Cần một lộ trình bền vững cho vỉa hè

24/08/2022 - 06:31

PNO - Sẽ không sai nếu nói rằng, qua cái vỉa hè, người ta có thể hiểu được văn hóa bản địa, văn minh thương mại và trình độ quản lý của chính quyền một thành phố.

Vỉa hè - phần chuyển tiếp giữa lòng đường và công trình xây dựng như nhà ở, công sở, công trình công cộng - thì ở thành phố nào cũng có, nhưng chẳng hiểu sao, vỉa hè ở khu trung tâm của TPHCM lại có số phận long đong như thế. Qua biết bao lần “nâng cấp” chất lượng, phân cấp quản lý, phân chia chức năng, phân định khai thác, vỉa hè vẫn chưa yên, chưa định hình được cách để phát triển lâu dài, bền vững. 

Trước tiên là việc thiết kế và xây dựng vỉa hè. Khi những chiếc xe hơi đầu tiên hiệu Renault xuất hiện ở khu phố Tây - nay là khu vực Q.1, Q.3 - vào khoảng những năm 1900 (có thể sớm hơn một chút) thì các nhà quy hoạch của Pháp đã có ý thức xây dựng vỉa hè để đảm bảo an toàn cho người lái xe và người đi bộ. Trước đó, vỉa hè được làm bằng đất nện, sau được làm bằng xi măng pha đất sét và cuối cùng thì người Pháp chọn làm bằng đá xanh chẻ, lấy ra từ nguyên khối, giống với các công trình cùng kiểu ở Pháp và châu Âu. 

Sau đó, ngoài vỉa hè đá xanh, còn có loại vỉa hè được làm bằng xi măng tô đá rửa kẻ ca rô. Đến năm 2002, chả hiểu sao, người ta bóc hết đá xanh, đá rửa để thay vào đó là gạch con sâu. Lúc đó, chất lượng của loại gạch con sâu cực kém, cát nhiều hơn xi măng, gặp nước thì bở nát như cơm nguội. Cho nên, vỉa hè được lát loại gạch này của hàng chục tuyến đường chỉ tồn tại được vài năm. 

Đến năm 2008, ở khu vực Q.1, Q.3, người ta phải bóc hết loại gạch con sâu đi, thay bằng loại gạch terrazzo - loại gạch không nung có diện tích 40 x 40cm, mẫu mã phong phú, màu sắc bắt mắt. Chỉ riêng việc thay vỉa hè bằng gạch terrazzo ở khu vực Q.1 đã tiêu tốn hơn 100 tỷ đồng (Báo Sài Gòn Giải Phóng đăng ngày 11/6/2010). Ngày ấy, 100 tỷ đồng là to lắm. Tưởng mọi chuyện đã êm, ai ngờ chỉ sau 5 năm, người ta lại đòi đập bỏ vỉa hè của 134 tuyến đường để thay bằng loại đá granit với tổng số tiền dự kiến hơn 1.000 tỷ đồng.

Nếu đã quyết làm một vỉa hè vĩnh cửu cho con cháu muôn đời sau thì nên chọn lại loại đá khối xanh. Chúng có tuổi thọ vài trăm năm. Loại đá xanh hơi nhám có vẻ đẹp riêng của nó, lại chống trơn trượt. Còn đá granit lát trên đường Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn là loại đá xẻ có độ dày từ 5 - 6cm, đánh bóng bề mặt, cứng nhưng lại giòn, dễ vỡ gãy như đã thấy trên vỉa hè đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Duẩn và vài chỗ mới làm trên đường Lê Thánh Tôn. Lúc trời mưa, đá granit khá trơn trượt. 

Tiếp theo là việc khai thác, sử dụng vỉa hè. Trước 1985, lòng đường, vỉa hè còn khá thông thoáng. Theo năm tháng, dân cư đông đúc dần lên, đến nay dân số TPHCM đã hơn 13 triệu người và vỉa hè phải gánh thêm nhiều chức năng khác ngoài chức năng nguyên thủy là dành cho người đi bộ. 

TPHCM nổi tiếng thế giới về các phố chuyên doanh, những con phố dài mút mắt chỉ kinh doanh duy nhất có một mặt hàng như vải vóc, vật liệu xây dựng, điện tử, thuốc bắc, đồ sành sứ, hoa giả… Một nghiên cứu năm 2010 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TPHCM mà tác giả bài viết này làm chủ nhiệm đề tài đã thống kê được 72 loại hình hoạt động kinh doanh, sản xuất, dịch vụ bám vào vỉa hè. Chính vì giá trị của vỉa hè nên ai cũng muốn khai thác, từ cơ quan công quyền đến các công ty tư nhân, từ chủ nhà có vỉa hè phía trước đến những người bán hàng rong, từ các sở, ban, ngành đến các tổ chức hội đoàn. Đã có những lúc, chính quyền TPHCM phát động chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè nhưng kết quả không đi tới đâu. 

Sẽ không sai nếu nói rằng, qua cái vỉa hè, người ta có thể hiểu được văn hóa bản địa, văn minh thương mại và trình độ quản lý của chính quyền một thành phố. Do vậy, cần tạo tính bền vững cho vỉa hè, thể hiện qua cấu trúc (hình dáng, chất liệu) và các hoạt động (đi lại, buôn bán, giao tiếp, trưng bày), không có chuyện xua đuổi, co kéo. Được như thế thì vỉa hè không chỉ sạch, đẹp, hấp dẫn mà còn mang lại lợi ích cho nhiều bên và cho cả thành phố. 

PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa (Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI