Theo điều 3 của Thông tư 86/2020/TT-BTC ngày 26/10/2020 của Bộ Tài chánh Quy định chi tiết chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với huấn luyện viên thể thao thành tích cao, vận động viên thể thao thành tích cao, thì mức ăn hàng ngày của huấn luyện viên, vận động viên đội tuyển quốc gia (kể cả đội trẻ) trong thời gian tập trung tập huấn là 320.000 đồng/người/ngày.
Với số tiền đó mang ra ngoài ăn 3 bữa không thể thiếu. Vậy mà các tuyển thủ đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia tập luyện tại Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình bị cho là bị đói. Báo chí phản ánh, bữa ăn của 8 VĐV với chi phí 800.000 đồng nhưng chỉ có đậu rán, cá basa kho, nem rán, một đĩa củ quả luộc, một bát canh cà chua. Vì ăn uống không đầy đủ nên các em phải tự đi mua đồ ăn thêm mới đủ sức tập. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền đã được chỉ đạo kiểm tra, xác minh sự việc.
|
Một bữa ăn tối của vận động viên tuyển bóng bàn trẻ. Ảnh: Chụp màn hình |
Kết quả chưa được công bố, nhưng trước mắt là đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia được chuyển về Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội (Nhổn) và ban huấn luyện đã được thay đổi. Một nguồn tin khác từ người từng là vận động viên cho biết bữa ăn của vận động viên nhất là vận động viên trẻ thường bị cắt xén, làm cho dư luận càng thêm bức xúc.
Cũng có ý kiến cho rằng số tiền 320.000 đồng/người/ngày đó bao gồm nước uống khi tập luyện và thực phẩm chức năng cần thiết chứ không chỉ là các món ăn trong 3 bữa sáng, trưa, chiều. Lại cũng có ý kiến cho rằng tiền ăn, tiền lương là tất cả thu nhập của vận động viên, có thể ban huấn luyện và vận động viên thống nhất phân bổ lại để đáp ứng mọi nhu cầu của vận động viên, miễn sao bảo đảm được mục tiêu luyện tập.
Ở nước ngoài, vận động viên thường gọi huấn luyện viên là ông chủ (boss), ở nước ta huấn luyện viên có vai trò là thầy, có khi còn được gọi là bố, mẹ. Và huấn luyện viên cũng thường xuất thân là vận động viên. Lẽ nào họ lại đi bòn rút tiền bạc của các học trò, đa số xuất thân trong gia đình khó khăn, của họ.
Vì vậy, dư luận mong muốn các cơ quan có thẩm quyền làm rõ vụ việc nói trên, đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra việc nuôi dưỡng, huấn luyện các vận viên trong đội tuyển các cấp trong các trung tâm huấn luyện, được ngân sách chi trả chi phí hoạt động, để có biện pháp xử lý thích đáng.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng nhà nước ta vẫn cố gắng cung cấp nguồn lực tài chánh cho thể dục thể thao. Do không cao như những nước giàu có khác nên thu nhập và tiền ăn các vận động viên không không thể dư dả. Chính vì thế mà việc chấm mút, bòn rút tiền bạc chế độ đáng được hưởng của vận động viên cần được nghiêm trị, không để việc đó biến thành thông lệ. Mà không chỉ ở tiền ăn của vận động viên.
Nguyễn Huỳnh Đạt