Cần ngăn chặn việc trúng đấu giá biển số xe tiền tỉ rồi xù

01/11/2023 - 06:11

PNO - Từ ngày 17/10, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam đưa gần 500 biển số ô tô ra đấu giá, trong đó có các biển số gây chú ý như 30K-555.55, 30K-567.89, 51K-888.88, 36A-999.99… Các biển số này từng được đấu giá thành công trong phiên đấu giá giữa tháng 9/2023 nhưng người thắng không chịu nộp tiền để nhận biển số.

Các biển số trên từng được đấu thắng với mức giá cao không tưởng: biển số 51K-888.88 hơn 32 tỉ đồng, biển số 30K-555.55 được trả hơn 14 tỉ đồng, biển số 30K-567.89 hơn 13 tỉ đồng, biển số 36A-999.99 hơn 7 tỉ đồng. Tổng cộng, có 6 biển số được đấu giá thành công trong phiên đầu tiên (tháng 9/2023) nhưng người thắng (trúng) không chịu nộp tiền để lấy biển số nên Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam phải mang ra đấu giá lại.

Theo quy định, các phiên đấu giá biển số xe phải được người của Cục Cảnh sát giao thông giám sát - ẢNH: V.C.
Theo quy định, các phiên đấu giá biển số xe phải được người của Cục Cảnh sát giao thông giám sát - Ảnh: V.C.

Theo Nghị định 39/2023 về thí điểm đấu giá biển số ô tô, trong thời hạn 7 ngày nhận được kết quả, biên bản và danh sách người trúng đấu giá từ đơn vị tổ chức đấu giá, Bộ Công an sẽ ban hành văn bản phê duyệt kết quả đấu giá và gửi thông báo đến người trúng đấu giá. Tiếp đó, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo, người trúng đấu giá phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá (trừ đi 40 triệu đồng tiền đặt cọc). 

Nếu người trúng đấu giá nộp tiền đúng quy định, tiền này sẽ được chuyển vào ngân sách, được dùng để đầu tư cho công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và các dịch vụ công cộng khác. Nếu không nộp tiền, người trúng đấu giá bị mất 40 triệu đồng và biển số được đưa ra đấu giá lại.

Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Luật Đấu giá tài sản và các quy định liên quan đến đấu giá không nêu hình thức chế tài nào khác ngoài tiền cọc nên người trúng đấu giá dễ dàng bỏ cọc.
Được biết, với mỗi phiên đấu giá biển số xe, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức đấu giá (hệ thống website, đường truyền, dữ liệu…), Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) bố trí cán bộ có chuyên môn giám sát. Do đó, chi phí cho khâu tổ chức, nhân sự cho mỗi phiên đấu giá là không nhỏ. Nếu người trúng đấu giá bỏ cọc, số tiền thu về chỉ là 40 triệu đồng. Đây là một sự lãng phí.

Do đó, có ý kiến cho rằng, đấu giá biển số ô tô là một dịch vụ đặc biệt, dành cho những người có nhu cầu sở hữu biển số theo sở thích cá nhân nên cần có các biện pháp đặc biệt để ngăn chặn tình trạng bỏ cọc tràn lan.

Ông Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho rằng, cho tổ chức đấu giá biển số xe là một chính sách đúng đắn, vừa giúp tăng thu ngân sách, đáp ứng nhu cầu của người dân, vừa tăng sự minh bạch trong công tác cấp biển số xe. Nhưng việc bỏ cọc xảy ra thường xuyên sẽ khiến những mục đích trên không thành hiện thực.

Theo ông Phạm Văn Hòa, cần tăng mức tiền đặt cọc - nhất là với các biển số xe có giá trị cao - nhằm hạn chế tình trạng bỏ cọc. Ông cũng kiến nghị áp dụng hình thức cấm người trúng đấu giá bỏ cọc tham gia các phiên đấu giá biển số tiếp theo, đồng thời xem xét công nhận kết quả trúng đấu giá đối với người trả giá cao thứ hai, thứ ba (trong trường hợp họ đồng ý), nhằm hạn chế thấp nhất việc tổ chức đấu giá lại để tránh lãng phí.

Lãnh đạo một công ty tổ chức đấu giá ở TP Hà Nội gợi ý, để hạn chế tình trạng bỏ cọc, đơn vị tổ chức đấu giá nên mở cho mỗi người tham gia đấu giá một ví tiền trên website của mình. Khi “đấu”, người tham gia phải nộp tiền vào tài khoản và do đó không được trả giá cao hơn số tiền mà mình có trong ví. Với cách này, người không trúng đấu giá sẽ được rút tiền trong ví về, còn người trúng đấu giá sẽ “được” giữ ví, giao tài sản đã đấu trúng. Để làm được điều này, nên kéo dài thời gian đấu giá lên 1 ngày thay vì 1 giờ như hiện nay.

Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI