Ra đi với tầm nhìn, tư duy rộng mở và hiện đại
Phóng viên: Dường như sự kiện người thanh niên Nguyễn Tất Thành cất bước ra đi đã để lại nhiều dấu ấn mang tính biểu tượng, thưa bà?
Bà Tôn Nữ Thị Ninh: Bác Hồ thuộc thế hệ các nhà cách mạng tầm cỡ thế giới như Fidel Castro, Mahatma Gandhi hay Jawaharlal Nehru. Nếu như các vị này hoạt động, đấu tranh chủ yếu ở quốc nội thì con đường giải phóng dân tộc của Bác rất khác.
|
Bà Tôn Nữ Thị Ninh - Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TPHCM (HPDF), nguyên Đại sứ Việt Nam tại EU và Bỉ |
Khi nói chuyện với khách nước ngoài, các nhà ngoại giao, nghị sĩ Mỹ, tôi thường nhắc đến tư duy của Bác, với tư cách là một thanh niên chưa biết bên ngoài thế nào mà tiên phong tiến ra thế giới bao la, đi khắp cùng các nước, ngay cả chọn “mẫu quốc” đang đô hộ Việt Nam bấy giờ là Pháp để hoạt động để tìm được con đường giải phóng đất nước. Đặt vấn đề như thế để thấy được tầm nhìn ra đi để trở về của Bác.
Bên cạnh nét độc đáo - Bác đi từ Sài Gòn - như một tiền định cho thành phố chúng ta trở thành cầu nối giữa Việt Nam với thế giới bên ngoài, việc ra đi từ đây còn để lại thêm một dấu ấn nữa cho thành phố như là một biểu tượng của sự hiện đại luôn hướng về tương lai.
* Bà có thể minh họa những tư duy mà bà cho là hiện đại của Hồ Chí Minh?
- Ngày nay, nhìn lại chúng ta mới thấy khẩu hiệu “độc lập - tự do - hạnh phúc” của Bác là rất hiện đại, vì không nhiều người đưa phạm trù “hạnh phúc” ra sớm như vậy đâu. Gần đây, đất nước Bhutan mới phát huy khái niệm “hạnh phúc” qua chỉ số hạnh phúc quốc gia. Đây là một điểm rất hiện đại mà Bác Hồ đã có trong Tuyên ngôn độc lập từ giữa thế kỷ trước. Tôi nhấn mạnh, Bác ra đi từ thành phố với tầm nhìn, tư duy vô cùng rộng mở với bên ngoài và hết sức hiện đại. Đi ra để trở về, đi ra để tìm lối thoát cho đất nước, nhưng Bác còn đưa ra phạm trù “hạnh phúc”. Đó là chưa kể trong Hiến pháp đầu tiên, Bác đã đưa vấn đề nam nữ bình quyền. Ngay từ lúc đó, đâu chỉ nhắc đến việc chống giặc ngoại xâm, mà Bác còn kêu gọi chống giặc đói, giặc dốt rất độc đáo nữa.
* Theo bà, người trẻ TPHCM có thể lĩnh hội và phát huy những nét tương đồng nào với Nguyễn Ái Quốc?
- Vâng, rất cần vận dụng điều này cho TPHCM. Thành phố mang tên Bác thì phải thấm nhuần tư duy, tầm nhìn rộng mở. Ở đó còn là tinh thần nhân văn. Từ một đất nước nông nghiệp còn nghèo khó sang một đất nước phát triển để tìm đường đánh bại thực dân nhưng Bác vẫn có thể hoạt động khắp nơi, trong mọi tầng lớp và gây được cảm tình đặc biệt với người Pháp, xây dựng được nhiều tình bạn với họ, kể cả thành phần trung - thượng lưu, trí thức. Trên thế giới có hai nước cựu thù nào làm được như Việt Nam đã làm! Tinh thần tạm gác quá khứ đau buồn, căng thẳng, kể cả sai trái của bên kia, để đặt tương lai đất nước, dân tộc lên trên hết là của Bác. Đó không phải là xóa sạch, lãng quên quá khứ, mà qua đó chúng ta chọn một thế đứng cao thượng, nhân văn lớn. Vừa cố gắng giúp dân tộc thoát ách thực dân nhưng lại kết bạn với nhiều tầng lớp xã hội phương Tây thì đâu phải ai cũng làm được.
Bác đi ra bên ngoài, dù luôn canh cánh sự nghiệp giải phóng đất nước nhưng rất yêu đời. Tôi muốn dùng từ “yêu đời”, có nghĩa là dù trong hoàn cảnh, nhiệm vụ nào cũng phải tìm hiểu, hòa đồng. Sau này khi trở về, Bác không có tư duy co cụm, thù oán, cay đắng. Hy vọng TP.HCM mang tên Bác cũng thể hiện được tinh thần nhân văn, cởi mở, cách đón tiếp, giao lưu, hợp tác trên tất cả lĩnh vực với đối tác bên ngoài của Bác. Nói nôm na là ai mình cũng chơi, chứ chẳng ngán! Để làm được như thế thì phải tự tin vô cùng, phải hiểu mọi người, chơi và tìm hiểu điều gì tốt đẹp, hữu ích cho cả đôi bên.
Đón nhận thế giới và luôn đứng vững trên nền tảng dân tộc
* Bà có đồng ý rằng cán bộ hôm nay cần có chất cởi mở như tư tưởng Bác?
- Mình có một lãnh tụ như Bác là mẫu mực cho các nhà ngoại giao. Ai cũng chơi, tạo được quan hệ với mọi người, rất tự tin, có tầm nhìn, có tính nhân văn. Theo tôi, đó là tấm gương, là bài học để ta xây dựng chủ trương, chính sách trong cách tiếp cận, giao lưu, hợp tác với các nước. TP.HCM muốn vươn lên vững vàng thì cần đón nhận thế giới và luôn đứng vững trên nền tảng dân tộc. Và tôi thấy không có nơi nào phù hợp hơn cho việc đó bằng TPHCM.
* Nói đến xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, bà có thể đưa ra một hướng tiếp cận cho chủ trương này của TPHCM?
- Không gian văn hóa Hồ Chí Minh về mặt di tích đã có bộ phận bảo tàng chuyên trách, cái tôi muốn nhấn mạnh là làm sao người dân thành phố học tập Bác trong cung cách hướng ra thế giới và nhìn lại bản thân để có thang giá trị cần thiết dung hòa dân tộc với quốc tế. Thời của Bác Hồ, có thể nói không ai “Việt Nam” như Bác và cũng không ai “quốc tế” như Bác. Khi nhìn vào thành phố này, người ta thường đánh giá rất quốc tế, rất hội nhập, dùng danh xưng “Hòn ngọc Viễn Đông” là đã có ý hướng về Tây. Vậy thì phần ta ở đâu? Thành phố mang tên Bác thì hồn, thể, tầm nhìn phải là của người Việt.
Hướng về tương lai để tiếp tục phát triển đất nước, nhân dân cần tự tin với phong cách Bác Hồ, tôi nhắc lại “ai cũng chơi, nhân văn và yêu đời”. Rất nôm na như vậy để nói thành phố đã mang tên Bác thì con người sống, lao động tại đây nên tự định vị cách sống, làm việc, cách đóng góp cho đất nước, thế giới sao cho bật lên hình ảnh nhà cách mạng mà Việt Nam vô cùng diễm phúc có được: hiện đại, nhân văn và yêu đời. Phong cách yêu đời là một nét độc đáo nổi bật của riêng Bác.
* Không gian văn hóa Hồ Chí Minh vẫn đang là một khái niệm chưa rõ nét. Theo bà, cần triển khai thế nào nơi phong cách cán bộ?
- Nên chăng có sáng kiến khuyến khích mọi thành phần công dân, cán bộ thử có những sáng kiến, hành vi thể hiện cho đúng tinh thần của Bác. Tôi lấy ví dụ, khi nhóm các nhà ngoại giao đầu tiên của ta đến chào Bác để ra nước ngoài, họ nói với Bác rằng họ có nhiều bối rối, như chưa bao giờ ăn bằng dao, nĩa của Tây. Bác nói thôi thì nhìn người ta làm sao mình làm vậy. Nghĩa là đừng ngại ngùng, đừng sợ vấp váp, cứ mạnh dạn, thử làm, sai thì sửa, làm lại cho đến khi trúng. Đó là tinh thần rất thực tế, thậm chí thực dụng mà Bác khuyên dạy cho một người từ chưa biết đến biết.
Tôi nghĩ cần có một công trình tập hợp, chọn lọc các phương châm đặc sắc của tư duy Hồ Chí Minh và cách tiếp cận phong cách Bác thông qua nhiều hình thức, ngôn ngữ khác nhau, không nặng nề về chính trị, để đưa ra cho mọi thành phần, mọi lứa tuổi rút tỉa học tập thành tầm nhìn, mục tiêu của mình. Ý tôi là đưa tư duy của Bác đi vào phong cách sống của cán bộ, người dân mà không cần phải đao to búa lớn. Xây dựng các thiết chế liên quan Không gian văn hóa Hồ Chí Minh nên sử dụng ngôn từ dễ tiếp cận, dễ hiểu, sống động. Đó như là một cẩm nang từ gương sống, hoạt động của Bác qua các hình thức phong phú hơn. Làm như vậy là tránh cho người ta e ngại, cảm thấy xa lạ và khó tiếp thu. Đó cũng là phong cách tiếp cận của Bác khi đến với người dân. Học giá trị sống của Bác thì người dân chắc chắn sẽ được hiểu biết thêm rất nhiều.
* Xin cảm ơn bà.
Nói đến Hà Nội, chúng ta thường nghĩ đến dặm dài lịch sử hướng đến hôm nay. TP.HCM trẻ hơn, nhưng dấu ấn về sự giao thoa giữa Đông và Tây khá dày. Từ thành phố này, Bác đã ra đi tìm con đường độc lập cho đất nước. Bởi thế, nhắc đến Sài Gòn - TP.HCM, chúng ta có ngay hình ảnh cửa ngõ ra thế giới. Bà Tôn Nữ Thị Ninh |
Quốc Ngọc - Tuyết Dân (thực hiện)