Cận kề PCA, Mỹ càng mạnh tay, Trung Quốc càng run

02/07/2016 - 06:22

PNO - Gần tới ngày phán quyết, Mỹ càng đưa ra những biện pháp mạnh tay hơn còn Trung Quốc có phần 'mạnh mồm' phản đối nhưng chỉ càng làm lộ rõ sự thật rằng họ đang run vì sợ lộ ra cái đuôi sai trái của...

Ngày 29/6 phát biểu trong một cuộc hội thảo tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thủy quân Lục chiến Mỹ, Trung tướng John Wissler cho biết sẽ chuyển một trong những đơn vị thủy quân lục chiến viễn chinh được trang bị tốt nhất từ bờ biển miền Tây nước này tới khu vực tiến hành các cuộc tuần tra quanh châu Á-Thái Bình Dương trước năm 2019, bao gồm một nhóm 3 tàu đổ bộ tại khu vực Thái Bình Dương, cùng với với 2.500 lính thủy đánh bộ và thủy thủ.

Cạn kè PCA, Mỹ càng mạnh tay, Trung Quóc càng run
Mỹ sẽ chuyển một trong những đơn vị thủy quân lục chiến viễn chinh được trang bị tốt nhất tới khu vực tiến hành các cuộc tuần tra quanh châu Á-Thái Bình Dương


 
Theo Tướng John Wissler, Mỹ sẽ không chỉ có lực lượng triển khai hiện nay với các tàu chiến đóng tại Nhật Bản, trong tương lai Hải quân Mỹ sẽ được tăng cường năng lực đổ bộ để tiến hành các chuyến tuần tra kéo dài 90 ngày tại châu Á-Thái Bình Dương và khu vực xung quanh.

Theo Tướng John Wissler, trọng tâm của chiến lược triển khai mới này là thiết lập một sự hiện diện mạnh mẽ hơn tại Đông Á. Nhóm đổ bộ bổ sung sẽ giúp cho lực lượng Thủy quân Lục chiến và Hải quân Mỹ có hoạt động ở quy mô rộng lớn hơn.

Theo bản tin của Buzz, Thủy quân Lục chiến Mỹ đóng tại Australia và Okinawa có thể tham gia nhóm tác chiến mới này.

Trước đó, bắt đầu từ ngày 22/6, Mỹ đã điều ba tàu khu trục hiện đại nhất trong Hải quân Mỹ tới biển Đông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, cảnh giới.

Hải quân Mỹ cho biết, đây là chuyến tuần tra thường lệ, triển khai Nhóm hành động nổi Thái Bình Dương (PAC SAG), tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương.

Sáng kiến PAC SAG của Mỹ nhằm tận dụng các tàu khu trục hiện đại này nhằm phản ứng nhanh với bất kỳ tình huống nào trong khu vực.

Khi nói về điều này, hải quân Mỹ tuyên bố "sẵn sàng chiến đấu bảo vệ an ninh trên biển", đối đầu với "những hành vi hải tặc và hành vi vi phạm, thách thức luật quốc tế".

Được biết cả ba tàu này đều trang bị hệ thống tên lửa phòng thủ Aegis tối tân.

Sự xuất hiện của các tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường của Mỹ tại Biển Đông như lời cảnh báo của Bộ Ngoại giao Mỹ tới Trung Quốc rằng không nên có hành động khiêu khích trong khu vực liên quan tới phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài Thường trực trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về những đòi hỏi chủ quyền phi lý tại Biển Đông.

PCA ấn định ngày 'định tội', Trung Quốc lo lắng

Hôm 29/6, Tòa án Trọng tài Thường trực Liên Hợp Quốc (PCA) ở La Hay (Hà Lan) đã ấn định ngày ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Cùng ngày, Bắc Kinh tiếp tục đưa ra phản ứng của mình.

Hôm 29/6, Tòa án Trọng tài Thường trực Liên Hợp Quốc (PCA) ở La Hay (Hà Lan) đã ấn định ngày ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.

Cạn kè PCA, Mỹ càng mạnh tay, Trung Quóc càng run
Trung Quốc càng mạnh mồm càng chứng tỏ mình đang run


Theo đó, vào khoảng 11 giờ giờ địa phương (16 giờ giờ Việt Nam) ngày 12/7 tới tòa án này sẽ phán quyết vụ kiện "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc ngang nhiên vạch ra trên Biển Đông để phục vụ cho tham vọng chủ quyền quá đáng của mình.

Trước đó, PCA cho biết qua xem xét đơn kiện của Manila, tòa án đã bác bỏ luận cứ của Trung Quốc cho rằng, vụ tranh chấp trên thực tế không thuộc quyền tài phán của PCA.

Đáp lại, trong một tuyên bố dài đưa ra hôm 29/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi ngang nhiên cho biết, viện Manila đơn phương đệ đơn kiện lên PCA là vi phạm luật pháp quốc tế và Bắc Kinh sẽ không chấp nhận bất cứ giải pháp giải quyết tranh chấp bắt buộc nào.

Trong một bài bình luận bằng tiếng Anh, hãng thông tấn Tân Hoa Xã của Trung Quốc khẳng định rằng, vụ việc này sẽ chỉ làm cho cuộc tranh chấp xấu đi.

"Manila không nhận thấy rằng, phán quyết của tòa sẽ chỉ làm cho Biển Đông thêm rắc rối, không đem lại lợi ích cho các bên liên quan", bài báo có đoạn viết.

Trước đó, các nhà ngoại giao, học giả Trung Quốc nhiều lần tuyên bố rằng Bắc Kinh không có nghĩa vụ tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài Liên Hợp Quốc, bởi họ cho rằng thẩm quyền xét xử của tòa án này không bao gồm các tranh chấp về "chủ quyền hay lãnh thổ".

Các quan chức Trung Quốc còn ngang nhiên nói rằng việc phớt lờ phán quyết của PCA là hành động cần thiết để "bảo vệ và duy trì luật pháp quốc tế", đồng thời cáo buộc ngược Philippines đã "vi phạm" luật pháp quốc tế khi tiến hành vụ kiện.

Như vậy, gần tới ngày phán quyết, Mỹ càng đưa ra những biện pháp mạnh tay hơn, thậm chí còn đưa ra kế hoạch lớn trong vòng 3 năm. Còn Trung Quốc có phần 'mạnh mồm' liên tục lên tiếng phản pháo về phán quyết của PCA.

Trung Quốc làm vậy là đang tự mâu thuẫn với chính mình, một mặt ngang nhiên tuyên bố về chủ quyền của mình trên Biển Đông và đưa ra các chứng cứ giải thích chủ quyền, nhưng mặt khác lại rất sợ quốc tế hóa giải quyết tranh chấp ở Biển Đông và lo lắng khi vấn đề được đưa ra Tòa án luật biển quốc tế phán quyết. Càng như vậy, Trung Quốc càng làm lộ cái đuôi sai trái của mình mà thôi.

Minh Đức (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI