Cần lắm nhà công vụ cho giáo viên vùng sâu

14/04/2025 - 11:01

PNO - Có nhà công vụ chất lượng, có điện, nước sạch, internet, nhà vệ sinh và an ninh tốt là điều kiện quan trọng để có thể thu hút và giữ chân được giáo viên ít nhất 1 nhiệm kỳ luân chuyển.

Năm học 2024-2025, tất cả tỉnh, thành ở Đông Bắc và Tây Bắc đều lâm vào tình trạng thiếu giáo viên (GV) trầm trọng.

Trong đó, tỉnh Yên Bái thiếu đến hơn 2.000 GV, 2 huyện vùng cao có tỉ lệ GV thấp nhất là Trạm Tấu (chỉ đạt 75,5%) và Mù Cang Chải (75,6%).

Tỉnh Hà Giang cũng thiếu gần 2.000 GV, Lào Cai thiếu 627 GV so với biên chế được giao.

Nữ giáo viên mầm non bị ngã xe trên đường vào điểm trường bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát, Thanh Hóa). Ảnh: Thu Huyền.
Nữ giáo viên mầm non bị ngã xe trên đường vào điểm trường bản Ón, xã Tam Chung (Mường Lát, Thanh Hóa) - Ảnh: Thu Huyền.

Dù có các giải pháp như tăng phụ cấp, tuyển GV về hưu, ưu đãi sinh viên con em dân tộc thiểu số tốt nghiệp về lại địa phương nhưng tình trạng thiếu GV vẫn chưa được cải thiện.

Phát biểu tại phiên họp tổ ở Quốc hội sáng 9/11/2024 về dự thảo Luật Nhà giáo, Tổng bí thư Tô Lâm đã nêu ra một trong số các vấn đề lớn nhất để có thể thu hút và giữ chân GV là phải có hệ thống nhà công vụ. Ông nói: “Mỗi trường phải có nhà công vụ cho thầy cô giáo, người ta ở đấy 5-10 năm thì 5-10 năm đó họ ở đâu, xây dựng gia đình thế nào. Những khu vực đó rất đặc biệt, phải có chính sách rất cụ thể và bao quát”.

Hiện nhà ở cho GV vùng sâu, vùng núi rất tạm bợ với nhà tranh vách ván, nhà vách đất mái tôn… tồi tàn. Hầu hết thầy cô ở nhà tập thể, là không gian chung không phân phòng, với một vài cái giường và chung cái bếp củi.

Kiểu nhà này có cách nay vài chục năm khi lần đầu tiên sau năm 1954, các GV dưới xuôi được cử lên miền núi, nay gọi là các thầy cô cắm bản. Nhiều GV có gia đình dưới xuôi, một mình lên cắm bản, vợ chồng lên thăm nhau vài ngày không có chỗ riêng tư. Các thầy cô độc thân cũng không có phòng riêng nên khó mọi bề.

Nhà công vụ, với các thầy cô cắm bản là vấn đề rất quan trọng. Điều kiện sinh hoạt hiện nay rất khó khăn. Đường lên bản xa xôi, hiểm trở, nhiều thầy cô phải ràng bánh xe máy bằng dây xích để chạy trong bùn nhão, ngã lên ngã xuống, đến trường cần nơi nghỉ cho lại sức để vừa dạy vừa nuôi, giữ trò tại điểm trường.

Rõ ràng có nhà công vụ chất lượng, có điện, nước sạch, internet, nhà vệ sinh và an ninh tốt là điều kiện quan trọng để có thể thu hút và giữ chân được GV ít nhất 1 nhiệm kỳ luân chuyển (3-5 năm). Hơn thế nữa, có được mái ấm đủ đầy, thầy cô có thể sẽ nên duyên, bám rễ lâu dài ở vùng đất khó.

Tổng bí thư nói ở nơi phên dậu của Tổ quốc ấy chỉ có bộ đội biên phòng, công an và các cô giáo, nếu họ xây dựng gia đình với nhau, cùng nhau giữ biên giới thì sẽ ở đâu, sinh sống thế nào? Cho nên việc xây dựng nhà công vụ là nhiệm vụ rất quan trọng.

Cả nước đang phát động phong trào “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”. Tất cả tỉnh thành, tổ chức chính trị xã hội đang tích cực thi đua đến đích. Chắc chắn 315.000 hộ khó khăn về nhà ở (khoảng 106.000 hộ người có công, 46.000 hộ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia và 153.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo khác) sẽ được nhận nhà mới vào cuối năm nay.

Vấn đề nhà công vụ cho GV ở biên giới, vùng sâu vùng xa chắc chắn sẽ giải quyết được khi Đảng, Chính phủ quyết tâm, hệ thống chính trị vào cuộc.

Nguyễn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI