Cần hành động khẩn cấp để giảm tai nạn giao thông

25/02/2025 - 06:00

PNO - “Mỗi phút, tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của hơn 2 người và làm chết gần 1,2 triệu người mỗi năm” - Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - nói.

Theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu những cái chết này do một loại vi rút gây ra, nó sẽ được gọi là đại dịch và thế giới sẽ phải chạy đua để phát triển vắc xin nhằm ngăn ngừa chúng.

Theo kế hoạch của Mục tiêu phát triển bền vững và thập niên hành động vì an toàn đường bộ của Liên hiệp quốc, thế giới đã đặt ra mục tiêu giảm một nửa số ca tử vong do tai nạn giao thông (TNGT) trên thế giới vào năm 2030. Tuy nhiên, hiện chỉ có 10 quốc gia giảm được hơn 50% số ca tử vong do TNGT; hơn 30 quốc gia đang tiệm cận với kết quả này.

“Chúng ta cần hành động khẩn cấp. Chìa khóa để đạt được mục tiêu này là quyết định thiết kế và xây dựng hệ thống giao thông dành cho con người, không phải cho phương tiện cơ giới; coi sự an toàn là ưu tiên hàng đầu trong mọi quyết định” - tổng giám đốc WHO nói.

Ấn Độ là một trong những quốc gia chú trọng các giải pháp giảm tai nạn giao thông. Năm ngoái, có khoảng 180.000 người tử vong trong các vụ tai nạn giao thông ở quốc gia này - Nguồn ảnh: EPA
Ấn Độ là một trong những quốc gia chú trọng các giải pháp giảm tai nạn giao thông. Năm ngoái, có khoảng 180.000 người tử vong trong các vụ tai nạn giao thông ở quốc gia này - Nguồn ảnh: EPA

Thế giới đang trải qua một làn sóng cơ giới hóa chưa từng có. Hơn 1 tỉ phương tiện đang lưu thông trên đường, tạo nên sự quá tải. Vì vậy, các chính sách phát triển giao thông phải tập trung vào việc di chuyển của con người, không phải xe hơi hay xe máy.

“Giao thông cũng chiếm 1/4 lượng khí thải carbon toàn cầu và gây tắc nghẽn ở các thành phố. Khi việc di chuyển trở nên an toàn và dễ tiếp cận, mọi người sẽ chọn các phương án xanh như giao thông công cộng, đi bộ và đạp xe.

Việc thiết kế các thành phố xung quanh hệ thống giao thông bền vững - với làn đường dành cho xe đạp, khu vực dành cho người đi bộ, phương tiện giao thông công cộng thuận tiện - sẽ củng cố cộng đồng bằng cách làm cho không gian đô thị an toàn hơn và đáng sống hơn. Điều này cũng sẽ cải thiện khả năng tiếp cận nhà ở đầy đủ và các dịch vụ cơ bản cho mọi người” - Jean Todt - Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hiệp quốc về an toàn giao thông - nói.

Theo WHO, an toàn giao thông sẽ thúc đẩy nền kinh tế. Tử vong do TNGT có thể khiến các quốc gia mất khoảng 3 - 5% GDP mỗi năm. Sự đảm bảo an toàn cho mọi người đến nơi làm việc, trường học, các dịch vụ thiết yếu sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển.

Giao thông an toàn, dễ tiếp cận và chi phí hợp lý cũng giúp phá vỡ rào cản đối với việc làm, giáo dục và cơ hội cho các nhóm yếu thế. Điều này giúp đảm bảo mọi người đều có thể đạt được tiềm năng của mình. Ở một số quốc gia, có tới 80% phụ nữ báo cáo bị quấy rối trên phương tiện giao thông công cộng. Vì vậy, vấn đề đảm bảo an toàn cho hành khách nữ khi tham gia giao thông cũng cần được chú trọng.

Theo Liên hiệp quốc, an toàn giao thông là công việc của mọi người và để thành công cần có sự tham gia của nhiều ngành.

“Vai trò của chính phủ là tối quan trọng. Chính phủ phải cung cấp các phương pháp tiếp cận chiến lược và phối hợp tốt, chính sách và khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ để thực thi các tiêu chuẩn an toàn và hành vi an toàn. Thực thi pháp luật và giáo dục cũng là chìa khóa. Tầm nhìn này chính là trọng tâm của kế hoạch Thập niên hành động vì an toàn giao thông đường bộ của Liên hiệp quốc giai đoạn 2021-2030” - ông Jean Todt nói thêm.

Sắp tới, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tham dự Hội nghị bộ trưởng toàn cầu lần thứ tư về an toàn đường bộ tại Maroc để đánh giá tiến độ, chia sẻ kiến ​​thức và thúc đẩy các hành động nhằm đạt mục tiêu giảm một nửa số ca tử vong do TNGT vào năm 2030.

Lệ Chi (theo WHO, Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI