Cần giữ nguyên tắc người dân sau khi đền bù có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước

21/06/2023 - 10:31

PNO - ĐBQH cho rằng, nếu bỏ đi nguyên tắc đền bù để người dân bị thu hồi đất có điều kiện, cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước, dự thảo luật sẽ là một bước lùi!

ĐBQH Nguyễn Quang Huân cho rằng, nếu bỏ nguyên tắc người dân sau đền bù có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước là bước lùi của dự thảo luật

ĐBQH Nguyễn Quang Huân cho rằng, nếu bỏ nguyên tắc người dân sau đền bù có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước là bước lùi của dự thảo luật

Sáng 21/6, Quốc hội thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi). ĐBQH Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) khẳng định Luật Đất đai là vô cùng quan trọng nên tạo được sự quan tâm với cử tri. Trong đó, ông lưu ý tới vấn đề đền bù tái định cư.

Theo tờ trình tại Kỳ họp lần này của Chính phủ, nguyên tắc đền bù cho người dân bị thu hồi đất đã bị bỏ phần “người dân sau khi đền bù có điều kiện, cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước”. ĐB cho rằng, như vậy không bám sát Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương.

Tờ trình nói bỏ vì còn nhiều ý kiến khác nhau. “Giải thích như thế là không thuyết phục. Chúng ta chưa hiểu đúng tinh thần của Nghị quyết 18. Trong đó nêu cuộc sống của người dân được nhận đền bù bằng hoặc tốt hơn trước, không có nghĩa đen là người ta phải có cái nhà to hơn, đường vào thênh thang hơn, lương cao hơn. Mà cuộc sống tốt hơn có nhiều chỉ số” - ĐB nhấn mạnh.

Để đánh giá như thế nào là đền bù bằng hoặc tốt hơn cho người bị thu hồi đất, theo ông, một trong những phương pháp phù hợp là các nhà xã hội học phỏng vấn theo mẫu. Cuộc phỏng vấn này sẽ cho thấy đánh giá người dân, có thể người dân cảm thấy ổn định hơn, con cái được đến trường… Nhiều dự án có vốn đầu tư ODA cũng đã tiến hành phỏng vấn đánh giá sự hài lòng của người dân khi thực hiện các dự án, thu hồi đất.

ĐB cho rằng, khi hiểu theo nghĩa đen, rất dễ vướng trong công tác đền bù, gặp nhiều ý kiến trái chiều là không xác định được thế nào là người dân có cuộc sống tốt hơn.

Cũng theo ĐBQH Nguyễn Quang Huân, do hiểu không đúng dẫn tới quy định tại điều 95 của dự thảo là thu hồi đất nông nghiệp sẽ đền bù bằng nhà ở. Quy định ở đây mới quan tâm thu nhập mà chưa quan tâm tới đời sống, sinh kế của người dân bị thu hồi đất. Người dân sống bằng nghề nông, khi mất đất sẽ không có công việc hàng ngày, sẽ ảnh hưởng tới xã hội. “Đến lúc nào đó họ có thể bán nhà, quy đổi thành tiền và trở thành vô gia cư… Cần hết sức lưu ý vấn đề này” - ông nói.

ĐB chỉ ra, nếu bỏ đi nguyên tắc đền bù để người dân bị thu hồi đất có điều kiện, cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước, dự thảo luật sẽ là một bước lùi!

ĐBQH nêu nhiều vấn đề mơ hồ khi xác định giá đất để hỗ trợ, bồi thường khi thu hồi

ĐBQH Trần Văn Khải nêu nhiều vấn đề "mơ hồ" về xác định giá đất để hỗ trợ, bồi thường khi thu hồi

Về xác định giá thị trường, ĐBQH Nguyễn Quang Huân cho hay, dự thảo luật chưa đưa ra được quy trình xác định giá thị trường; chưa đưa ra trình tự lập báo cáo tái định cư… khi thu hồi đất. Ông cho rằng, nếu báo cáo tái định cư lập trước thì sẽ lập được giá thị trường. Nếu để hình thành dự án rồi mới được đền bù thì sẽ phức tạp và khiếu kiện. Bên cạnh đó, cần truyền thông cho người dân, giá đền bù là giá trước khi dự án hình thành, phải quy định rõ để không lúng túng xác định giá thị trường theo giá đền bù.

Cũng liên quan tới vấn đề này, ĐBQH Trần Quang Khải (Hà Nam) nêu, các cơ sở xác định giá đất thu hồi tiệm cận với giá thị trường vẫn là điều “mơ hồ”. Giá đất thời điểm 2023 khác nhưng sang năm 2024 lại khác, xác định như thế nào để không bị thất thoát là rất khó.

Dự thảo Luật cũng quy định thông tin đầu vào để xác định giá đất theo các phương pháp định giá đất. Trong đó, nêu 5 nguồn thông tin đầu vào song theo ông “có vẻ rất rộng nhưng chưa đủ, chưa bảo đảm căn cứ xác đáng và phức tạp khi tổng hợp để xác định giá đất”.

Theo ông, muốn xác định giá đất tiệm cận thị trường thì cần phải có dữ liệu thị trường tin cậy, hệ thống thu thập cơ sở dữ liệu thông tin về giá đất thị trường đồng bộ trên cơ sở quy định pháp lý cụ thể. Khi có cơ sở dữ liệu bảo đảm tính pháp lý sẽ xác định giá đúng, từ đó bồi thường thiệt hại đúng, thu tiền sử dụng đất đúng, hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Bảo đảm công khai, minh bạch, không gây thất thoát nguồn lực từ đất đai và tránh được rủi do cho cán bộ thực hiện.

ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu các quy định liên quan đến thông tin đầu vào để xác định giá đất, bổ sung các quy định nhằm số hóa đất đai đầu vào để thu thập dữ liệu về biến động thị trường, cập nhật thường xuyên hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ, hiệu quả, tin cậy về các giao dịch trên loại đất, thửa đất nói chung và thị trường quyền sử dụng đất nói riêng trên phạm vi cả nước.

Dự thảo Luật hiện có 4 phương pháp xác định giá đất. “Tôi cho rằng dự thảo Luật càng quy định nhiều phương pháp định giá đất, thì lại càng khó áp dụng. Nếu áp dụng 4 phương pháp này để xác định giá cho cùng một thửa đất sẽ ra 4 giá khác nhau. Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể hơn tại dự thảo Luật về phương pháp xác định giá đất, nguyên tắc xác định giá đất để Quốc hội thảo luận và cho ý kiến, giúp minh bạch về vấn đề này” - ĐB phát biểu tại nghị trường Quốc hội.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI