Cần khuyến khích tái chế và giảm phát thải

14/12/2023 - 06:18

PNO - Cũng như ở nhiều địa phương khác, vấn đề quản lý rác thải là thách thức không nhỏ đối với các cấp chính quyền và cộng đồng ở các tỉnh miền Trung.

Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), ở 16 tỉnh, thành từ Quảng Bình đến Bình Thuận và 5 tỉnh Tây Nguyên, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 12.000 tấn/ngày và tổng khối lượng chất thải nguy hại phát sinh khoảng 5.000 tấn/ngày. TP Đà Nẵng là địa phương có tỉ lệ chất thải rắn được thu gom cao nhất (100%). Trong khi đó, các tỉnh Tây Nguyên có tỉ lệ thu gom rất thấp, như tỉnh Đắk Lắk chỉ đạt 46%.

Nhà máy xử lý rác Thủy Phương (phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) hiện còn khoảng 4.000 tấn rác chưa xử lý - Ảnh: Thuận Hóa
Nhà máy xử lý rác Thủy Phương (phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) hiện còn khoảng 4.000 tấn rác chưa xử lý - Ảnh: Thuận Hóa

Năm 2022, tỉ lệ chất thải nguy hại được thu gom trên toàn vùng đạt khoảng 96,7%, xấp xỉ bằng tỉ lệ cả nước. Đến hết năm 2022, toàn khu vực có 194 cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, chỉ có 9 cụm công nghiệp có lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động; chỉ TP Đà Nẵng có 100% cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đúng quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Phương thức xử lý chất thải rắn ở các tỉnh miền Trung vẫn chủ yếu là chôn lấp, tiêu tốn quỹ đất; tỉ lệ chất thải được xử lý kết hợp thu hồi năng lượng còn thấp. Chất thải hầu hết chưa được phân loại tại nguồn, các chương trình phân loại rác tại địa phương còn mang tính thí nghiệm, chưa đồng bộ. Nhiều cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt đã được xây dựng và vận hành nhưng chưa đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường. 

Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng chôn lấp đơn giản, dễ vận hành, giá thành đầu tư và chi phí vận hành thấp nhất so với các công nghệ khác, có thể xử lý được nhiều loại chất thải rắn khác nhau. Nhưng hiện nay, miền Trung cũng như nhiều khu vực khác đang gặp khó khăn lớn về địa điểm để chôn lấp chất thải rắn, dẫn đến các xung đột xã hội và môi trường. Do đó, cần phải rà soát lại hiện trạng hoạt động, hiệu quả xử lý cũng như tính phù hợp của các công nghệ đang được áp dụng với điều kiện phát triển kinh tế của khu vực để từ đó đề xuất được những công nghệ xử lý chất thải rắn có hiệu quả.

Đối với miền Trung, tùy theo thực tế từng địa phương mà phân loại rác thải theo đặc thù của nguồn phát sinh chất thải. Con người vẫn là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của việc xử lý rác thải, cho nên cần tăng cường các chiến dịch truyền thông, giáo dục để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác động của rác thải đối với môi trường, sức khỏe cộng đồng và cách thức phân loại rác thải tại nguồn. Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc đầu tư đồng bộ cho quá trình phân loại rác từ nguồn, vận chuyển và xử lý chất thải.

Cần khuyến khích tái chế và giảm phát thải; xây dựng và thúc đẩy chương trình tái chế để giảm lượng rác thải và tăng sử dụng tài nguyên tái chế; đầu tư vào cơ sở hạ tầng xử lý rác thải, bao gồm cả những phương pháp hiện đại như xử lý sinh học, đốt cháy sạch và tái chế.

Về quản lý rác thải nhựa, cần thực hiện các biện pháp để giảm sử dụng nhựa một lần, thúc đẩy sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường và tăng cường hệ thống tái chế nhựa. Cần khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi lợi nhuận tham gia các dự án xã hội về quản lý rác thải; tăng cường quản lý và kiểm soát, thúc đẩy việc thi hành pháp luật về quản lý rác thải để đảm bảo tính minh bạch và công bằng; hợp tác với cộng đồng quốc tế để học hỏi và áp dụng các kinh nghiệm, kỹ thuật tiên tiến trong việc quản lý rác thải.
Những giải pháp này cần sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng và các tổ chức xã hội để đảm bảo tính bền vững và hiệu quả trong quản lý và xử lý rác thải.
 

Tiến sĩ Tô Văn Trường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI