Cần lắng nghe tiếng nói học sinh khi xây dựng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

12/03/2023 - 17:28

PNO - Tiến sĩ Lê Sơn Hải - Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - cho rằng không nên xét nét mà cần chắt chiu, tôn trọng từng ý kiến nhỏ của trẻ khi bày tỏ nguyện vọng trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Chia sẻ được tiến sĩ Lê Sơn Hải bày tỏ với báo chí tại hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (SIU) tổ chức, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà khoa học, luật sư, cùng các chuyên gia giáo dục, học sinh, sinh viên TPHCM.

Tiến sĩ Lê Sơn Hải- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc cho rằng chúng ta cần chắt chịu, tôn trọng từng ý kiến nhỏ của trẻ
Tiến sĩ Lê Sơn Hải - Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - cho rằng chúng ta cần chắt chiu, tôn trọng từng ý kiến nhỏ của trẻ

Theo Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải, Quốc hội nói rõ lấy ý kiến toàn dân khi xây dựng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), chứ không phải chỉ là lấy ý kiến từ người trưởng thành trở lên. Luật Trẻ em 2016 cũng quy định rõ, trẻ em có quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em, được cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân lắng nghe, tiếp thu, phản hồi ý kiến, nguyện vọng chính đáng. Vì thế, trẻ em, học sinh cũng có quyền được nói lên tiếng nói của mình và cần được người lớn lắng nghe. Qua đây cũng là việc khuyến khích các cháu nhỏ tham gia dần dần, từng bước vào các vấn đề đời sống xã hội.

"Ý kiến của học sinh có thể rất ngây thơ song lại là những nguyện vọng, đề xuất thiết thực gắn với lứa tuổi các em, như “chúng cháu muốn nhà nước bố trí đất đai để xây chỗ vui chơi”, “cháu muốn có khuôn viên trong thành phố”, “cháu muốn sân trường phải rộng hơn”, “cháu muốn học trong ngôi trường đẹp hơn”… Chúng ta cần chắt chiu từng ý kiến nhỏ của trẻ, khuyến khích việc lấy ý kiến của trẻ, tôn trọng trẻ nhỏ, đừng xét nét quá” - ông Lê Sơn Hải bày tỏ.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, việc tổ chức lấy ý kiến của học sinh cần thể hiện được sự khách quan, tôn trọng, tránh mang tính hình thức, khiên cưỡng, nhồi nhét. 

Đồng quan điểm, luật sư, tiến sĩ Lương Khải Ân (Đoàn Luật sư TPHCM) nhìn nhận, ở một góc độ nhất định, tác động của một đạo luật không chỉ đối với những đối tượng, nhóm đối tượng mà là tác động chung với toàn xã hội.

Luật sư, tiến sĩ Lương Khải Ân nhìn nhận việc lấy ý kiến trẻ em khi xây dựng Dự thảo Luật đất
Luật sư, tiến sĩ Lương Khải Ân nhìn nhận việc lấy ý kiến trẻ em khi xây dựng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần khai thác góc độ không gian học tập, vui chơi cho trẻ sẽ phù hợp

Đối với Luật Đất đai (sửa đổi) cần hướng tới việc hài hòa lợi ích của nhà nước, của doanh nghiệp và của cả xã hội, bao gồm tác động đến nhiều đối tượng như người dân tộc thiểu số, trẻ em... Như vậy, việc lấy ý kiến của trẻ rất đáng để ghi nhận, đáng khuyến khích để tạo sự đồng thuận cao đối với những người làm luật…

“Chuyện lấy ý kiến trẻ em về Luật Đất đai cần khai thác ở góc độ về không gian cho việc học tập, vui chơi, giải trí sẽ là phù hợp và xác đáng để trẻ em đưa ra tiếng nói, nguyện vọng của mình” - tiến sĩ Lương Khải Ân nêu quan điểm.

Được biết, hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được tổ chức nhằm huy động trí tuệ giảng viên và các chuyên gia, nhà khoa học cùng đóng góp ý kiến để góp phần hoàn thiện Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đưa ra những đánh giá về các ưu điểm, hạn chế, bất cập của Luật Đất đai hiện hành; đề xuất các giải pháp bổ sung, sửa đổi Luật Đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI