Có lẽ chưa bao giờ dư luận sôi sục như những ngày qua. Sau hình ảnh đau đớn của cô giáo tiểu học ở Long An quỳ xin lỗi phụ huynh thì đến cô giáo môn tiếng Anh ở Bến Tre bị nam sinh lớp Tám bóp cổ ngay tại lớp học.
Trước đó là giáo viên mầm non hành hạ trẻ dã man, thầy giáo gạ tình, quấy rối tình dục học sinh, kể cả học sinh nam. Rộng ra là những sát thủ giết năm bảy mạng người khi vừa qua tuổi mười tám… Người ta đã ca thán nhiều. Rồi pháp luật sẽ được thực thi. Nhưng tất cả cũng chỉ là giải quyết bề nổi, giải quyết cái ngọn, hời hợt. Xin hãy bình tâm suy nghĩ sâu xa, vì đâu nên nỗi?
Đôi tay yếu mềm vận hành “cỗ máy” ọc ạch
Rất nhiều người nghĩ: giáo dục là nhiệm vụ của nhà trường, của thầy cô. Hiểu như thế là không ổn! Vì nhà trường và thầy cô giáo cũng chỉ là một trong nhiều thành phần giáo dục nên một con người. Thật vô lý khi biến thầy cô giáo thành những tượng đài, khoác lên họ bao tri thức uyên bác, đạo đức vời vợi không tưởng, để rồi một lúc nào đó lại thất vọng về họ. Khi ấy, cảm thông hay phẫn nộ không phải là điều cần thiết nữa.
Tôi là một giáo viên có gần 20 năm đứng lớp, mỗi ngày đều phải học tập để hoàn thiện tri thức; phải trăn trở, thậm chí hối hận về cách cư xử của mình với học trò thì mới có thể hạn chế sai sót trong nghề nghiệp. Có ai sinh ra đã biết làm cha, làm mẹ? Có ai chỉ sau bốn năm ôm sách vở ở giảng đường đại học mà có thể thành một tượng đài? Những sai lầm trong đời, trong nghề liệu ai không có? Vấn đề là người trong cuộc và mọi người xung quanh đã làm gì để cùng nhau sửa chữa những sai lầm đó.
Trường học, ở đâu trên thế giới cũng vậy, phải tải một kho kiến thức khổng lồ. Bao nhiêu người đã giật mình nhìn lại sau một năm, hai năm, thậm chí là 10 năm, thấy mình không làm được gì cả, thậm chí mình của ngày hôm nay còn tệ hơn mình của ngày hôm qua. Còn với con trẻ, sau các mốc thời ấy, chúng ta đều thấy rõ chúng biết được những gì. Liệu chúng ta, những bậc cha mẹ nhân danh tình yêu thương có thể làm được như thế?
Đừng nói đó là nhiệm vụ của thầy cô giáo, bởi lẽ không có cái gì viên mãn nếu chúng ta chỉ làm nhiệm vụ như một người máy được lập trình. Chỉ bấy nhiêu đủ thấy nhà trường và thầy cô giáo nói chung là một pháo đài đáng tôn vinh, chứ không phải để hạ nhục. Nhất là khi họ phải vận hành một “cỗ máy giáo dục” rất ọc ạch với quá nhiều khiếm khuyết bằng đôi tay mỏng manh, yếu mềm! Nhưng đôi tay ấy sẽ không giữ nổi nếu không có những đôi tay của cha mẹ học sinh và cả xã hội cùng chung sức.
Đâu rồi trách nhiệm công dân?
Các bậc cha mẹ chúng ta hãy thử một lần nhìn lại chính mình trong hành trình lớn lên của con, mình đã dạy các con được những gì, để thấy rằng những gì ta làm được là không nhiều. Đó là chưa nói đến trách nhiệm của chúng ta với xã hội, chúng ta đã có ý thức giáo dục trẻ ra sao. Từ người bán vé xe buýt, chị bán rau, anh tài xế, cô thủ thư, chàng diễn viên, ông giám đốc, ông bác sĩ... chúng ta có bao giờ có ý thức làm gì để giáo dục một đứa trẻ?
Có lần, đứa con nhỏ của tôi bắt ba dừng xe vì nó trông thấy một người đàn ông đang đánh đập con chó nhỏ trên hè phố. Cho rằng đó là chuyện nhỏ nên chồng tôi lướt qua. Nhìn những giọt nước mắt lăn trên đôi má con, tôi nghe như có cái gì đó gãy đổ và chỉ mong ngày mai con sẽ quên chuyện nó đã thấy.
Rõ ràng, giáo dục một đứa trẻ đâu chỉ là việc của riêng thầy cô giáo và nhà trường. Mỗi hành vi của cha mẹ, của xã hội như là dưỡng chất tưới vào cái cây thơ trẻ để nuôi nó lớn cao, vững chãi hay là liều thuốc độc làm cho nó còi cọc, khô cằn.
Khi cha mẹ dạy con ăn miếng trả miếng, dạy con rằng tiền của họ có thể khiến cho con “làm ông bà chủ” muốn gì được đó… thì thầy cô làm sao có thể dạy trẻ thành người khiêm nhường, kiên nhẫn và biết suy xét.
Thầy cô giáo có thể vì nghề nghiệp, vì mưu sinh, vì đủ trải nghiệm để im lặng mà đi nốt con đường mình đã chọn. Họ có thể rất đáng thương. Nhưng đáng thương hơn chính là những đứa trẻ. Chúng sẽ ra sao một khi đức tin vào những gì tốt đẹp không còn nữa?
Bồi đắp cho cây nhân văn của dân tộc
Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần thấu hiểu điều đó, cũng như thấu hiểu mục đích của giáo dục chính là hướng đến sự phát triển của con người về mặt nhân cách. Giáo dục là “gọt”, là “giũa” những đứa trẻ ăn ngủ theo bản năng, thích gì làm nấy, thành những con người biết lúc nào thì ăn, ăn cái gì, ăn như thế nào; biết lúc nào thì ngủ, ngủ như thế nào; biết cái gì làm được, cái gì không...
Những điểm số và bằng cấp liệu có cần thiết khi chúng ta không thể an ổn để sống với nhau? Lao vào cuộc chạy đua thành tích điểm số và bằng cấp hào nhoáng mà mầm nhân cách không dưỡng nuôi thì rồi càng ngày xã hội càng có những chuyện ta không tin nổi. Đấy cũng chính là vì cái cây nhân văn đã bị bật gốc.
Có thể hiểu khái niệm nhân văn là những nét đặc trưng cơ bản thuộc bản chất của con người kết hợp với tri thức văn hóa, văn minh thể hiện qua cách nghĩ, giao tiếp, lịch sử truyền thống, tôn giáo, tâm linh… Cây nhân văn không tự dưng mà có, mà phải được vun trồng, nâng niu và chăm bón hằng ngày từ bàn tay của nhiều thế hệ. Nó là cội rễ của xã hội loài người.
Tính nhân văn, từ rất lâu đã chảy trong máu những con người đất Việt. Hiện thân giản dị của nó là “tình làng nghĩa xóm”, là “lời chào cao hơn mâm cỗ”, là “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Lớn hơn nữa, nhân văn là “đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại”, là “thương người như thể thương thân”, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “lá lành đùm lá rách”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Đã gọi là một xã hội thì ở đâu và thời nào cũng luôn tồn tại tốt, xấu. Nhưng khi xã hội mà cái xấu ngày càng phổ biến, đây mới chính là điều đáng sợ còn hơn cả những thảm họa. Thế nên, đã đến lúc phải khẩn cấp có “hội nghị Diên Hồng” để tìm cách bồi đắp cho cái cây nhân văn của dân tộc, chứ không phải ngồi đó than vãn, chỉ trích, quy chụp rồi kết án cá nhân nữa.
Loan Duyên