Cần ngăn chặn nạn khai thác nước ngầm tràn lan

05/07/2021 - 07:33

PNO - Theo kết quả quan trắc của Bộ Tài nguyên và Môi trường, TPHCM là địa phương có tốc độ lún trung bình 4cm/năm, cá biệt có nơi đến 6,7cm/năm. Ngoài nguyên nhân sụt lún do xây dựng công trình trên nền đất yếu và hoạt động giao thông, còn có nguyên nhân khai thác nước ngầm.

 Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, TPHCM có khoảng 100.000 giếng khoan khai thác nước ngầm có đường kính và độ sâu khác nhau, phân bố không đều ở các khu vực với tổng lượng nước ngầm bị khai thác 710.000m3/ngày.

Tình trạng ngập nước ở một số khu vực của TP.HCM có liên quan  đến vấn đề lún đất mà một trong những nguyên nhân gây lún là  khai thác nước ngầm vô tội vạ - ẢNH: MINH ANH
Tình trạng ngập nước ở một số khu vực của TP.HCM có liên quan đến vấn đề lún đất mà một trong những nguyên nhân gây lún là khai thác nước ngầm vô tội vạ - ẢNH: Minh Anh

Việc khai thác nước ngầm tràn lan đã và đang để lại những hậu quả về môi trường, biến đổi địa chấn cho TPHCM. Điển hình, phường An Lạc, quận Bình Tân lún tới 81,4cm, là nơi có tốc độ sụt lún lớn nhất ở Nam Bộ. Đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) khi đưa vào sử dụng được một năm, UBND TPHCM đã mời Viện Khoa học công nghệ xây dựng kiểm định chất lượng, cho kết quả, đường bị lún từ 5-100cm. Trải qua nhiều lần cải tạo, sửa chữa, đường Nguyễn Hữu Cảnh không những vẫn lún, nứt mà còn bị ngập liên miên trong mùa mưa.

Về chất lượng nước, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM đã giám sát 149 mẫu nước ăn uống, sinh hoạt, cho kết quả: 72% mẫu đạt chỉ tiêu hóa lý và vi sinh, số còn lại không đạt. Đa số các mẫu không đạt chất lượng rơi vào nhóm nước giếng do hộ dân tự khai thác. Nhiều mẫu nước giếng do hộ gia đình tự khai thác đang bị ô nhiễm nặng, không đạt độ pH, có hàm lượng amoni cao và có mẫu nước nhiễm vi sinh (E. coli và coliforms)...

Với những thực trạng như vừa nêu, tôi mong rằng, trong các văn kiện đại hội Đảng bộ TPHCM, khi đề cập nội dung bảo vệ môi trường, cần có phần nói về nạn khai thác nước ngầm và có giải pháp hạn chế nó. Có thể có những khu vực mà mạng lưới cấp nước chưa “đến” được thì cho phép khai thác nước ngầm nhưng phải có thời hạn, còn với những khu vực khác, phải có biện pháp quyết liệt như cấm khai thác, đi kèm là biện pháp xử phạt.

Lâm Sơn Vinh
(phường An Lạc A, quận Bình Tân, TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI