Cần hỗ trợ pháp lý cho nông dân

20/06/2017 - 11:34

PNO - Hơn chục hộ dân tại xã Ia Glai, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đang khốn đốn vì đầu tư hàng trăm triệu đồng trồng bí, đến ngày thu hoạch, công ty “bao tiêu thu mua” bặt vô âm tín.

Theo người dân, cách đây hơn sáu tháng, Công ty cổ phần Phú An Khang Tây Nguyên, đại diện là bà Tô Thị Hồng Tươi đã ký hợp đồng với bà con xã Ia Glai trồng bí xanh Đài Loan và bí đỏ Nhật Bản. Công ty sẽ thu mua 5.000đ/kg. Tuy nhiên, đến ngày thu hoạch, đại diện công ty này đã lặn mất tăm, điện thoại không liên hệ được. Các hộ nông dẫn tìm tới địa chỉ công ty, nhưng lại là… nhà của một người tham gia “dự án trồng bí”, chủ nhà không biết đại diện công ty đang ở đâu.

Việc người nông dân tham gia ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với công ty “ma” cho thấy, đối tượng lừa đảo rất tinh vi, lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật của người nông dân để soạn thảo những điều khoản hợp đồng nhằm gây dựng niềm tin, trong khi đó, nhiều điều khoản hợp đồng là không khả thi. Để có thể biết đối tượng lừa đảo trục lợi những gì hay có tính chất phá hoại, rất cần cơ quan công an vào cuộc điều tra làm rõ.

Về nội dung, điều khoản hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa người nông dân và công ty trên cho thấy, nhiều khả năng hợp đồng này sẽ bị vô hiệu do không rõ địa chỉ của công ty, lừa dối khi giao kết hợp đồng… Khi tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu thì các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, ai có lỗi, phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật. Vì vậy, theo tôi, nông dân cần được hỗ trợ pháp lý, hướng dẫn khởi kiện nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Mặt khác, đây là bài học kinh nghiệm đối với người nông dân khi tự mình ký kết các hợp đồng bao tiêu sản phẩm hoặc hợp đồng kinh tế, trong khi hiểu biết pháp luật còn hạn chế, chưa được tư vấn đầy đủ để tham gia ký kết hợp đồng, giao dịch. Tốt nhất, khi ký kết các hợp đồng, giao dịch, nông dân nên chủ động liên hệ đến UBND cấp xã để được chứng thực hoặc đến các tổ chức hành nghề công chứng để được công chứng. 

Khi đó, UBND cấp xã hoặc công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng sẽ kiểm tra tính pháp lý của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, soạn thảo những điều khoản, cam kết bình đẳng, tự nguyện, đảm bảo tính khả thi… phù hợp với quy định của pháp luật. 

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương nắm thông tin các thương lái, doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng với người nông dân và làm rõ năng lực tài chính của họ. Trong trường hợp cần thiết, chính quyền địa phương có thể mời các thương lái, doanh nghiệp đến làm việc và yêu cầu ký cam kết về việc thực hiện hợp đồng. Nếu phát hiện có sự gian dối, nhanh chóng đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định, đồng thời, vận động người nông dân tạm dừng thực hiện hợp đồng để hạn chế thiệt hại có thể xảy ra. 

Luật gia Đỗ Văn Nhân (Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI