Cần lưu ý gì khi chích ngừa sởi?

26/04/2014 - 08:27

PNO - Số ca mắc sởi, tử vong đang tăng mạnh khiến rất nhiều người dân lo lắng, đổ xô đi chích ngừa trong những ngày gần đây. Việc này có cần thiết? Chích ngừa trong dịch sởi cần lưu ý gì?

edf40wrjww2tblPage:Content

Can luu y gi khi chich ngua soi?
Gia đình một người dân ở tỉnh Đồng Nai đưa con em đến tiêm ngừa sởi tại Viện Pasteur
 Ảnh: Hữu Khoa

TS.BS Cao Hữu Nghĩa, trưởng khoa xét nghiệm sinh học lâm sàng Viện Pasteur TP.HCM đã trả lời những vấn đề mà bạn đọc đang quan tâm.

* Hiện nay, TP.HCM đang chích vét văcxin sởi cho trẻ từ 9 tháng đến 6 tuổi, theo ông, những người vượt quá độ tuổi này chưa từng được chích hoặc chưa mắc bệnh sởi có nên chích ngừa trong thời gian này? Nếu cần sẽ phải chích loại văcxin nào?

- TS.BS Cao Hữu Nghĩa: Ở góc độ miễn dịch cộng đồng thì tất cả những người chưa được tiêm chủng, chưa từng mắc bệnh sởi nên được tiêm chủng trong giai đoạn này. Bởi mục tiêu của chương trình tiêm chủng là tạo một nền miễn dịch cao trong cộng đồng. Hiện có hai loại văcxin ngừa sởi gồm văcxin đơn giá tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng (chích miễn phí tại các phường, xã khi trẻ được 9 tháng tuổi và nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi) và một loại văcxin dịch vụ ba trong một (văcxin tam giá) gồm sởi - quai bị - rubella (chích cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên, lịch tiêm phòng loại văcxin này theo hướng dẫn của nhà sản xuất). Đối với những người nằm ngoài đối tượng Nhà nước ưu tiên, có thể chích văcxin sởi dịch vụ.

* Những người không nhớ đã từng chích ngừa văcxin sởi, mắc bệnh sởi hay chưa có thể chích ngừa trong thời gian này?

- Nếu đi chích ngừa mà khoảng cách liều thích hợp thì không gây nguy hiểm. Do vậy, những người không nhớ đã từng được chích ngừa sởi hay mắc bệnh sởi hay chưa, trong giai đoạn bùng phát dịch này vẫn có thể đi chích ngừa được.

* Văcxin đơn và văcxin ngừa sởi - quai bị - rubella khác nhau thế nào?

- Khác biệt thứ nhất là văcxin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng là đơn giá, còn văcxin sởi dịch vụ là văcxin tam giá; thứ hai là văcxin tam giá có thể ngoài phòng bệnh sởi còn phòng thêm bệnh rubella và quai bị; thứ ba là lịch tiêm chủng đối với văcxin đơn giá tiêm hai mũi vào tháng thứ 9 và tháng thứ 18, văcxin tam giá thường theo lịch; mũi 1 vào lúc 12 tháng tuổi, mũi 2 vào lúc 4-6 tuổi. Hiệu quả của hai loại văcxin này đã được chứng minh từ nhiều năm nay và đã khống chế dịch sởi tốt.

* Hiện nay số ca sởi mắc tại TP.HCM đang gia tăng, còn ở Hà Nội dịch sởi đã bùng phát. Vậy người dân đi chích ngừa trong thời gian này cần lưu ý gì?

- Người dân cần quan tâm đến ba vấn đề trước, trong và sau khi tiêm. Trước khi tiêm, giống như các loại văcxin khác, cần phải được tư vấn, chọn lựa, khám sàng lọc thật kỹ. Trong khi tiêm là trách nhiệm của nhân viên y tế. Sau khi tiêm, người được tiêm cần được theo dõi 30 phút tại cơ sở y tế và tiếp tục theo dõi sau 24 giờ, 72 giờ tại nhà.

* Từ trước đến nay, tại nước ta đã ghi nhận những tai biến gì về văcxin sởi?

- Giống như các loại văcxin khác, không có loại văcxin nào có hiệu quả 100%. Như thông tin và nguồn dữ liệu của Viện Pasteur, Bộ Y tế chưa ghi nhận những ca bị tử vong do chích văcxin sởi - quai bị - rubella hoặc văcxin đơn sởi mà chỉ ghi nhận những phản ứng nhẹ sau khi tiêm như bị nóng sốt, nổi mẩn, thậm chí phát ban dạng nhẹ.

* Hiện nay người dân đang đổ xô đến các cơ sở y tế để chích ngừa sởi, điều này đã gây ra những khó khăn gì cho chính người dân và ngành y tế?

- Khi người dân đến chích ngừa đông, ngành y tế vẫn cố gắng và dồn mọi nỗ lực chấp nhận tình trạng này bởi vì biết đó là sinh mạng của người dân, vì sự quan tâm và lo lắng của cộng đồng với bệnh đã được “đánh thức”. Điều quan trọng là qua vụ việc này, giới truyền thông và ngành y tế cần tuyên truyền để người dân biết, đưa trẻ đi tiêm đúng với lịch tiêm chủng. Đó là cái nền then chốt để tạo được hệ miễn dịch cộng đồng.

Hiện nay tâm lý người dân rất lo lắng trước bệnh sởi nên khi người chưa được chích ngừa sẽ tìm mọi cách đi tới bất kỳ cơ sở y tế nào để được chích. Tôi khuyên người dân nên bình tĩnh chứ không nên quá hoảng loạn như vậy. Chiến lược và chiến dịch phòng chống bệnh sởi của chương trình tiêm chủng mở rộng từ trước đến nay đã tạo được một nền miễn dịch cộng đồng, không đến mức tất cả người dân đều đang đứng trước nguy cơ có thể mắc bệnh sởi.

* Xin cảm ơn ông.

Theo THÙY DƯƠNG (Tuổi Trẻ/thực hiện)

Khoảng 95% trẻ tiêm đầy đủ hai mũi sởi sẽ không bị mắc sởi, số còn lại vẫn có thể mắc bệnh (do vấn đề về miễn dịch, vấn đề đáp ứng của trẻ). Không có loại văcxin nào trên thế giới mang lại hiệu quả 100% tuyệt đối. Vì vậy, “đã tiêm chủng thì không mắc bệnh” vẫn là một trong những cái đích mà ngành văcxin học hướng tới.


TS.BS Cao Hữu Nghĩa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI