Cần nâng tỉ lệ sinh viên theo học các ngành STEM

24/03/2025 - 18:13

PNO - Hiện nay, hằng năm, tỉ lệ sinh viên theo học các ngành STEM chiếm 28-30% tổng số sinh viên.

Thực hành in 3D trực tiếp trên máy tại phòng chức năng STEM Lab tại Trường ĐH kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên. Ảnh: TTXVN
Thực hành in 3D trực tiếp trên máy tại phòng chức năng STEM Lab tại Trường ĐH kỹ thuật công nghiệp Thái Nguyên - Ảnh: TTXVN

Chiều 24/3, trong khuôn khổ Chương trình Thủ tướng Chính phủ đối thoại với thanh niên Việt Nam năm 2025, tiến sĩ Hoàng Anh Đức (Trường ĐH RMIT) nhận định, hiện nay, sinh viên và lực lượng có trình độ sau đại học theo học các lĩnh vực toán học, vật lý, sinh học, hóa học, kỹ thuật và công nghệ then chốt chưa nhiều. Trong khi đây là nhóm đối tượng và lĩnh vực quan trọng để tham gia phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Trả lời câu hỏi của tiến sĩ Đức về những cơ chế, chính sách (đã và hiện có) mang tính đột phá để có thể gia tăng nhiều hơn nữa đối tượng này theo học các lĩnh vực trên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện nay, tỉ lệ nhập học của sinh viên các ngành STEM bình quân hằng năm từ 28-30%. Tỉ lệ này ở một số nước như Hàn Quốc 35%, Đức là 39%, Phần Lan 36%. Tỉ lệ của chúng ta không kém quá nhiều so với các nước có công nghiệp và kỹ thuật phát triển, nhất là trong bối cảnh chúng ta có 100 triệu dân. Tỉ lệ 30% trong tổng số 600.000 sinh viên nhập học hằng năm không phải quá nhỏ.

Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển nhanh và mạnh của đất nước, con số này cần phải tăng mạnh hơn nữa.

Trong năm 2024, tỉ lệ nhập học của khối ngành STEM bậc đại học đã gia tăng đáng kể. Trong hơn 600.000 sinh viên nhập học, có hơn 200.000 sinh viên khối ngành STEM, tăng 10% so với năm 2023.

Theo bộ trưởng, chương trình GDPT 2018 đang khuyến khích học sinh theo học ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán. Đặc biệt với môn toán, học sinh của chúng ta không thua kém so với học sinh các nước trên thế giới.

Trong chiến lược phát triển GD-ĐT do Thủ tướng Chính phủ ban hành gần đây, nước ta đặt mục tiêu đến năm 2030, có thể đạt 1 triệu sinh viên đại học theo học khối ngành STEM.

Năm 2024, tỉ lệ học viên ngành STEM bậc sau đại học, cả thạc sĩ và tiến sĩ đều tăng. Trong đó, bậc thạc sĩ tăng 34% và bậc tiến sĩ tăng 33%. Ở bậc tiến sĩ có trên 600 nghiên cứu sinh, trong đó 350 nghiên cứu sinh thuộc ngành sư phạm.

“Những con số này cho thấy số lượng nhân lực trong lĩnh vực STEM sẽ còn phát triển mạnh và đầy triển vọng. Thủ tướng Chính phủ cũng đang giao cho ngành GD-ĐT chuẩn bị đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển các lĩnh vực công nghệ cao, trong đó rất nhiều chính sách sẽ được đưa ra để động viên, khuyến khích các bạn trẻ tham gia học các lĩnh vực này. Đặc biệt quan trọng là sẽ có định hướng đầu tư phát triển các trường đại học bởi phải có môi trường đại học tiên tiến thì chúng ta mới có thể tạo ra cả số lượng và chất lượng” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

M. Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI