“Trong trận bão tuyết, tôi quyết định dựng một cái igloo - căn lều bằng tuyết - để ẩn náu, chờ cơn bão đi qua. Nhiều ngày trôi đi, tôi bắt đầu để ý, những bức tường đang che chở mình mỗi lúc một tiến gần. Vì thời tiết đặc biệt, hơi tôi thở ra đã đóng thành băng, bám vào các bức tường, khiến igloo ngày càng hẹp lại. Sẽ đến lúc không còn chỗ cho chính tôi nữa. Thứ duy trì sự sống bây giờ lại là tác nhân của sự hủy diệt. Trong hoàn cảnh ấy, không thể sống nếu cứ thở, càng không thể sống nếu không thở”.
Câu chuyện trên được Peter Freuchen - nhà thám hiểm Đan Mạch - miêu tả trong cuốn Chuyến mạo hiểm Bắc Cực. May mắn, cơn bão tan nhanh, igloo không “bóp nghẹt” Freuchen. Nhưng, người ta vẫn đặt cho ông một giả thiết: sẽ làm gì với igloo khi cơn bão kéo dài?
Điểm sôi khó định
Bây giờ, cuộc hôn nhân của chị chẳng khác mấy igloo của Freuchen - im lặng nuôi sống, im lặng giết chết. Kết hôn mới ba năm, một bữa nhậu về, anh ngủ mê, gọi tên cô gái khác. Chị dằn lòng, lặng lẽ làm một cuộc điều tra. Hóa ra lâu nay anh liên lạc với người cũ. Đau đớn, song chị mừng rỡ phát hiện, hai tháng sau người ấy ra nước ngoài định cư. Lòng yên được nửa năm, chị thêm phen “đứng hình” khi anh có… người mới.
Sau cơn ghen tuông tanh bành, chị nuốt ngược nước mắt, tự an ủi rằng anh làm ngành bất động sản, quan hệ nhiều, “chị hai em út” chỉ là vui thoáng giây thôi. Mà thật, sau người mới đó, chị biết anh có thêm nhiều người mới nữa. Hai đứa con nhỏ xíu, hơn nữa, thu nhập một tháng của anh bằng lương cả năm của chị; cân đong, thở dài, chị quyết định nhắm mắt sống tiếp.
Sau ba bận chị nhìn anh gớm ghiếc, không cho gần gũi; anh đi tìm tình vui nhiều hơn. Chị định chờ con lớn sẽ tính chuyện ly hôn; nhưng buồn đau, dằn vặt, tủi hổ đâu chờ chị. Giữa vợ chồng giờ là sự im lặng đáng sợ. Chị nghĩ, hay bung bét một trận, rồi ra sao thì ra; nhưng chỉ dừng ở… nghĩ.
Có bà vợ bị chồng đánh đến hai lần nhập viện vẫn cắn răng vì con. Có ông chồng chịu cảnh “kèo dưới”, vợ làm sếp công ty rồi mang luôn vị trí sếp về nhà; bất mãn, chán chường, thấy như người vô hình, nhưng hễ nghe ai khuyên “bỏ quách” là lập tức câm nín, nghĩ đến gia đình vẫn còn cần vợ giúp.
Đâu phải họ không có “điểm sôi”. Như mấy lần Freuchen muốn thoát khỏi igloo hiện tại, ráng sức dựng một igloo khác; chị cũng ngồi vào bàn, soạn một mạch đơn ly hôn ngay lúc rớt nước mắt thấy áo anh vương sợi tóc dài hơn tóc của mình. Bà vợ bị chồng đánh, hôm về từ bệnh viện, gào lên với thế giới rằng sẽ ra tòa, bỏ chồng.
Trong một lần mất thể diện, ông chồng phóng xe tìm luật sư, hỏi thủ tục ly hôn, chia tài sản. Rồi thì, những lá đơn viết hoặc định viết lại bị xé bỏ hoặc trôi tuột trong cơn bão chịu đựng. Xác định “điểm sôi” của mình không khó, nhưng “điểm sôi” trong toàn cục hôn nhân, thật khó.
|
Ảnh minh họa |
Người ngoại cuộc
Mắc kẹt trong igloo hôn nhân với trăm ngàn mâu thuẫn, nhìn cuộc sống bây giờ, cảm giác chung của người trong cuộc là sự… lộn xộn, không biết phải giải quyết thế nào. Thử một lần bước ra, đóng vai người ngoại cuộc, xem hôn nhân như một “bản thể” độc lập với chính mình; sẽ là sự thảng thốt “người tôi đã lấy là đây sao?”. Nhưng, cú sốc đau đớn ấy sẽ chỉ ra nguyên nhân: sự thay đổi đáng chán theo thời gian của bạn đời lẫn của mình; hay, hóa ra, bi kịch hôm nay là cuộc dẫn dắt của cảm giác bị đánh lừa, che giấu, chối bỏ “bản ngã khác” của bạn đời trong bao nhiêu năm chung sống; hay, một hoặc cả hai người đã chấm dứt trao tặng tình yêu cho người phối ngẫu.
|
Ảnh minh họa |
Hôn nhân không phải trạng thái tĩnh lặng giữa hai con người không bao giờ thay đổi. Xác định nguyên nhân cũng là cách giải quyết mớ hỗn loạn bất đồng, mâu thuẫn giữa cả hai, qua đó, nhìn rõ hơn cơn bão tuyết bên ngoài hay hơi thở của chính mình trong igloo đáng sợ hơn.
|
Kẹt giữa igloo hôn nhân, nếu không đạp bằng, dẹp bỏ tất cả các lý lẽ níu kéo cuộc chung sống, để quyết tâm ly hôn, người ta thường lựa chọn: hoặc khổ sở tiếp tục chịu đựng hoặc tìm cho riêng mình một cửa thoát bằng hạnh phúc tự thân - với những thay đổi như: anh ra ngoài nhiều hơn, tìm vui trong bạn bè bia rượu; chị đăng ký khóa yoga hay tham gia một chuyến đi từ thiện, thậm chí tệ hơn: tìm cho mình những niềm vui trong thoáng giây.
Sự chuyển dịch sắc màu của bức tranh hôn nhân ngày nay cho thấy, người trong cuộc sẽ chọn cách thứ hai. Mà rồi, cũng như “điểm sôi”, hạnh phúc riêng tư thật dễ kiếm, còn hạnh phúc hôn nhân - vốn là sự đầu tư, cộng hưởng của cùng lúc hai người - lại là sự bài trừ khắc nghiệt một cõi riêng kéo dài trong suốt cuộc chung sống. Che lấp, hóa trang sự trống rỗng, mệt nhọc của hôn nhân bằng những hài lòng tạm bợ từ đời sống cá nhân, chỉ càng khiến mình kiệt quệ hơn trong quan hệ vợ chồng.
Igloo hôn nhân của bạn, giờ ra sao?
Tuyết Dân