Cần mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội

28/10/2023 - 07:45

PNO - Chiều 26/10, trong phiên thảo luận tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tới vấn đề phát triển nhà ở xã hội.

Một dự án nhà ở xã hội cho công nhân ở TP Thủ Đức, TPHCM - ẢNH: BÍCH TRẦN
Một dự án nhà ở xã hội cho công nhân ở TP Thủ Đức, TPHCM - Ảnh: Bích Trần

Làm rõ tiêu chí “thu nhập thấp” để hỗ trợ nhà ở

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Bế Minh Đức (tỉnh Cao Bằng) nhấn mạnh, nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp là mục tiêu, định hướng chính sách của Đảng và Nhà nước. Ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt đề án Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp. Mục tiêu là đến năm 2030 xây dựng được 1 triệu căn nhà ở xã hội, trong đó đến năm 2025 hoàn thành 428.000 căn.

Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) hiện đang quy định cụ thể 12 loại đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, như: người có công với cách mạng, hộ gia đình nghèo - cận nghèo tại khu vực nông thôn, người thu nhập thấp tại khu vực đô thị…

Ông Bế Minh Đức cho rằng, quy định như vậy chưa hoàn toàn phù hợp, chưa xác định rõ và chưa đầy đủ đối tượng được hưởng chính sách. Trong khi đó, chính sách hỗ trợ quan trọng nhất là nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp thì lại chưa cụ thể. “Cần cụ thể hóa tiêu chí người có thu nhập thấp với từng đối tượng cụ thể để đảm bảo chính xác, bao quát và công bằng đối với mọi đối tượng được hưởng chính sách và có quy định các hình thức hỗ trợ phù hợp. Thời gian qua, nhiều địa phương thực hiện nội dung này đã bị vướng” - ông Bế Minh Đức đề xuất. 

ĐBQH Nguyễn Thị Hà (tỉnh Bắc Ninh) cũng cho rằng, nếu liệt kê 12 đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội như dự thảo sẽ xảy ra tình trạng, có những người thu nhập thấp nhưng không được hỗ trợ. Bà cho rằng, phải mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội: “Cần quy định rõ tiêu chí xác định đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội là người có thu nhập thấp, bất kể họ là ai”.

Bà Nguyễn Thị Hà cũng lưu ý, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang quy định giao cho Chính phủ xác định các tiêu chí đáp ứng điều kiện thu nhập thấp, song theo bà, cần làm rõ ngay tại luật này, tránh “luật ban hành phải chờ nghị định”. Bên cạnh đó, cần rà soát cắt giảm các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tiếp cận được với chính sách nhân văn này. 

Ai đại diện cho người lao động khi nhà ở có vấn đề?

Theo phương án đang lấy ý kiến tại dự thảo luật, Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam là đơn vị tham gia vào phát triển, xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động. ĐBQH Hoàng Văn Cường (TP Hà Nội) đồng tình với phương án này, bởi công đoàn đại diện cho người lao động. Tuy nhiên, trong trường hợp này, ông băn khoăn, khi nhà ở có vấn đề thì ai sẽ đại diện cho người lao động để phản ánh? Thậm chí, khi thiếu nhà thì Tổng LĐLĐ cũng phải chịu trách nhiệm. Do đó, ông cho rằng, chỉ nên để Tổng LĐLĐ làm những dự án mẫu điển hình.

ĐBQH Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum) nhìn nhận, đây là vấn đề mới, còn nhiều điều cần làm rõ. Ngoài ra, phương án này cũng chưa phù hợp với yêu cầu tách biệt chức năng giữa tổ chức chính trị xã hội và đơn vị sản xuất, kinh doanh. Ông cho rằng, nên đánh giá tổng thể, kỹ lưỡng để xem vấn đề này đã “chín”, đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm chưa, để có những quy định một cách hợp lý.

Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) lại tán thành với phương án trên và đề nghị nên mở rộng đối tượng được thuê nhà do Tổng LĐLĐ Việt Nam làm chủ đầu tư. Bởi, khi dự án đưa vào vận hành cho thuê, nếu chỉ cho phép công nhân, người lao động thuê sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng dư thừa, trong khi các đối tượng thuộc diện cần hỗ trợ nhà ở xã hội khác có nhu cầu thì lại chưa được đáp ứng. Bà cũng lưu ý, phải có các quy định dự án nhà ở xã hội do Tổng LĐLĐ Việt Nam đầu tư phải có dự báo, xuất phát từ nhu cầu thực tế của công nhân, người lao động tại địa bàn đầu tư. 

Minh Quang

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI