Dòng tiền sẵn sàng khai thông
Sau khi gói 30.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi lãi suất kết thúc cách đây gần bốn năm, khoảng giữa năm 2020, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng (NH) Chính sách xã hội và bổ sung 2.000 tỷ đồng cho bốn NH thương mại (TM) để hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội.
Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM nhận định, từ một đồng hỗ trợ của Nhà nước, NHTM có thể huy động thêm được 33 đồng và từ một đồng cấp cho NH Chính sách xã hội, NH này có thể huy động thêm một đồng nữa. Như vậy, với những gói hỗ trợ trên, các NH có thể huy động được nguồn lực khoảng 66.000 tỷ đồng để cho doanh nghiệp vay xây nhà ở xã hội và người dân vay mua, thuê nhà ở xã hội.
|
Nhu cầu nhà ở của người có thu nhập thấp rất cao trong khi nhà ở xã hội đang rất thiếu |
Còn theo Hiệp hội BĐS Việt Nam, hằng năm, Nhà nước cấp 50% vốn cho NH Chính sách xã hội, 50% huy động thêm từ các kênh khác nhau để hỗ trợ cho người mua, thuê nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, bốn NHTM gồm Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank do Nhà nước chi phối vốn được cấp bù lãi suất vay 3-4%, còn lại tự huy động 100% để cho vay. Như vậy, nếu cấp 2.000 tỷ đồng với tỷ lệ bù lãi suất vay 3-4% thì mỗi năm, NH có thể huy động thêm được khoảng 60.000 tỷ đồng cho người vay mua, tạo tính thanh khoản lớn cho nhà ở xã hội.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM - đánh giá, dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT 5%, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và được vay vốn ưu đãi lãi suất nên giá luôn rẻ hơn nhà ở TM. Do vậy, gói hỗ trợ trên là cơ hội lớn cho người thu nhập thấp, cán bộ, công nhân, viên chức đang khó khăn về chỗ ở.
Tìm đâu ra 4 triệu m2 sàn nhà ở xã hội?
Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2030, TP.HCM sẽ phát triển khoảng 4 triệu m2 sàn nhà ở xã hội; trong đó, giai đoạn 2021-2025 khoảng 1,8 triệu m2 sàn, giai đoạn 2026-2030 khoảng 2,2 triệu m2 sàn.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến nay, trong chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân khu công nghiệp, cả nước đã hoàn thành 207 dự án với khoảng hơn 85.810 căn và hiện đang tiếp tục triển khai 220 dự án với quy mô xây dựng khoảng 179.640 căn. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, kết quả phát triển nhà ở xã hội trên chỉ đạt khoảng 34,3% so với mục tiêu đề ra từ năm 2015 đến năm 2020 (12,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội).
|
Thiết kế bên trong một căn hộ 25m2 ở tỉnh Bình Dương |
Theo kế hoạch, giai đoạn 2016-2020, TP.HCM phát triển và quản lý 20.000 căn nhà ở xã hội, nhưng đến nay, chỉ mới hoàn thành khoảng 50% chỉ tiêu kế hoạch. Như vậy, TP.HCM sẽ làm gì để đáp ứng 4 triệu m2 sàn nhà ở xã hội cho người dân trong 10 năm tới?
Trả lời vấn đề này, một lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, các dự án nhà ở xã hội dự kiến triển khai trong thời gian tới có khả năng cung ứng khoảng 2,45 triệu m2 sàn nhà ở cho các nhóm đối tượng mua nhà ở xã hội, đáp ứng khoảng 27.574 căn nhà ở xã hội. TP.HCM sẽ đa dạng hóa các phương thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, chủ yếu sử dụng vốn ngoài ngân sách; rà soát, bố trí quỹ đất 20% trong các dự án TM trên 10ha; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển căn hộ 25m2 theo đúng quy định; ưu tiên bố trí vốn ngân sách, tạo quỹ đất sạch tại các khu vực ngoại thành dọc các trục giao thông công cộng, đặc biệt là các tuyến metro, tuyến vành đai…
Chưa tháo hết “nút thắt”
Ông Nguyễn Văn Đực - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng hội Xây dựng Việt Nam - nêu kiến nghị: phải có tiêu chuẩn riêng cho nhà ở xã hội. Hiện tất cả các thiết kế, kết cấu, điện nước, hệ thống phòng cháy chữa cháy… đều lấy theo tiêu chuẩn TM khiến giá thành bị đội lên. Thêm vào đó, cần có nhà cho thuê và trả góp. “Rất tiếc, mô hình này đã được soạn gần bảy năm mà vẫn chưa ra được nghị định, nghị quyết. Nếu không có quy định thì không có cơ sở để các doanh nghiệp thực hiện” - ông nói thêm.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đực, những điều trên mới quan trọng đối với việc phát triển nhà ở xã hội. Còn hình thức đầu tư PPP (đối tác công tư) chỉ là phương pháp thực hiện. Mỗi mô hình đều có điểm hay. Tốt nhất, Nhà nước làm hạ tầng kỹ thuật, thực hiện hết các thủ tục hành chính, duyệt mật độ, mẫu nhà, doanh nghiệp chỉ xây dựng. Thủ tục hành chính quá khó, rườm rà nên doanh nghiệp không muốn làm, nếu làm được thì họ làm dự án TM chứ không làm nhà ở xã hội.
Ông Trần Nguyên Đán - giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM - nhận định: “Nhà ở xã hội là một chương trình phúc lợi của Chính phủ chứ không phải chương trình lợi nhuận của khối tư nhân. Thông thường, ở các nước, chính phủ đứng ra làm nhà ở xã hội rồi bán hoặc cho thuê với giá rất rẻ để người có thu nhập thấp tiếp cận được, trong đó phần cho thuê là chủ yếu, nguồn vốn do ngân sách tài trợ và lãi suất cho vay rất thấp, thậm chí 0%”.
Ông nói thêm, mô hình làm nhà ở xã hội theo hình thức PPP là điểm mới nhưng khó triển khai rộng rãi được vì đây là mô hình kinh doanh phi lợi nhuận, tư nhân không thể tham gia, trừ khi người thụ hưởng và doanh nghiệp có liên quan với nhau, chẳng hạn như một doanh nghiệp có nhiều công nhân, chuyên gia và muốn người lao động của họ ổn định chỗ ở.
“Để phát triển nhà ở xã hội, cần rất nhiều chính sách hỗ trợ như dòng tiền, vốn vay, hình thức đầu tư… Bóp nhỏ diện tích căn hộ chỉ là một phần giải pháp. Với tình hình hiện nay, việc Bộ Xây dựng cho phép xây căn hộ 25m2 theo tôi chưa thể tạo ra bước đột phá về nhà ở cho người thu nhập thấp”.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoàng, chuyên gia BĐS.
|
Bích Trần