Cần minh bạch và hiệu quả trong quản lý ATVSTP

24/07/2018 - 10:00

PNO - Tại quán bán mì Quảng nhỏ ở Đà Nẵng có tên là quán Quê, khi chúng tôi vào ăn hai tô mì thì được chủ quán giới thiệu rằng nét đặc sắc của quán là thực phẩm sạch, đặc biệt là rau sạch và thịt có nguồn gốc.

Đi lòng vòng trong thành phố này tới ăn món thịt heo cuốn bánh tráng hai đầu da nổi tiếng cũng thấy chủ một chuỗi nhà hàng chuyên bán món này cho hay, nhà hàng kiểm soát nguồn cung ứng nguyên liệu, từ lá rau tới miếng thịt cho thực khách. Mà tóm lại là họ tự sản xuất và tự kinh doanh từ A đến Z để đảm bảo thực phẩm sạch.

Câu chuyện ở Đà Nẵng cho thấy rằng thực phẩm sạch đang là một nhu cầu, một xu hướng tiêu dùng tất yếu mà không chỉ cư dân các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đòi hỏi nữa. Nó đang lan dần ra cả nước.

Việc Bộ Công thương đưa ra chương trình Hành động vì an toàn thực phẩm mới đây là hết sức cần thiết cho người dân. Mà điểm nổi bật gần đây là Lễ công bố triệu chữ ký vì an toàn thực phẩm - một sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Chương trình Hành động vì an toàn thực phẩm.

Can minh bach va hieu qua trong quan ly ATVSTP
An toàn thực phẩm thì không chỉ cần bắt đầu từ mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp mà cần sự đồng bộ trong hệ thống. 

Chương trình này đã thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia và sáng tạo ra các hoạt động tuyên truyền mang tính kết nối như tọa đàm “Đồng hành cùng doanh nghiệp, phát triển thương hiệu thực phẩm an toàn”; cử hàng ngàn lượt tình nguyện viên về các địa phương vận động các hộ kinh doanh tại các chợ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng trên cả nước hưởng ứng chương trình; phát tờ rơi tuyên truyền về an toàn thực phẩm, và thu thập triệu chữ ký của doanh nghiệp, người tiêu dùng cùng hành động vì an toàn thực phẩm. 

Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương thì Bộ này sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động với mục tiêu tạo điều kiện, hỗ trợ tích cực nhất cho phát triển mạng lưới các cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn bền vững và hiệu quả, cho doanh nghiệp có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối tiêu thụ, mở rộng thị trường, phát triển hệ thống phân phối hàng hóa trên thị trường cả nước. 

Những hoạt động tuyên truyền, những lời cam kết này, với người tiêu dùng, cần được biến thành các kết quả trên thực tế để tránh việc các lễ lạt, các chữ ký kêu gọi được không phải chỉ là nói suông.

Bởi vì an toàn thực phẩm thì không chỉ cần bắt đầu từ mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp mà cần sự đồng bộ trong hệ thống. Điều mà các quốc gia có tiếng về an toàn thực phẩm trên thế giới làm rất tốt, còn ta đang chập chững bước đầu.

Can minh bach va hieu qua trong quan ly ATVSTP
Các loại thức ăn đường phố bán nhan nhản khắp nơi, thiếu ATVSTP.

Ví như các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm cần được quy định rõ ràng, hướng dẫn thực hiện và có kiểm tra, kiểm soát, đánh giá trên thực tế. Từ đó các vụ vi phạm sẽ được xử lý nghiêm minh.

Trên thực tế có thể thấy lượng các cá nhân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chưa chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm, vẫn tiếp tục cung ứng hàng hóa cho người mua rất phổ biến. Nhất là các loại thức ăn đường phố, trong các bếp ăn tập thể của học sinh, công nhân lao động và các quán bình dân, các doanh nghiệp nhỏ có cơ sở không được đầu tư bài bản.

Ở một khía cạnh khác, còn tồn tại tình trạng làm giả các chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Hoặc là lập lờ đánh lận con đen, kiểu chỉ có chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm cho vài chục % tổng sản phẩm nhưng dùng nó để coi như toàn bộ sản phẩm là đều đạt chất lượng theo tiêu chuẩn.

Từ đó dẫn tới việc người tiêu dùng có thái độ tặc lưỡi bỏ qua, coi như chấp nhận tình trạng "hỗn quân, hỗn quan" này. Hoặc là họ đành tự tìm mọi cách để xác minh nguồn gốc thực phẩm và chỉ mua nếu họ tin tưởng.

Can minh bach va hieu qua trong quan ly ATVSTP
Các chợ, các cửa hàng, siêu thị, nhà hàng, quán ăn… tình trạng ATVSTP vẫn là một vấn đề nhức nhối. 

Mặc dù trong 4 tháng đầu năm nay, Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm (ATVSTP), Bộ Y tế sau khi thanh kiểm tra đã xử phạt 30 ngàn cơ sở vi phạm với mức phạt 20 tỷ đồng.

Ngoài ra Cục này còn cho đình chỉ hoạt động 72 cơ sở; đình chỉ lưu hành 228 loại thực phẩm; số cơ sở có nhãn phải khắc phục 231; số cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm 1.482 cơ sở; tiêu hủy 1.590 loại thực phẩm do không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm như thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng...

Nhưng kết quả thực sự của các cuộc vận động hay kêu gọi vì ATVSTP còn dừng ở mức khiêm tốn nếu nhìn trên tình hình thực tế, khi mà trong các chợ, các cửa hàng, siêu thị, nhà hàng, quán ăn… tình trạng ATVSTP vẫn là một vấn đề nhức nhối.

Mà để thay đổi thực sự tình trạng này, các nhà quản lý cần phải tạo ra một hệ thống quản lý hữu hiệu hơn với sự minh bạch, thông tin rõ ràng, thông suốt, giảm thiểu thủ tục hành chính, xử phạt nghiêm và phòng chống tham nhũng.

Mà nhân đà này, các bộ ngành đang lãnh trách nhiệm về an toàn vệ sinh thực phẩm cần làm cho... ra ngô, ra khoai để người dân được nhờ.

Nguyễn Anh Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI