Cần làm gì khi người lớn tuổi trong gia đình nghi bị nhiễm COVID-19?

22/07/2021 - 08:17

PNO - Người cao tuổi có nhiều nguy cơ tiến triển nặng nếu không may bị mắc COVID-19, nhất là người có nhiều bệnh nền.

 

Theo bác sĩ Thể người thân nên nắm bắt tâm tư tình cảm của các cụ để có những sự hỗ trợ kịp thời nhất
Người thân nên nắm bắt tâm tư tình cảm của người già để có những sự hỗ trợ kịp thời 

Theo TS. BS Thân Hà Ngọc Thể - Trưởng khoa Lão – Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, người cao tuổi có nhiều nguy cơ bị bệnh nặng khi mắc COVID-19. Khi nhập viện, người cao tuổi phải được chăm sóc tích cực hoặc dùng máy thở để có thể hỗ trợ hô hấp, bởi nguy cơ đối mặt với sự tiến triển nặng của bệnh rất cao, thậm chí tử vong.

Đặc biệt, ở người có nhiều bệnh nền chưa được kiểm soát tốt như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận mạn, bệnh phổi mạn, bệnh tim mạn, ung thư… càng phải lưu ý hơn. “Nguy cơ tăng dần ở người từ 50 tuổi và tăng thêm với mỗi nhóm tuổi 60, 70 và 80. Người trên 85 tuổi có nguy cơ cao nhất nhiễm bệnh và bệnh diễn tiến nặng”, bác sĩ Thể nói.

Nếu người già trong gia đình nghĩ rằng bản thân mình đã tiếp xúc với người nghi nhiễm COVID-19 hãy liên hệ cơ sở y tế gần nhất để được xét nghiệm tầm soát COVID-19. Người thân có thể giúp các cụ liên hệ ngay với Trạm y tế địa phương hoặc đường dây nóng Bộ Y tế 1900 9095 và 1900 3228 để được tư vấn nếu có một trong các biểu hiện nghi ngờ nhiễm COVID-19 như đau họng, mất vị giác hoặc khứu giác, ho, sốt, khó thở,...

Theo bác sĩ Thể, mọi người cần thực hiện những biện pháp sau để bảo vệ bản thân và người già trong gia đình:

- Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 là biện pháp quan trọng, giúp phòng ngừa và giảm biến chứng nặng của COVID-19. Các nghiên cứu đã chứng minh các loại vắc xin phòng COVID-19 như AstraZeneca, Pfizer hay Moderna đều giảm nguy cơ tử vong và biến chứng bệnh nặng do COVID-19 ở người cao tuổi.

- Hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp với người khác, đặc biệt trong không gian kín. Giữ liên lạc với con cháu, người thân qua điện thoại, máy tính bảng, ứng dụng video call trên máy tính bảng. Nếu sống cùng nhiều người trong nhà, hãy sắp xếp một phòng riêng. Không đi ra ngoài nơi tập trung đông người. Giữ khoảng cách tiếp xúc trên 2 mét.

- Trữ sẵn thực phẩm và thuốc trong nhà trong tối thiểu 2 tuần, hoặc nhờ người khác đi chợ giúp, giao hàng nhưng đảm bảo khoảng cách khi nhận hàng.

- Đeo khẩu trang khi ra ngoài. Quan trọng là khẩu trang phải kín, không được chạm vào mặt ngoài khẩu trang, không kéo xuống cằm để nói chuyện, không nên dùng một chiếc khẩu trang nhiều lần. Khẩu trang vải cần giặt sạch và phơi khô sau mỗi lần sử dụng.

- Rửa tay thường xuyên. Nếu không có xà phòng và nước, hãy dùng dung dịch sát trùng tay chứa tối thiểu 60% cồn. Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng khi chưa rửa tay. Khi ho hoặc hắt hơi, hãy dùng khăn giấy hoặc mặt trong khuỷu tay, sau đó hãy rửa tay. Làm sạch và khử trùng các bề mặt và đồ vật thường chạm vào bằng dung dịch tối thiểu 60% cồn.

- Tập thể dục thường xuyên, tối thiểu 30 phút mỗi ngày. Thực hành các sở thích, thư giãn, thiền… 
- Chế độ dinh dưỡng đầy đủ và đa dạng, nhiều rau xanh, vitamin và khoáng chất. Uống đủ nước tối thiểu 2 lít mỗi ngày.

- Tuân thủ chế độ điều trị các bệnh lý nền mạn tính một cách đều đặn: không được ngưng thuốc, chuẩn bị sẵn những thuốc thường dùng để sử dụng trong thời gian lâu dài. Có thể liên hệ điện thoại với cơ sở y tế đang điều trị để trao đổi trực tiếp và được tư vấn phù hợp.

"Khi các cụ cảm thấy bất an, hay lo lắng, hãy nói với người thân về bất cứ nỗi lo, buồn, sợ hãi … nào về COVID-19 hoặc các vấn đề khác để người thân kịp thời biết được và có những hỗ trợ phù hợp", bác sĩ Thể khuyên.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI