoảng 30 chị em vay vốn từ 10-30 triệu đồng phát triển kinh tế. Đối với phụ nữ thuê phòng trọ, nếu có khó khăn dì giúp bằng cách tự bỏ tiền túi cho mượn không tính lãi. Mới đây, dì cho chị Nguyệt - một phụ nữ đơn thân ở trọ nuôi ba con nhỏ - mượn 500.000 đồng để có thêm vốn bán gánh bún riêu. Mỗi ngày bán đắt, chị Nguyệt góp trả cho dì Liễu 20.000 đồng và góp cho đến khi nào hết thì thôi. Nếu cần dì Liễu lại tiếp tục cho mượn lại. Cùng với chị Nguyệt còn có hai, ba phụ nữ đồng cảnh ngộ được dì Liễu giúp vốn bán bánh mì, trái cây. “Mỗi khi giúp được một ai đó, làm điều gì đó tốt cho xã hội dì Liễu lại thấy cuộc sống mình an nhiên”, dì nói. 

Nắm tay chỉ đường để các con quay về

Đang chuẩn bị cùng với người cháu gái trong xóm đi vận động chăm lo tết Nguyên đán thì có khách tới nên dì Nguyễn Thị Lang, P.8, Q.Phú Nhuận phải nán lại trò chuyện.

Dì Lang (68 tuổi) hiện đang là trưởng ban điều hành khu phố 3. Tuy nhiên, từ những năm 1990 dì đã tham gia công tác Hội với vai trò là chi hội trưởng phụ nữ khu phố, nên hoạt động của khu phố được dì hiểu tường tận. Dù đã lớn tuổi, lại đang trong giai đoạn bệnh suy tim, suy thận giai đoạn cuối, mỗi tuần phải chạy thận hai lần, nhưng dì Lang vẫn gắn bó với hoạt động của khu phố, của Hội Phụ nữ. Dì chưa yên lòng để giao việc lại cho người khác bởi “Xây đã khó mà giữ còn khó hơn. Để tìm được người có kinh nghiệm, nhiệt huyết, chịu gắn bó với hoạt động phong trào, hoạt động khu phố không phải dễ. Tôi cũng mong có người kế thừa để an hưởng tuổi già”.

Khu phố 3 là khu phố được đánh giá có tình hình trật tự an ninh khá tốt. Dì Lang cho biết: “Nhận được sự đồng thuận của người dân, khu phố đã lắp đặt 23 camera an ninh, tất cả hình ảnh giao cho công an quản lý. Các hộ dân trong khu phố đều được kết nối xem hình ảnh trực tiếp tại 23 điểm camera trong điện thoại. Từ ngày được kết nối camera, mỗi người dân còn là “một con mắt camera” giám sát tình hình an ninh trật tự, hễ thấy có người lạ lãng vãng, đáng nghi là gọi cho tôi”. 

Dì Nguyễn Thị Lang và Hội LHPN Q.Phú Nhuận trao đổi công tác chăm lo tết cho nữ lao động nhập cư
Dì Nguyễn Thị Lang và Hội LHPN Q.Phú Nhuận trao đổi công tác chăm lo tết cho nữ lao động nhập cư

Chị Lê Thị Thanh Thảo - Phó chủ tịch Hội LHPN Q.Phú Nhuận - cho biết: “Tôi biết và quý dì Lang từ khi còn công tác tại UBND P.8, đến nay dù sức khỏe yếu nhưng dì vẫn tích cực với hoạt động của khu phố. Dì là gương điển hình trong công tác quản lý, giáo dục và cảm hóa thanh niên sau cai, tái hòa nhập cộng đồng. Mấy em thanh niên dù chưa tốt, chưa ngoan, nhưng hễ gặp dì là gật đầu chào hỏi. Dì khuyên chuyện gì các em cũng nghe, nhờ việc gì cũng làm”. 

Tại khu phố 3, dì Lang đang được phân công giúp đỡ bốn thanh niên sau cai nghiện và trong năm 2020 không có trường hợp nghiện mới cũng như tái nghiện. Tất cả các em hiện đều có việc làm, có em đã lập gia đình và có con, có cuộc sống ổn định. 

Nói về công việc giúp đỡ đối tượng sau cai, dì Lang cho biết: thông tin ban đầu mình cũng nắm lại từ công an. Nhưng lợi thế là mình biết rõ hoàn cảnh từng em, tìm lý do đến thăm rồi vận động, tạo niềm tin và hỗ trợ một chút vật chất ban đầu. Tiếp cận nhiều sẽ biết tâm tính, nhu cầu rồi tìm cách giúp đỡ. Anh C. sau khi cai nghiện trở về được hỗ trợ vay 10 triệu đồng làm vốn buôn bán. Ban đầu, anh bán cháo, hủ tíu, sau đó được người quen chỉ bí quyết nấu phở, anh chuyển sang bán phở và duy trì đến nay. Hiện anh C. mới nhận 50 triệu đồng vốn vay để mua thêm bàn ghế, mở rộng kinh doanh. Anh C. có vợ và hai đứa con ngoan ngoãn. 

Tất cả các anh chị em sau cai, phụ nữ yếu thế, tái hòa nhập cộng đồng, đều được dì Lang dìu dắt. Con đường mới của các em, các chị sẽ khó khăn nhưng có nhiều hy vọng. 

Ngày 6/1, Hội LHPN Việt Nam và Bộ Công an tổ chức tổng kết ba năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/TW về “Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” giai đoạn 2017-2020 tại Hà Nội. Dịp này, Hội LHPN Q.5, TP.HCM vinh dự được nhận bằng khen từ Bộ Công an trong việc thực hiện nghị quyết. 

Trong quá trình thực hiện, Hội LHPN Q.5 đã có nhiều sáng kiến, cách làm hay thông qua các hội thi nhằm tìm kiếm các giải pháp phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong gia đình, hướng dẫn các kỹ năng tự vệ cho học sinh, phát động phong trào “Mỗi hội viên phụ nữ là một trợ thủ đắc lực cho công an”, phát hành 9.000 móc khóa “An ninh trật tự”; duy trì hiệu quả các mô hình câu lạc bộ Đồng cảnh, nhóm Hy vọng, nhóm Bà mẹ có con tái hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ vật chất và tinh thần giúp các gia đình có người thân vướng vào tệ nạn hòa nhập cộng đồng tốt hơn…

D.Trang

 

Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI