"Cần kiểm soát giá thuốc để hạn chế tăng giá qua mỗi khâu trung gian"

18/06/2024 - 15:56

PNO - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng, trong nhiều quan hệ mua bán thuốc có sự bất cân xứng về thông tin giá thuốc giữa người tiêu dùng và người bán.

Bộ trưởng
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dược hướng tới phát triển ngành công nghiệp dược Việt Nam

Doanh nghiệp dược trong nước dễ bị “thâu tóm”

Chiều 18/6, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Bà Đào Hồng Lan cho hay, thời gian qua, ngành dược Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ, góp phần vào công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về dược đã bộc lộ một số hạn chế cần phải khắc phục.

Điểm đáng lưu ý, Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược, theo hướng thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất thuốc, nguyên liệu theo hướng đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất nguyên liệu làm thuốc, thuốc công nghệ cao, thuốc công nghệ sinh học.

Trong đó, dự luật xác định rõ ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư đặc biệt theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đầu tư sản xuất nguyên liệu dược chất, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, vắc xin, sinh phẩm, thuốc hiếm, thuốc phòng, chống bệnh xã hội...

Xác định ưu đãi đầu tư đối với sản xuất thuốc gốc (generic), nguyên liệu làm thuốc là tá dược, vỏ nang; xây dựng cơ sở thử nghiệm sinh học, đánh giá sinh khả dụng, tương đương sinh học của thuốc; cơ sở thử nghiệm lâm sàng thuốc.

Dự luật cũng bổ sung quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, tăng tỷ lệ trích và thời gian sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu làm thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được.

Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chỉ ra, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành dược, song các doanh nghiệp dược trong nước chưa tận dụng được lợi thế của mình do thiếu nguồn lực và trình độ về kỹ thuật công nghệ còn hạn chế. Trong khi đó, các nhà đầu tư lớn nước ngoài lại sẵn sàng đầu tư với các dự án lớn, “thâu tóm” các doanh nghiệp dược trong nước và cạnh tranh với các sản phẩm dược trong nước bằng nhiều cách khác nhau.

Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với những chính sách được đề xuất trong lần sửa đổi này, tuy nhiên, do thuốc là mặt hàng quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người, tác động đến an ninh y tế, cần được đánh giá kỹ lưỡng, xem xét thận trọng và tổng thể trên cơ sở “lấy người dân làm trung tâm”.

Các sản phẩm dược cần được quản lý chặt chẽ; cần có chính sách hài hòa giữa việc thu hút đầu tư nước ngoài và bảo đảm sự phát triển của các doanh nghiệp nội địa, tạo vị thế, nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm cho các doanh nghiệp dược trong nước.

Hai phương thức kinh doanh dược mới

Chủ nhiệm Ủy ban xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị
Chủ nhiệm Ủy ban xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị có vai trò quản lý Nhà nước để kiểm soát việc tăng giá thuốc qua mỗi khâu trung gian

Dự thảo luật quy định 2 phương thức kinh doanh dược mới là chuỗi nhà thuốc và kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử. Việc kịp thời luật hóa các nội dung này là cần thiết để tạo hành lang pháp lý vững chắc, thuận lợi và minh bạch trong bối cảnh thị trường dược Việt Nam đang ngày càng nở rộ các hình thức, phương thức kinh doanh nói trên.

Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội thấy rằng, với hình thức kinh doanh theo chuỗi, cần có quy định để phân biệt hình thức kinh doanh theo chuỗi nhà thuốc với hình thức kinh doanh nhượng quyền; làm rõ quan hệ về sở hữu, quản lý, vận hành giữa doanh nghiệp tổ chức chuỗi nhà thuốc với các nhà thuốc trong chuỗi cùng với trách nhiệm của các chủ thể.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cần quy định cụ thể trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược đối với doanh nghiệp tổ chức chuỗi nhà thuốc và từng nhà thuốc thuộc chuỗi để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình vận hành mô hình mới này.

Với kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử, dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn nữa về các loại thuốc được kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử, đối tượng được tham gia mua, bán, cách thức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc, trách nhiệm các bên liên quan khi xảy ra sự cố; điều kiện để cho phép tổ chức sàn giao dịch điện tử đối với dược phẩm.

Ủy ban Xã hội đề nghị chỉ cho phép bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử các thuốc không kê đơn, thuốc không thuộc trường hợp hạn chế sử dụng hoặc sử dụng dưới sự giám sát của thầy thuốc theo khuyến cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

“Cần bổ sung quy định biện pháp để bảo đảm chất lượng thuốc và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; đồng thời, tiếp tục rà soát để thống nhất với pháp luật về giao dịch điện tử”, bà Nguyễn Thúy Anh nói.

Về quản lý giá thuốc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đánh giá, thuốc là mặt hàng đặc thù ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, trong nhiều quan hệ mua bán thuốc có sự bất cân xứng về thông tin, hiểu biết về thuốc và giá thuốc giữa người tiêu dùng và người bán.

"Do đó, cần bảo đảm vai trò quản lý và tham gia điều tiết của Nhà nước; giá thuốc cần được kiểm soát để hạn chế việc tăng giá thuốc qua mỗi khâu trung gian, từ cơ sở sản xuất đến cơ sở kinh doanh dược và đến tay người tiêu dùng", bà lưu ý.
Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ cụ thể hơn nguyên tắc xác định “mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng tương tự” khi kê khai giá bán buôn dự kiến để thuận tiện cho việc áp dụng pháp luật.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI