Cần luật hóa việc khám sức khỏe tiền hôn nhân

03/08/2024 - 06:13

PNO - Ngày nay, nhiều cặp đôi bắt đầu có sự quan tâm, tìm hiểu về sức khỏe sinh sản. Một số bạn trẻ đã rủ nhau đi khám tiền hôn nhân trước khi quyết định về chung một nhà.

Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, có hơn 50 năm công tác trong ngành sản phụ khoa và là một trong những người đầu tiên triển khai kỹ thuật hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam - cho rằng, khám sức khỏe tiền hôn nhân là chìa khóa vàng trong xây dựng hạnh phúc gia đình và việc này nên được luật hóa.

* Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết ý nghĩa của việc khám, điều trị vô sinh, hiếm muộn trong xây dựng hạnh phúc gia đình?

Giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng: Trong hơn 30 năm chuyên về lĩnh vực vô sinh, hiếm muộn, điều hạnh phúc nhất là chứng kiến hàng chục ngàn em bé chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, mang đến nhiều cơ hội làm cha mẹ cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.

Trên thực tế, ngày càng nhiều trường hợp vô sinh, hiếm muộn tìm kiếm sự giúp đỡ y tế để có 1-2 đứa con. Tuy nhiên, điều đáng buồn là tôi chưa gặp trường hợp nào mà người chồng chủ động đi khám vô sinh, hiếm muộn.

Đàn ông chỉ đi khám nam khoa khi thấy mình bất lực, giao hợp không được như ý muốn. Thông thường, khi lập gia đình mà chậm có con, mọi ánh mắt thường đổ dồn về người vợ.

Từng có trường hợp vợ chồng đi khám hiếm muộn, kết quả khẳng định người chồng không có tinh trùng, nhưng khi về nhà, người vợ vẫn âm thầm chịu đựng việc nhà chồng cạnh khóe kiểu “gái độc không con”. Sự mong mỏi, khát khao có em bé càng lớn thì người vợ càng bị áp lực, một số trường hợp còn bị ghẻ lạnh, hắt hủi.

Ngay cả khi Việt Nam đã áp dụng thành công phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, rất nhiều người vợ vẫn phải tự “đi tìm con” một mình.

Sau khi khám, nhận thấy chức năng sinh sản của họ bình thường, tôi đã hướng dẫn họ cách để thuyết phục người chồng đến bệnh viện khám, điều trị hiếm muộn. Điều này thực sự rất đáng tiếc bởi theo một số nghiên cứu, tỉ lệ vô sinh, hiếm muộn của nam giới và nữ giới gần như ngang nhau.

* Đa số đàn ông ngại đến bệnh viện khám vô sinh, hiếm muộn do sợ gặp người quen rồi bị giễu cợt về “bản lĩnh đàn ông”. Bà có lời khuyên gì với họ?

- Trên thực tế, đàn ông thường hay sĩ diện về khả năng tình dục, đa số không chấp nhận mình có vấn đề về chức năng sinh sản bởi cho rằng khả năng giao hợp thấp nên mới khó có con. Vì vậy, rất hiếm ông chồng nghĩ nguyên nhân hiếm muộn, vô sinh là do mình.

Nhưng họ đã lầm. Họ cần phải hiểu rằng vô sinh nam và yếu sinh lý là 2 khái niệm khác nhau. Trong một vài tình huống, có thể 2 vấn đề này có sự liên quan, nhưng không phải cứ đi khám vô sinh là “yếu” về chăn gối.

Ai cũng biết, muốn có con thì phải có sự “gặp nhau” của trứng và tinh trùng. Vô số nguyên nhân làm chậm hoặc không có con.

Chẳng hạn, sức khỏe người vợ yếu nhưng người chồng khỏe; người vợ mắn đẻ nhưng tinh trùng người chồng ít thì vẫn có con theo cách tự nhiên dù hơi chậm, nhưng nếu sức khỏe người vợ không tốt và người chồng có tinh trùng loãng thì nên nhờ đến sự can thiệp y tế để sớm có con.

Vấn đề bệnh lý cũng khiến vợ chồng thất bại trong việc “tìm con” suốt nhiều năm liền, chỉ khi được can thiệp bằng các phương pháp y học như kích trứng, bơm tinh trùng vào tử cung (IUI), thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI) thì mới thành công.

Vì vậy, chỉ mình người vợ đi khám vô sinh thì rất khó xác định được nguyên nhân, dẫn đến kết quả điều trị không như mong muốn. Thế nên, nếu khi mới cưới, quan hệ thường xuyên mà không dùng phương pháp ngừa thai nhưng sau 1 năm vẫn chưa có thai thì các ông hãy bỏ qua sĩ diện, chủ động cùng vợ đi khám tìm nguyên nhân, điều trị sớm để có con. Đó mới là cách thể hiện được “bản lĩnh đàn ông”.

* Việc chậm hoặc không có con ảnh hưởng khá lớn đến hạnh phúc gia đình. Theo bà, các cặp đôi trước khi cưới có nên đi khám sức khỏe tiền hôn nhân hay không?

- Ngày nay, nhiều cặp đôi bắt đầu có sự quan tâm, tìm hiểu về sức khỏe sinh sản. Một số bạn trẻ đã rủ nhau đi khám tiền hôn nhân trước khi quyết định về chung một nhà.

Theo tôi, đây là điều rất đáng mừng. Khám sức khỏe tiền hôn nhân là giải pháp cần thiết giúp các cặp đôi có kiến thức, tâm lý cần thiết để có cuộc sống hôn nhân, tình dục khỏe mạnh.

Việc khám sức khỏe còn giúp các cặp đôi có ý định kết hôn tầm soát các bệnh lý di truyền, bệnh truyền nhiễm, phát hiện các nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của vợ chồng, con cái sau này.

Do đó, ngoài việc tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về tầm quan trọng của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân, tôi đề nghị nên luật hóa việc này. Ngoài mục đích xây dựng hạnh phúc gia đình bền vững, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân còn góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dân số của đất nước.

* Xin cảm ơn bác sĩ.

An Khuê (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI