PNO - Hơn 1 tuần kể từ khi xảy ra trận động đất kinh hoàng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, số người thiệt mạng vẫn tăng nhanh. Giữa lúc những câu chuyện cảm động từ các nạn nhân được cứu khiến thế giới tiếp tục nuôi hy vọng, nhiều tổ chức cảnh báo phụ nữ và trẻ em gái rất dễ bị tổn thương sau thiên tai.
Khi Necla Camuz sinh đứa con trai thứ hai vào ngày 27/1, cô đặt tên cho cậu bé là Yagiz, nghĩa là “người dũng cảm”. Hôm 6/2, Necla thức dậy vào khoảng 4g sáng để cho con bú tại nhà riêng ở thị trấn Samandag, tỉnh Hatay, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ ít phút sau, cả gia đình cô bị chôn vùi dưới đống đổ nát.
Một phụ nữ sống sót sau trận động đất không kìm được nước mắt trong khi lực lượng cứu hộ nỗ lực tìm kiếm nạn nhân và những người sống sót khác ở Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: AFP
Người mẹ trẻ kể lại: “Khi trận động đất bắt đầu, tôi muốn đến gặp chồng, lúc ấy đang ở phòng khác với đứa con trai lớn của chúng tôi. Thế nhưng chiếc tủ quần áo đã đổ xuống và họ không thể di chuyển. Trận động đất trở nên lớn hơn, tường sập xuống, căn phòng rung chuyển và tòa nhà thay đổi vị trí”. Khi chấn động dừng lại, Necla đã rơi xuống một tầng. Người phụ nữ 33 tuổi thấy mình kẹt trong bóng tối cùng đứa con 10 ngày tuổi mà cô ôm chặt trong lòng. Chiếc tủ quần áo đổ bên cạnh đã cứu mạng hai mẹ con khi chặn một tấm bê tông lớn đè lên họ. Cô gọi tên chồng và con trai nhưng không có câu trả lời.
Necla phải tìm mọi cách sinh tồn. Cô không biết đã bao nhiêu giờ trôi qua, điều duy nhất cô biết là Yagiz vẫn đang thở đều. Làn da mềm mại và hơi ấm của cậu bé giúp Necla trấn tĩnh. Bản năng làm mẹ thôi thúc cô tập trung vào việc giữ cho đứa con sơ sinh của mình sống sót. Necla có thể xoay xở để cho Yagiz bú nhưng không có thức ăn hoặc nước uống cho mình. Từng giờ, từng ngày trôi qua, Necla lo lắng cho chồng và đứa con trai lớn...
Sau hơn 90 giờ nằm dưới đống đổ nát, Necla Camuz nghe thấy tiếng chó sủa và tự hỏi liệu đó có phải là một giấc mơ. Các đội cứu hộ từ Sở Cứu hỏa Istanbul đã cẩn thận đào bới đống đổ nát cho đến khi tiếp cận được Necla và Yagiz. Cả hai được đưa đến một bệnh viện địa phương và người mẹ cảm thấy nhẹ nhõm khi nhìn thấy những khuôn mặt quen thuộc tại bệnh viện. Chồng và con trai lớn của cô vẫn an toàn. Trải qua thảm họa kinh hoàng, người mẹ cảm thấy biết ơn vì có con trai ở bên giữa trận động đất.
Tại tỉnh Adıyaman cách Hatay khoảng 300km, một người mẹ gốc Hungary vừa chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ được 3 tháng cũng rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo khi phải tự mình tìm cách bảo vệ 4 đứa con nhỏ. Lúc trận động đất diễn ra, Ildikó nghĩ rằng một chiếc máy bay đã đâm vào tòa nhà. Tuy nhiên, cô không có nhiều thời gian để nghĩ về nó vì chỉ vài giây sau, những bức tường bắt đầu sụp đổ. Những đứa trẻ la hét và cả gia đình cố bò đến lối ra, lúc đó gần như đã sụp đổ hoàn toàn. Qua lỗ hổng nhỏ còn sót lại, người mẹ lần lượt đẩy từng đứa con ra ngoài. Cô không biết làm thế nào mình có được sức mạnh để làm điều đó. Chồng cô lúc ấy vẫn đang ở Đức nên cô phải hành động một mình.
Sau khi vùng vẫy thoát ra khỏi ngôi nhà đang đổ sập, Ildikó để các con nằm chồng lên nhau rồi dùng thân mình che chở cho chúng. Mặt đất rung chuyển, những tòa nhà sập xung quanh họ như một thước phim đầy ám ảnh. Vào thời điểm đó, cả gia đình đều nghĩ là sẽ chết, nhưng Ildikó không muốn đầu hàng số phận. Khi tình hình ổn định, cô và các con được chuyển đến một nơi trú ẩn trên núi gần đó. Ngày tháng trôi qua, Ildikó mất dần sức lực, tinh thần cô vẫn bị ám ảnh vì những gì đã xảy ra. Ildikó thường xuyên bị hoảng loạn nhưng vẫn cố gắng tỏ ra mạnh mẽ trước mặt các con.
Phụ nữ và trẻ em dễ bị tổn thương
Buseyna chạy trốn khỏi nhà riêng ở Adıyaman sau trận động đất kinh hoàng. Do các bệnh viện quanh khu vực quá tải, Buseyna đã cùng mẹ vượt hơn 100km đến Şanlıurfa, tìm kiếm sự giúp đỡ từ một nơi trú ẩn dành cho phụ nữ và trẻ em gái do Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) hỗ trợ. Tại đó, Buseyna đã hạ sinh một bé gái - Meha. Trong số khoảng 15 triệu người bị ảnh hưởng vì động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, có hơn 214.000 phụ nữ đang mang thai, với gần 24.000 người sắp chuyển dạ. Hàng chục ngàn người mất nhà cửa và đồ đạc, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em gái và trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc bệnh và chịu đựng bạo lực nghiêm trọng.
Các trận động đất kể từ ngày 6/2 đã tàn phá cuộc sống của những người vốn dễ bị tổn thương. ActionAid - một tổ chức phi chính phủ quốc tế chống đói nghèo và bất công - cho biết thêm: số lượng góa phụ và các hộ gia đình do phụ nữ làm chủ, cũng như trẻ mồ côi đã tăng lên kể từ khi cuộc nội chiến ở Syria bắt đầu vào 12 năm trước và những trận động đất gần đây để lại cho họ một tương lai không chắc chắn. Sawser Talostan - một nhân viên ứng phó khẩn cấp tại Syria - cho biết: “Trẻ em thậm chí không biết nghĩa của từ nhà vì chúng được sinh ra và sống trong lều. Một số em thậm chí còn không biết nghĩa của từ trường học”.
Ở Lattakia - một trong những tỉnh bị tàn phá nặng nề nhất của Syria - Om Mohamed đau khổ nhìn những tàn tích còn sót lại của khu phố nơi cô sinh sống. Người phụ nữ chua xót: “Tôi tỉnh dậy và nhận ra rằng mình đã mất tất cả chỉ trong một phút - không nhà cửa, không quần áo, không tiền, không gì cả. Tôi không biết phải làm gì đây, tôi không còn hy vọng sống nữa”.
Những nơi trú ẩn an toàn của UNFPA ở Syria đang đảm bảo các dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, vốn thường tăng đột biến trong các cuộc khủng hoảng khi những cấu trúc hỗ trợ sụp đổ và hỗn loạn xảy ra. Hàng ngàn phụ nữ mang thai ở Syria cần được hỗ trợ khẩn cấp về sức khỏe bà mẹ, bao gồm chăm sóc sản khoa khẩn cấp và mổ lấy thai - những ca phẫu thuật có thể đe dọa đến tính mạng nếu các trung tâm y tế không hoạt động đầy đủ.
Racha Nasreddine - Giám đốc khu vực Ả Rập của ActionAid - cho biết: “Chúng tôi cần sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế khi đứng trước nhu cầu cấp thiết về thực phẩm, nước, chăn, nơi trú ẩn và quần áo mùa đông. Trong một thảm họa như thế này, phụ nữ và trẻ em gái rất dễ bị tổn thương và đối mặt nguy cơ bị lạm dụng. Bảo vệ an toàn cho họ là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”.
Chính quyền địa phương cho biết, ít nhất 38 người đã thiệt mạng sau tai nạn giao thông "thảm khốc" giữa xe buýt và xe tải ở bang Minas Gerais của Brazil.