Cần khẩn thiết ưu tiên vắc-xin cho ngành bán lẻ và sản xuất hàng tiêu dùng

13/07/2021 - 18:30

PNO - Tình hình dịch COVID-19 tại TPHCM đang diễn biến rất căng thẳng và phức tạp, có nguy cơ lây lan vào các hệ thống bán lẻ và nhà máy. Các chuỗi bán lẻ và doanh nghiệp sản xuất thực phẩm thiết yếu khẩn thiết kiến nghị được ưu tiên vắc-xin để người lao động yên tâm công tác.

Nhân viên bán lẻ đứng trước nguy cơ bị phơi nhiễm

Ngành sản xuất tiêu dùng bán lẻ luôn nỗ lực hết sức mình để đồng hành cùng chính phủ duy trì cho chuỗi mạch sản xuất và phân phối hàng hoá nhu yếu phẩm không đứt gãy và người dân an toàn an tâm phòng chống dịch. Tuy nhiên, các nhà máy và siêu thị đang đứng trước nhiều khó khăn, đặc biệt là về an toàn lao động trong thời kỳ dịch bệnh. Thời gian qua đã có nhiều siêu thị phải tạm ngừng hoạt động để phòng chống dịch.

Để giữ cho hoạt động được diễn ra bình thường và không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, làm xáo trộn đời sống người dân, hàng ngàn nhân viên bán hàng của các công ty đang hoạt động hết công suất, duy trì đủ nguồn cung cấp các mặt hàng thiết yếu. Nhu cầu ngày càng cấp thiết hơn khi thành phố đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hiện nay. Ảnh: Masan Group
Để giữ cho hoạt động được diễn ra bình thường và không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, làm xáo trộn đời sống người dân, hàng ngàn nhân viên bán hàng của các công ty đang hoạt động hết công suất, duy trì đủ nguồn cung cấp các mặt hàng thiết yếu. Nhu cầu ngày càng cấp thiết hơn khi thành phố đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 hiện nay. Ảnh: Masan Group

Theo đó, mối lo ngại nhiễm dịch bệnh của hàng triệu nhân viên bán hàng, phân phối hàng hóa thiết yếu ngày càng gia tăng. Chị Nguyễn Thị Tuyết - nhân viên siêu thị VinMart Times City, Hà Nội cho biết: “Hiện mỗi ngày tôi và đồng nghiệp tiếp xúc từ 4000 - 5000 khách hàng/ngày. Đi làm lúc dịch bệnh phức tạp, bản thân và gia đình luôn thường trực nỗi lo lắng về nguy cơ lây nhiễm bệnh. Nhưng để đảm bảo mục tiêu kinh doanh không chỉ của cả công ty, cũng như đáp ứng nhu cầu hàng hóa rất cấp thiết cho người dân trong giai đoạn hiện nay, tôi và các đồng nghiệp đã gạt những nỗi lo sang một bên để phục vụ khách hàng một cách tốt nhất”.

Cần gấp rút đưa nhân viên bán lẻ, sản xuất hàng tiêu dùng vào đối tượng ưu tiên

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc VinCommerce cho rằng, hệ thống 112 siêu thị Vinmart và 2.500 cửa hàng Vinmart+ tại 59 tỉnh và thành phố trên cả nước với hơn 22.000 nhân viên, hằng ngày phải tiếp xúc với hàng triệu lượt khách hàng, mặc dù đang tuân thủ nghiêm các quy định về 5K của Bộ Y tế, song nguy cơ bị lây nhiễm, phơi nhiễm dịch COVID-19 rất cao.

Vì vậy, việc nhanh chóng ưu tiên tiêm vắc-xin cho lực lượng nhân viên trong ngành bán lẻ, ngoài mục đích đảm bảo sức khỏe cho tuyến đầu của các doanh nghiệp bán lẻ, đề xuất này còn góp phần tạo điều kiện mua sắm an toàn cho người tiêu dùng.

Theo Quyết định 3355/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 8/7 về kế hoạch tiêm vắc-xin phòng COVID-19 năm 2021-2022, nhóm nhân viên ngành bán lẻ và sản xuất hàng tiêu dùng nhu yếu phẩm không nằm trong nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu. Điều này gây nên sự bất cập và có thể là “lỗ hổng” trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt tại các đô thị lớn, mật độ dân số dày đặc như TPHCM, Hà Nội, nhu cầu tiêm vắc-xin cho nhân viên tuyến đầu lại càng cấp thiết hơn.

Theo đại diện Masan, tập đoàn hiện có 30 nhà máy, trong đó có các tổ hợp chế biến thực phẩm, đặt tại hàng chục tỉnh thành trên cả nước. Nhiều tổ hợp hiện nay đang có nguy cơ phơi nhiễm cao do hoạt động tại “điểm nóng” dịch bệnh như Bắc Giang, Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM và nhiều tỉnh phía Nam như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang, Hậu Giang...

“Tổng cộng, Masan có gần 40.000 nhân viên làm việc ở các lĩnh vực thiết yếu, thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng hàng tiêu dùng cho người dân. Họ hoạt động ở tuyến đầu chống dịch và có mức tiếp xúc cao với cộng đồng, nguy cơ phơi nhiễm cao. Vì vậy, chúng tôi  kiến nghị Bộ Y tế bổ sung nhân viên bán lẻ và sản xuất nhu yếu phẩm vào đối tượng tiêm chủng, đồng thời mong muốn nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo các tỉnh, thành cho nhóm đối tượng này. Bảo vệ sức khỏe cho tuyến đầu sản xuất và bán lẻ hàng tiêu dùng là góp phần bảo vệ chuỗi cung ứng, bảo đảm đầy đủ hàng hóa phục vụ cho nhu cầu thiết yếu hằng ngày của người dân, đồng thời bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, phòng chống lây lan dịch bệnh”, đại diện Masan chia sẻ.

Từ những ngày đầu chống dịch đến nay, Tập đoàn Masan đã và đang đóng góp gần 200 tỷ đồng cho các hoạt động phòng, chống COVID-19 như: ủng hộ 60 tỷ đồng vào Quỹ vắc-xin phòng COVID-19, tài trợ nhiều máy thở ECMO và hơn 100.000 bộ kit test PCR. Song song đó, Masan cũng đã đóng góp hàng triệu sản phẩm thiết yếu như thực phẩm và nước uống dinh dưỡng để hỗ trợ các chốt biên phòng tại biên giới, bệnh viện và các địa phương nằm trong tâm dịch. Đây là sự hỗ trợ vô cùng thiết thực trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực kiểm soát tình hình dịch bệnh.

Hoàng Linh

 

Nguồn: Masan Group

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI