Năm 2011, sức khỏe của tôi đột ngột giảm sút tồi tệ. Nhập viện, bác sĩ nói tôi cần phải thay thận ngay nếu muốn giữ lấy mạng sống của mình. Nhà tôi không thiếu tiền. Vợ tôi là một người nhanh nhẹn, cô lập tức liên hệ với mọi mối quan hệ quen biết của mình, cô nói: “Anh không thể chết được”. Đó là quãng thời gian cả nhà tôi chạy đua cùng thần chết. Tôi nằm viện, hàng ngày chạy thận còn vợ tôi chạy khắp nơi để tìm cho chồng mình một quả thận khỏe mạnh.
Cuối cùng, bố tôi quyết, “bố cho mày một quả của bố”. Lời nói nhẹ như không nhưng tính bố tôi, tôi biết. Ông đã quyết chuyện gì thì không ai có thể khiến ông thay đổi. Bố tôi lúc ấy gần 60, còn rất khỏe mạnh. Tôi mới 27. Sau khi làm mọi kiểm tra cần thiết, bác sĩ kết luận, thận của bố hoàn toàn phù hợp với cơ thể tôi và việc tiến hành phẫu thuật có khả năng thành công cao. Tôi được cứu sống.
Thế nhưng, chuyện được sống chỉ là chuyện khiến tôi vui mừng trong một thời gian ngắn bởi sau đó, tôi phải đối mặt với những đau đớn tinh thần mà cả đời này, dù có làm gì, tôi cũng không thể hàn gắn lại khoảng đau đớn ấy trong tâm hồn mình.
Tôi kết hôn năm 2009. Vợ tôi tên Hằng, bằng tuổi. Chúng tôi học đại học cùng nhau, ra trường cùng thi đỗ vào một công ty nước ngoài, may mắn lại làm cùng một phòng nên có nhiều thời gian tiếp xúc, trò chuyện cùng nhau. Yêu nhau hơn sáu tháng thì tôi và Hằng quyết định làm đám cưới. Khi tôi bị bệnh, vợ chồng tôi đã có một con trai hơn một tuổi. Hằng là một người phụ nữ có nhan sắc, thông minh và rất nhanh nhẹn. Bố mẹ tôi rất quý con dâu vì Hằng dù bận việc công ty nhưng luôn biết cách vun vén và chăm lo cho gia đình. Ngay cả lúc sinh con, cô cũng không cần thuê người giúp việc để làm bớt việc nhà cho mình.
Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu tốt đẹp, vợ chồng tôi yêu thương nhau, gia đình tôi nhờ vậy vô cùng hạnh phúc. Chuyện chăn gối của tôi và Hằng cũng rất hòa hợp. Vì còn trẻ nên cả hai đều có nhu cầu cao trong chuyện này. Thế nhưng, mọi chuyện thay đổi hoàn toàn khi tôi trải qua ca phẫu thuật thay thận vào năm 2011. Mặc dù sức khỏe của tôi sau đó phục hồi trở về trạng thái gần như bình thường nhưng tôi không còn thiết tha với chuyện chăn gối nữa.
Một phần là do tâm lý, một phần là quả thực, tôi thấy mình yếu đi nhiều. Bác sĩ cũng có dặn tôi cần khiêng khem chuyện này bởi sau khi ghép thận, hàng tháng, tôi vẫn phải vào viện để kiểm tra sức khỏe, hàng ngày tôi phải uống rất nhiều loại thuốc: thuốc chống đào thải, thuốc thận, thuốc trợ tim…
Chuyện gần gũi không hòa hợp, vợ tôi cũng hiểu mà thông cảm cho chồng. Hằng tất nhiên không trách móc tôi gì cả nhưng tôi biết, vợ tôi buồn nhiều. Thi thoảng tỉnh giấc giữa đêm, tôi nghe tiếng vợ lén thở dài. Hằng còn trẻ quá. Mẹ tôi ngầm hiểu chuyện. Bà mua đủ thứ về để tẩm bổ cho tôi và giúp tôi hứng thú hơn với chuyện chăn gối nhưng mọi cố gắng của mẹ đều không thành công. Tôi dần mặc cảm với chính bản thân. Buổi tối, tôi tìm cách hoặc là ngủ thật sớm hoặc là ngủ thật muộn để không phải nói chuyện với vợ.
Bẵng đi một thời gian, vợ tôi bỗng dưng thay đổi tính tình, vui vẻ, hay cười hay nói hơn. Với tôi, Hằng cũng hay trò chuyện hơn. Vợ chồng tôi dần thoải mái trở lại. Tôi thở phào nhẹ nhõm, tin rằng Hằng cuối cùng đã thông cảm được cho nỗi khổ của chồng một cách thực sự. Nhưng tôi đã lầm. Hóa ra vợ tôi có nhân tình.
Nói đúng hơn, không phải nhân tình mà cô đi “bóc bánh trả tiền” ở bên ngoài, mỗi lần vài trăm nghìn, mỗi tháng cũng chỉ vài lần. Hóa ra, vợ tôi đã giải quyết nhu cầu sinh lý của mình bằng cách này. Hóa ra, vợ tôi đã giữ hạnh phúc gia đình tôi bấy lâu nay bằng cách này.
Vợ chồng tôi giữ kín chuyện này. Trước mặt bố mẹ, chúng tôi vẫn vui vẻ nói cười. Trong phòng ngủ, chúng tôi quay lưng vào nhau. Hằng nói không muốn li hôn, cô không muốn phản bội tôi và làm chuyện tồi tệ “bóc bánh trả tiền” kia nhưng “anh hãy hiểu cho em, chỉ là chuyện sinh lý”. Tôi thắt lòng. Tôi thấy thương vợ và bỏ qua cho Hằng, cố gắng giữ hòa khí cho mối quan hệ của vợ chồng tôi.
Hằng không hứa hẹn rằng sẽ không tái phạm nữa và tôi biết, sau lần tôi bị bắt quả tang đó, Hằng vẫn thi thoảng lén lút ra ngoài “vui vẻ”. Tôi vờ như không biết. Chỉ có như vậy thì gia đình tôi mới có thể êm ấm. Tôi cần vợ, con tôi cần mẹ và bố mẹ tôi cần con dâu. Gia đình tôi cũng cần danh tiếng. Mọi chuyện vì thế được ngầm thỏa thuận. Thi thoảng, tôi vờ như vô tình, nhắc nhở Hằng cố gắng kín đáo chuyện cô ra ngoài “bóc bánh trả tiền” vì nếu chuyện vỡ ra, gia đình này sẽ không còn dù tôi có muốn giữ Hằng lại đi chăng nữa.
Dù đã cố tự trấn an mình chuyện vợ mình ra ngoài tìm “bánh” là chuyện bình thường, miễn là cô vẫn hoàn thành vai trò làm vợ, làm con, làm mẹ của mình nhưng quả thật, tôi rất buồn. Tôi nên làm gì với cuộc sống của mình? Để giữ lại gia đình, tôi sẽ phải chấp nhận chuyện vợ mình ngủ những gã trai khác từ giờ cho đến khi tôi đầu bạc tóc trắng, đến khi tôi chết ư? Thời gian quá dài mà lòng tôi, tôi biết, chẳng thể bao dung lâu được đến như vậy.
Phạm Duy T. (TP.Hồ Chí Minh)