Cần làm rõ vì sao phần lớn người dân mua bảo hiểm xe máy chỉ để đối phó?

10/11/2022 - 17:47

PNO - Nên để bảo hiểm thực sự là bảo hiểm, chứ không phải là một loại giấy tờ chủ phương tiện mua chỉ để đối phó với cảnh sát giao thông.

 

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa đề xuất xuất bỏ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy (gọi tắt bảo hiểm xe máy) sau khi đánh giá loại bảo hiểm này không mang lại nhiều lợi ích. VCCI đề nghị cần thu hẹp phạm vi chủ thể có nghĩa vụ bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới, theo hướng loại trừ xe máy. Việc mua bảo hiểm xe máy sẽ dựa trên sự tự nguyện.

Đề xuất này lập tức nhận nhiều ý kiến tranh cãi.

VCCI cho rằng, bảo hiểm bắt buộc là sự can thiệp bằng quyền lực hành chính của Nhà nước vào quyền tự do thỏa thuận của người dân và doanh nghiệp. Theo Luật Dân sự, quyền này chỉ có thể bị hạn chế trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng. Như vậy, để hạn chế quyền này, cơ quan nhà nước phải chứng minh được rằng lợi ích công cộng thu được từ việc hạn chế quyền vượt xa chi phí phải bỏ ra, nhưng hiện nay bảo hiểm chủ xe máy lại không chứng minh được việc này. 

Hơn 10 năm triển khai, tỷ lệ chi trả bảo hiểm xe máy chỉ ở mức gần 6% năm 2019 (tương đương 45 tỷ đồng/765 tỷ đồng). Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều các loại bảo hiểm bắt buộc khác như: ôtô khoảng 33%, bảo hiểm cháy nổ: 31%.

Trong khi đó, Bộ Tài chính phản bác, theo thống kê, số vụ tai nạn giao thông do xe gắn máy gây ra chiếm khoảng 70% trong tổng số vụ tai nạn giao thông đường bộ.

Từ năm 1988, Chính phủ đã quy định bảo hiểm xe máy là bắt buộc. Nhiều nước trên thế giới cũng làm vậy.
Nghị định 03 quy định về hồ sơ đã được đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chi trả bồi thường. Nếu tai nạn không gây tử vong, các bên không cần thu thập tài liệu từ cơ quan công an, doanh nghiệp chỉ cần lập biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại trước khi tiến hành chi trả bồi thường với sự thống nhất của bên mua bảo hiểm.

Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng từ 10-70% mức bảo hiểm.

Phải thừa nhận mục đích tốt đẹp của bảo hiểm xe máy mang đến cho người tham gia giao thông từ giá trị kinh tế đến mục đích nhân đạo (đối với người gây tai nạn không có tiền bồi thường) và mang lại lợi ích chung cho xã hội. Nhưng vì sao người dân vẫn không mặn mà với bảo hiểm xe máy? 

Thực tế số người được chi trả bảo hiểm xe máy rất thấp là sự thật. Khi tai nạn xảy ra, đa số các trường hợp tự dàn xếp với nhau, khỏi phải mất thời gian làm thủ tục bồi thường với giấy tờ này nọ. Cuối cùng, quyền lợi của người mua bảo hiểm không được bảo đảm. Trong khi lẽ ra lúc này đại diện công ty bảo hiểm phải có mặt tại nơi xảy ra tai nạn để giúp người mua bảo hiểm giải quyết các vấn đề về trách nhiệm dân sự. Như vậy, do người tham gia bảo hiểm không thông báo vụ việc với doanh nghiệp bảo hiểm hay doanh nghiệp bảo hiểm được thông báo nhưng không làm hết trách nhiệm của mình hoặc cố tình làm khó người mua bảo hiểm? Các cơ quan chức năng đã tổ chức khảo sát, ghi nhận, kiểm tra việc này?

Mọi vướng mắc đều có nguyên nhân. Khi nút thắt chưa được tháo gỡ thì không nên tiếp tục bắt buộc người dân mua bảo hiểm xe máy. Ít nhất ngay lúc này cần dừng lại để làm rõ nguyên nhân, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Để bảo hiểm thực sự là bảo hiểm, không phải là một loại giấy tờ chủ phương tiện mua chỉ để đối phó với cảnh sát giao thông.

Tầm Xuân - Nguyễn Huỳnh Đạt  

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI