PNO - Hôm nay, 13/12, học sinh lớp Chín và 12 tại TP.HCM bắt đầu đi học trực tiếp. Trước đó, các trường đã chuẩn bị nhiều giải pháp an toàn, tập dượt ứng phó với các tình huống nếu có F0… Đây có lẽ là lần đầu tiên việc trường học đón học sinh đi học vốn dĩ bình thường lại trở nên cân não đến vậy.
Tại lớp 9/1 Trường THCS Lý Thánh Tông (Q.8), khi vào học tiết 3 môn văn được một lúc, giáo viên (GV) bộ môn Kiều Thị Vân Anh phát hiện học sinh (HS) Phan Nguyễn Trường Thành có biểu hiện sốt, ho. Lúc này, lớp đang học ở phòng 2 lầu 3 và có 32 HS trong lớp. GV bộ môn ra khỏi lớp, báo cho thầy Cao Trung Tín, giám thị hành lang. Giám thị lập tức gọi điện thoại báo cho nhân viên y tế Nguyễn Thị Lệ Thanh. Nhân viên y tế liền lên lớp đưa Thành xuống phòng cách ly và test nhanh cho ra kết quả dương tính.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) tập dượt tình huống có F0 xuất hiện - Ảnh: Trường THCS Nguyễn Du
Nhân viên y tế bình tĩnh gọi điện thoại thông báo đến Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của trường là Hiệu trưởng Nguyễn Long Giao và thông báo đến GV bộ môn và GV chủ nhiệm lớp. Trong lúc này, GV bộ môn trấn an tâm lý HS để các em không lo lắng, hoảng sợ; yêu cầu HS không tự ý di chuyển, không tiếp xúc với người xung quanh, đeo khẩu trang y tế và chờ được hướng dẫn, xử trí. Còn GV chủ nhiệm gọi điện thoại cho phụ huynh thông báo tình hình của HS này để thực hiện công tác điều trị F0 theo quy định của y tế địa phương. Đồng thời, hiệu trưởng nhà trường liên hệ với Trưởng Trạm Y tế P.9 về việc có một HS biểu hiện ho, sốt, test nhanh cho kết quả dương tính để y tế phường hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch.
Hiệu trưởng phân công thầy giám thị xét nghiệm tại lớp ngoài hành lang do đội xét nghiệm Trạm Y tế P.9 lấy lại mẫu test nhanh GV đứng lớp và 31 HS còn lại của lớp. GV các lớp khác dặn HS giữ trật tự, trấn an HS tránh hoang mang, không cho HS ra hành lang khi chuyển tiết. Nếu HS có kết quả âm tính sẽ qua phòng kế bên, HS có kết quả dương tính sẽ tập trung ngoài hành lang và xuống phòng cách ly. Qua xét nghiệm, chưa phát hiện thêm trường hợp nào dương tính. Khi có kết quả toàn bộ 31 HS và GV bộ môn âm tính, tiết học tiếp tục diễn ra tại phòng học kế bên để y tế phường khử khuẩn phòng học lớp 9/1…
Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) tập dượt tình huống có F0 xuất hiện - Ảnh: Trường THCS Nguyễn Du
Khi F0 xuất hiện, từ sự lo lắng hồi hộp, các GV, nhân viên nhà trường đã xử lý các bước trong chưa đầy 45 phút. Đó là tình huống được Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quận 8 giả định để tập dượt cho cán bộ y tế, GV các trường THCS trên địa bàn ứng phó khi HS đi học lại. Ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD-ĐT quận 8, cho hay: Khi HS đi học trở lại, tình huống F0 xuất hiện đột ngột là khó tránh khỏi nên phải tập dượt để các thầy cô không bỡ ngỡ, hốt hoảng và biết cách xử lý khẩn cấp. Toàn quận có 3.797 HS lớp 9 đi học trực tiếp, may mắn là không có em nào đang bị cách ly không thể đi học. Khi khảo sát ban đầu, chỉ có 68,55% phụ huynh đồng ý nhưng hôm 10/12 tập trung thì con số này tăng lên 87,34%. Dự kiến, ngày đi học chính thức sẽ đầy đủ hơn để các em sớm ổn định cho học kỳ sau.
Băn khoăn về kinh phí duy trì xét nghiệm thường xuyên
Theo các trường, khi tổ chức dạy học trực tiếp, nguy cơ có F0 là thường trực. Vì vậy, việc xét nghiệm nhanh cho HS, GV sẽ diễn ra thường xuyên.
Với hơn 90% HS lớp 12 đồng ý đi học trở lại, Trường THPT Thanh Đa (quận Bình Thạnh) đã chuẩn bị các công tác về phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho HS. Tuy nhiên, điều lãnh đạo nhà trường còn băn khoăn chính là kinh phí thực hiện xét nghiệm nhanh khi có F0. Bởi, nếu phải thực hiện xét nghiệm nhiều lần trong thời gian dài thì kinh phí sẽ tương đối lớn. Hiện tại, các trường vẫn có thể tự mua một số bộ test để sử dụng. Nhưng về lâu dài thì cần có nguồn kinh phí cấp bù, vì đây sẽ là kinh phí phát sinh không có trong hoạt động thường xuyên của các trường dự toán hằng năm. Do đó, cơ quan quản lý cần có phương án hỗ trợ.
Diễn tập phòng, chống dịch để an toàn trở lại trường
Trong hai ngày 10 và 11/12, hàng loạt trường THCS, THPT tại TPHCM tổ chức phổ biến các quy định phòng, chống dịch cho HS. Nhiều trường tổ chức theo hình thức online. Các trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh), THCS Nguyễn Du (quận 1), THPT Nguyễn Du (quận 10), THPT Trưng Vương (quận 1)… thì tập dượt trực tiếp.
Với hơn 90% HS lớp 6 và lớp 9 đồng ý học trực tiếp, Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh) sắp xếp mỗi lớp 20 HS ngồi giãn cách theo sơ đồ. Mỗi phòng có một GV chính và một phụ, cùng hỗ trợ lớp học đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Nhà trường cũng bố trí hai phòng để xử lý khi lớp có F0 xuất hiện, một phòng ở trong khuôn viên trường, phòng còn lại ở ngoài khuôn viên. Trong hai tuần thí điểm, HS sẽ học vào các buổi sáng với bốn tiết/buổi.
Để đón HS trở lại, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) trang bị ba máy đo nhiệt độ hồng ngoại, 3.000 khẩu trang y tế, 200 bộ đồ bảo hộ, 50 bộ test nhanh COVID-19 và nhiều máy rửa tay tự động. Khi có F0, trường tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh khử khuẩn lớp và xét nghiệm kiểm tra toàn bộ HS, GV có mặt trong lớp (F1) bằng test nhanh (mẫu gộp không quá ba người). Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: Kể cả trường hợp HS, GV được phát hiện mắc COVID-19 ở nhà, những người khác ở trường được xác định có tiếp xúc, liên quan cũng phải được xét nghiệm kiểm tra.
Theo lãnh đạo Trường THCS Hà Huy Tập, để chuẩn bị cho tình huống có F0, F1 khi HS đi học lại, trường đã mua 125 kit xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 với chi phí hơn 10 triệu đồng. Nhưng về lâu dài, số lượng này không đủ, bởi mỗi lớp có vài mươi em. Kinh phí để mua kit test chắc chắn sẽ không nhỏ, nó trở thành vấn đề với các trường.
Với những trường quy mô lớn, nguy cơ sẽ càng cao, kéo theo chi phí phát sinh cho việc xét nghiệm tầm soát càng nhiều. Vì vậy, lãnh đạo các trường cho rằng TP.HCM cần cấp bù kinh phí cho khoản này hoặc hỗ trợ một số lượng que test nhất định hằng tuần, hằng tháng cho các trường để tránh việc thu tiền của phụ huynh. Đây cũng là băn khoăn chung của nhiều trường bởi không sớm thì sang năm 2022, HS tất cả khối lớp đều trở lại trường. Tần suất và quy mô xét nghiệm tầm soát COVID-19 sẽ tăng lên. Trong khi, chi phí cho mỗi que test nhanh là không nhỏ.
Trường THPT Nguyễn Văn Linh (quận 8) hiện có bảy lớp thuộc khối 12 (sĩ số khoảng 40 em/lớp) trở lại học trực tiếp nên trường quyết định tách phòng để đảm bảo giãn cách an toàn. Trường trang bị các bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên để kiểm tra nếu HS có dấu hiệu nghi ngờ. Tuy nhiên, đối với việc xét nghiệm diện rộng các HS cùng lớp hoặc cán bộ bắt buộc phải phối hợp y tế quận thực hiện để giảm chi phí. Còn Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận) dự kiến phương án trước mắt sẽ nhờ sự hỗ trợ của trung tâm y tế địa phương khi cần xét nghiệm tầm soát…
Dạy online, giao bài đến nhà với 20% học sinh không học trực tiếp
TPHCM có 285 trường THCS với khoảng 88.000 HS lớp 9 và 202 trường THPT với hơn 68.000 HS lớp 12. Việc trở lại trường của HS hai khối này được sự đồng thuận của xấp xỉ 80% phụ huynh, bao gồm cả những trường hợp kẹt ở địa phương khác hoặc đang bị bệnh.
Theo ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT TPHCM, để HS trở lại trường an toàn, các cấp - ngành cùng phối hợp với phụ huynh quan sát tất cả những người tham gia vào quá trình giáo dục. Quá trình dạy học trực tiếp có bốn giai đoạn: lúc HS ở nhà, từ nhà đến trường, học ở trường và từ trường về nhà. Việc HS quay lại trường là cần thiết dù sẽ có nhiều khó khăn trong giai đoạn này. Các em sẽ được ôn tập, bổ sung những phần kiến thức thiếu hụt trong thời gian học trực tuyến rồi mới được kiểm tra học kỳ I theo hình thức trực tiếp. Những HS chưa thể đến trường, ngành giáo dục cho phép lùi kiểm tra, đánh giá trực tiếp.
Trường THPT Thanh Đa (quận Bình Thạnh) đã đề ra ba phương án kết hợp để giải quyết cho một số HS không đồng ý đi học trực tiếp: Một số HS trong lớp ghi hình buổi học để các bạn không tham gia có thể theo dõi; nhà trường đưa bài giảng lên kho học liệu chung của lớp để HS có thể tự học tại nhà; một số GV của trường dạy học trực tuyến để HS không đi học vẫn có thể tiếp thu kiến thức…
Tại quận 8, ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD-ĐT, cho biết, trong trường hợp HS không đi học trực tiếp, các trường vẫn phân công GV dạy online và giao bài đến nhà cho HS không bị gián đoạn. Sự lựa chọn loại hình nào phù hợp là tùy vào sự tự nguyện của người học.
Thí sinh tham dự thi Olympic quốc tế hoặc Olympic khu vực; người có khuyết tật nặng, người nước ngoài có chứng chỉ tiếng Việt... sẽ được miễn thi một số môn.
Tiếp tục hành trình hiện thực hóa hàng triệu ước mơ, FE CREDIT phối hợp tổ chức chương trình “Thắp sáng niềm tin-Vượt khó đến trường” của Báo Sài Gòn Giải Phóng.