Cần Giờ trước giờ đón bão

03/11/2017 - 09:01

PNO - Đến chiều 2/11, huyện Cần Giờ, TP.HCM đã bắt đầu triển khai các phương án chống bão số 12. Hầu hết tàu, thuyền đã về nơi trú ẩn an toàn, hàng trăm căn nhà được chằng chống để phóng tránh bão.

Dự kiến, khi xảy ra bão, H. Cần Giờ sẽ sơ tán hơn 6.000 người và huy động 1.600 người tham gia phòng chống bão.

Can Gio truóc giò dón bao
Người dân H. Cần Giờ chằng chống nhà cửa để tránh bão số 12

Lên phương án sơ tán hơn 6.000 người

Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực dành cho tàu, thuyền neo đậu tránh bão ở thị trấn Cần Thạnh, có 93 phương tiện đang trú ẩn. Các chủ phương tiện đã chuẩn bị kế hoạch phòng tránh bão theo kế hoạch của địa phương, 100% chủ tàu đều cam kết sẽ không ra khơi trong bão.

Ông Nguyễn Văn Lành - 45 tuổi, ngụ tại thị trần Cần Thạnh - cho biết: “Ngày 1/11, nghe thông tin có bão trên biển Đông, chúng tôi đã chủ động cho thuyền vào bến neo đậu. Hôm nay, chúng tôi đã chuyển vật dụng từ tàu lên bờ. Từ hôm nay, chúng tôi sẽ cử người thay phiên canh giữ tàu, nhưng bão đến, sẽ tuyệt đối không còn để ai lại trên tàu”.

Phía trong đất liền, chính quyền thị trấn Cần Thạnh đã triển khai chằng chống 12/225 căn nhà trên địa bàn để người dân sẵn sàng đón bão. Ông Võ Thanh Thảo - Phó chủ tịch UBND thị trấn Cần Thạnh - cho biết: “Ngày 3/11, địa phương sẽ tiếp tục vận động người dân chằng chống nhà cửa, đồng thời sẽ cử lực lượng hỗ trợ người dân. Bắt đầu từ tối 2/11, UBND thị trấn Cần Thạnh sẽ cử lực lượng trực 24/24 để phòng chống bão”.

Can Gio truóc giò dón bao
Chị Nguyễn Thị Trúc Nhi: “Tôi chỉ mong thảm kịch đừng lập lại”

Tại xã đảo Thạnh An, đến chiều 2/11, công tác phòng chống bão diễn ra rất khẩn trương. Chính quyền địa phương đã triển khai lực lượng giúp người dân phòng tránh bão. Ông Đoàn Thanh Điệp - Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm hiếm cứu nạn H. Cần Giờ - nói: “Xã Thạnh An có khả năng bị ảnh hưởng nặng nhất trong bão nên công tác phòng chống bão ở đây rất được chú trọng. Đến chiều 2/11, xã Thạnh An đã chằng chống được 12/34 căn nhà. Dự kiến, khi có bão lớn đổ bộ, H. Cần Giờ sẽ tổ chức di dời 822 người trên xã đảo này”.

Ông Huỳnh Anh Tuấn - Chủ tịch xã đảo Thạnh An - cho hay, để ứng phó với bão, chính quyền địa phương đã thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” và các phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động trên biển. Đến chiều 2/11, đã có 333 tàu thuyền, trong đó có 20 chiếc hoạt động xa bờ vào nơi tránh trú an toàn, 13 chiếc cũng đang trên đường vào bờ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo ghi nhận của phóng viên, chiều 2/11, các lực lượng của xã đảo Thạnh An đã hỗ trợ gia cố 16 chòi canh nuôi hàu và cá bè của ngư dân. Đài phát thanh xã cũng liên tục phát các thông tin về cơn bão số 12 để người dân địa phương nắm bắt.

Ông Lê Minh Dũng - Chủ tịch UBND H. Cần Giờ - cho biết, huyện này đã hoàn tất các phương án đối phó với bão số 12: cử gần 1.600 cán bộ, chiến sĩ lực lượng công an, quân đội… túc trực 24/24 giờ để chủ động đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra, đồng thời cũng đã có phương án di dời hơn 6.000 người dân. Khi có tình huống xấu xảy ra, các phương tiện sẽ được huy động để sơ tán người dân về nơi an toàn.

Can Gio truóc giò dón bao
 

“Các công trình, trường học, trụ sở UBND kiên cố cùng với các nhu yếu phẩm cũng đã được chuẩn bị để có phương án di dời dân tránh trú bão” - ông Dũng cho biết. Đến chiều tối 2/11, toàn huyện Cần Giờ đã chằng chống được hơn 300 căn nhà để người dân yên tâm đón bão. Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương - 63 tuổi, ngụ tại thị trấn Cần Thạnh - khẳng định: “Nếu có lệnh di dời, tôi sẽ sẵn sàng thực hiện”.

TP.HCM cấm tàu thuyền ra khơi

Ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM - cho biết, TP.HCM có tổng cộng 836 tàu thuyền hoạt động trên biển được kêu gọi quay về bờ tránh áp thấp nhiệt đới. Tính thời điểm hiện tại, còn 9 chiếc thuyền hoạt động ngoài khơi, đang di chuyển về Bến Tre, đảo Thổ Chu (Kiên Giang) và H. Cần Giờ (TP.HCM) để tránh bão.

Chiều 2/11, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM vừa có công điện khẩn cấm tàu thuyền ra khơi hoạt động đánh bắt thủy sản; cấm phương tiện đò ngang, đò dọc, tàu du lịch, tàu cánh ngầm, tàu nhà hàng xuất bến hoạt động. 
 

Không được lơ là phòng tránh bão

Tại cuộc họp với 24 quận huyện, sở ngành về các phương án phòng tránh áp thấp, bão vào sáng 2/11, ông Lê Thanh Liêm - Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM  - nhấn mạnh, lãnh đạo các địa phương phải khẩn trương có phương án “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng” ứng phó với bão kết hợp với triều cường cao, không được chủ quan, lơ là. TP.HCM có 10 triệu dân, địa thế hết sức trọng yếu, nếu bão vào thì thiệt hại rất nghiêm trọng. 

TP.HCM nguy cơ triều cường dâng cao trong bão

Ông Lê Đình Quyết (Đài Khí tượng thủy văn Khu vực Nam bộ) cho biết, cùng với bão số 12, trong những ngày tới, mực nước triều ở các trạm vùng cửa sông khu vực Nam bộ sẽ lên nhanh. Đỉnh triều cao nhất trong đợt này xuất hiện vào các ngày 6 và 7/11 (ngày 18 và 19/9 âm lịch). Tại TP.HCM, triều cường có thể lên tới 1,67 - 1,68m trong ba ngày tới.

Hoàng Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI