edf40wrjww2tblPage:Content
Với những vết bầm đầy cơ thể thế này, năm 2012, chị N.T.H.N. (37 tuổi, xã Tân Thới Nhì, H.Hóc Môn) mới dám ra công an tố cáo chồng đánh chứ không hề dám hé răng một sự thật: hơn 10 năm chị đã bị chồng bạo hành tình dục
Những giờ phút kinh hoàng trong phòng ngủ
Hàng xóm thường nghĩ rằng gia đình chị N.T.H., huyện Củ Chi, TP.HCM thật bình yên, hạnh phúc khi thấy vợ chồng ít xảy ra cãi vã. Thật bất ngờ, ngày nọ chị H. rời bỏ khỏi nhà, còn người chồng thì đập phá đồ đạc, la hét, rồi tu rượu ừng ực, lăn ra ngủ trên đống vật dụng vỡ vụn ấy. Mãi sau đó, câu chuyện mới dần hé lộ.
Biết chị Nguyễn Thị Phượng, công nhân xí nghiệp may Đ.Q., thị trấn Củ Chi là bạn thân của chị H., người đại diện tổ dân phố đã trao đổi, nhờ khuyên chị H. trở về để hòa giải với chồng. Trả lời vị đại diện tổ dân phố, chị Phượng trầm giọng: “Theo tôi, đừng bắt H. quay về địa ngục trần gian ấy nữa!”. Vị đại diện tổ dân phố gặng hỏi mãi, chị Phượng tiết lộ: “Từ khi lấy chồng, tròn 10 năm H. sống trong đau đớn. Chồng chị luôn đòi hỏi quan hệ tình dục bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Trước khi quan hệ, anh ta cắn khắp người vợ, đồng thời có nhiều hành vi thô bạo khác. Hành vi kỳ quặc ấy lặp đi lặp lại nhiều lần khiến H. luôn sống trong sợ hãi…
Trong ba năm đầu chung sống, người chồng ít nhiều biết việc mình làm không đúng, nhưng nhiều năm sau này, nhất là sau khi chị H. sinh con, hành vi thú tính của chồng càng nhiều hơn. Do bị BHTD, chị H. sẩy thai đến sáu lần. Lần này, biết mình vừa có thai, chị quyết định bỏ trốn để sinh con, rồi sau đó sẽ ly hôn, nuôi con một mình chứ không bao giờ trở về chung sống được nữa. Tôi nghĩ nên để H. ra đi, vì chị không thể chịu đựng được nữa”.
Chị Phượng đã đưa chị H. đến báo Phụ Nữ xin trợ giúp thủ tục đơn phương ly hôn. Khi được hỏi vì sao không tố cáo hành vi của chồng đến chính quyền địa phương, chị H. nói: “Tôi cũng đã gọi cho công an khu vực, nhưng họ nghe chuyện “bị chồng quan hệ làm đau”, thì bảo: “Chuyện vậy làm sao tôi giải quyết, mà muốn giải quyết, chị phải có bằng chứng nữa”. Nghe bạn bè hướng dẫn, tôi lấy hóa đơn thuốc, hồ sơ khám chữa bệnh những lần nằm viện vì hư thai… tìm đến chị Hội Phụ nữ. Chị cán bộ Hội dẫn tôi qua công an trình báo, mấy anh ấy kêu chồng tôi lên. Không biết ở công an anh ta trình bày ra sao, nhưng sau đó, công an khu vực lại kêu tôi nói: tại ảnh thương vợ nên mới làm vậy, rồi sau đó hứa sẽ sắp xếp một buổi cho chúng tôi hòa giải… Ra về, tôi cảm thấy xấu hổ quá, nên đành bỏ nhà ra đi. Tại sao không xử phạt hành vi bạo lực của anh ấy, mà lại đưa tôi ra tổ dân phố hòa giải? Mấy tháng nay anh ta lồng lộn đi tìm, qua nhà mẹ tôi gây sự, nhưng tôi quyết không về đâu. Tôi sống như nô lệ từ lâu rồi…”.
Tương tự hoàn cảnh chị H., chị N.T.T., ngụ xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ, TP.HCM cũng ngậm đắng nuốt cay vì bị chồng BHTD. Chị kể: “Từ sau khi đứa con thứ hai cứng cáp, tôi đi buôn bán trở lại, anh bắt đầu nghi ngờ, ghen tuông. Anh ấy theo dõi, cấm tôi đủ kiểu đã đành, tối về, anh còn đánh đập, ép buộc tôi quan hệ. Vùng kín của tôi viêm nhiễm, mấy tháng trời không dứt vì bị anh ấy hành hạ. Chịu không nổi tôi bỏ nhà đi. Anh tung tin nói tôi theo trai, hàng xóm không ít người tin anh”.
Trong khi đó, chị T.T.Y., ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM suốt 5 năm cắn răng chịu đựng BHTD. Điều đáng nói, chị Y. xin ly hôn bất thành vì “chưa trầm trọng” và “hòa giải thành”, và yêu cầu chị hãy vì các con, suy nghĩ lại. Mãi đến khi Tr., con gái đầu của chị viết đơn tố cáo cha thì chính quyền địa phương mới tích cực giúp chị Y. ly hôn.
Chị T.N.H. (Q.11) bị chồng bạo hành tình dục nhiều năm liền mà không dám kêu ai
Hình sự hóa để trị tận gốc
Thực tế cho thấy, ngày càng có nhiều nạn nhân của BHTD. Có lẽ chính vì thế, ở lần góp ý dự thảo Bộ luật Hình sự này, một trong những đề xuất của Hội LHPN Việt Nam là hình sự hóa hành vi BHTD trong quan hệ hôn nhân.
Đề xuất này thoạt đầu nghe có vẻ “lạ tai”, bởi như nhiều chuyên gia phân tích, hành vi BHTD đã có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình chế tài. Thế nhưng, thực tế, mấy ai dám lên tiếng tố cáo chồng BHTD để rồi lại bị mang vụ việc ấy ra tổ nhân dân hòa giải, hoặc… xử phạt bằng tiền (theo Nghị định 110/2009/NĐ-CP của Chính phủ).
Đã có không ít phụ nữ phải sống trong tủi nhục nhiều năm bởi người chồng bệnh hoạn. Đơn cử như chị N.T.S. ở P.Bình Hưng Hòa B, Q.Bình Tân, TP.HCM nhiều năm kêu cứu bị chồng BHTD nhưng không được giải quyết, mãi khi báo chí lên tiếng, các cơ quan chức năng mới vào cuộc và chỉ để… hòa giải.
Bà Lê Thị Thanh Nhã - Phó trưởng phòng Gia đình, Sở Văn hóa-thể thao TP.HCM, từng tham gia hòa giải việc gia đình của chị N.T.S. ở Q.Bình Tân cũng như nhiều vụ việc tương tự, chia sẻ: “Thực tế cho thấy hành vi BHTD xảy ra ngày một nhiều hơn, xâm phạm quyền lợi, nhân phẩm của phụ nữ. Có người cho rằng không nên hình sự hóa hành vi BHTD, vì người thực hiện những hành vi này là không bình thường, tức là do bị bất ổn về mặt tâm thần. Nếu bắt họ (bệnh nhân) phải chịu trách nhiệm hình sự là không hợp lý. Nhưng, đâu ai chứng minh được người có hành vi BHTD bị bệnh tâm thần. Nếu cứ để tình trạng “lửng lơ” như hiện tại là thiệt thòi cho nạn nhân, pháp luật lại không thể trị tận gốc nạn BHTD”.
Theo thạc sĩ Phan Thanh Minh - Hội Luật gia Q.3, TP.HCM, cần phải giám định tình trạng sức khỏe của những người có hành vi BHTD. Trường hợp nào phát hiện mắc bệnh thì bắt buộc chữa bệnh. Cần xem xét việc sửa đổi hoặc bổ sung các tội danh mới liên quan tới vấn đề BHTD nhằm bảo đảm thực hiện bình đẳng giới, giúp giảm thiểu tình trạng nhiều phụ nữ phải âm thầm chịu đựng nỗi đau trong thời gian dài.
NGHI ANH