PNO - Với thực tế nghề nghiệp và trình độ của đa số người dân huyện Cần Giờ hiện nay, nếu không làm tốt chính sách giáo dục, đào tạo nghề nghiệp, họ rất dễ bị bỏ lại phía sau trong tiến trình đi lên của vùng đất này.
Theo định hướng phát triển của UBND TPHCM, Cần Giờ trong tương lai sẽ là khu đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TPHCM - cho rằng, các đề án phát triển kinh tế Cần Giờ phải lấy hơn 75.000 người dân địa phương ở đây làm trung tâm, hướng đến việc nâng cao đời sống của cư dân tại chỗ.
Theo ông, nếu xét về chất lượng bãi biển và nước biển thì Cần Giờ khó so sánh với Vũng Tàu, Long Hải, Bình Châu của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng Cần Giờ có lợi thế rất lớn về du lịch sinh thái, cộng đồng, du lịch về nguồn, gắn với hệ thiên nhiên đa dạng và lợi thế nằm cạnh trung tâm TPHCM. Do đó, cần định hướng phát triển Cần Giờ theo hướng du lịch độc đáo, động viên toàn dân làm du lịch như cách của Thái Lan.
Ở Cần Giờ, nếu chỉ cho vài doanh nghiệp đầu tư khu du lịch, mở tour tham quan thì người dân địa phương hầu như không được hưởng lợi gì. Do đó, UBND H.Cần Giờ nên có kế hoạch tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ dân làm du lịch. Để thu hút du khách, chính quyền cần có chiến lược bài bản, đầu tư phục hồi các công trình kiến trúc đặc sắc miền Đông Nam bộ, phát triển các sản phẩm du lịch riêng biệt gắn liền đặc trưng sông nước, thu hút đầu tư những khu nghỉ dưỡng sinh thái quy mô lớn, như xây dựng các loại nhà rường chữ đinh, chữ khẩu, chữ công, bao quanh là vườn cây trái xanh mát, đường đi quanh co và đưa vào làm du lịch homestay, còn người dân trở thành ông chủ, bà chủ các homestay, farmstay, khách sạn mini miệt vườn…
Nuôi tôm công nghệ ở ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An - Ảnh: P.T.
“Chúng ta có thể học Dubai - nơi không có tài nguyên thiên nhiên mà chỉ toàn cát và sa mạc. Họ đã biến chính các hạn chế của mình thành những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, như ngắm mặt trời lặn trên sa mạc, đi xe địa hình trên cát… Thay vì ngồi trông đợi du khách biết đến mình, chính quyền huyện Cần Giờ cần chủ động, với sự tiếp sức của chính quyền, các sở ngành chức năng TPHCM xúc tiến chiến lược quảng bá du lịch cộng đồng đến với du khách trong nước và quốc tế. Để thu hút người địa phương làm du lịch, chúng ta phải có chính sách hỗ trợ hẳn hoi, không nên nói miệng chung chung” - ông Nguyễn Minh Hòa góp ý.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Với hơn 50% diện tích là đất nông nghiệp, trên 85% hộ dân sản xuất nông - ngư nghiệp, nhiều gia đình ở huyện Cần Giờ làm nông qua nhiều thế hệ và gần như không biết đến một nghề nào khác. Theo đề án đang được xây dựng, Cần Giờ sẽ phát triển lên thành phố trong giai đoạn 2025 - 2030.
Ông Nguyễn Minh Hòa cho rằng, trong quá trình phát triển Cần Giờ, cần hướng tới việc giữ lại sinh kế cho nông dân, nhất là ở những khu vực xa xôi, chưa phát triển như xã đảo Thạnh An. Không nên quy hoạch một khu vực dân trí thấp, thu nhập thấp trở thành khu đô thị mà trong đó không còn một người dân nào của địa phương có thể tiếp tục cuộc sống của họ.
Đề xuất tổ chức chợ đêm thu hút khách du lịch
Mới đây, UBND huyện Cần Giờ đề xuất tổ chức chợ đêm chuyên bán thủy, hải sản nhằm phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá đặc trưng của huyện, góp phần tiêu thụ nông sản cho người dân và kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Hiện nay, phần lớn khách du lịch đến Cần Giờ chơi trong ngày rồi về, số khách lưu trú ban đêm chỉ chiếm khoảng 3 - 4%. Theo đề xuất, chợ đêm Cần Giờ sẽ hoạt động từ 16 - 23g các ngày cuối tuần, dịp lễ, tết, đáp ứng yêu cầu “ba không”: không “chặt, chém”, không chèo kéo, không hàng rong, vé số, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất này nhưng cho rằng, phải đầu tư đồng bộ chuỗi dịch vụ đi kèm như khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng cùng các hoạt động mua sắm, giải trí để phục vụ khách ở lại qua đêm chứ không đơn thuần mở một chợ hoạt động vào ban đêm.
Theo ông, chúng ta cứ mặc định làm nông nghiệp là nghèo và để phát triển thì cần đô thị hóa mà lẽ ra, có thể nghĩ cách làm cho huyện ngoại thành trở thành vùng sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao, nông dân hiện đại và nông thôn mới. Nếu đầu tư tốt thì nông nghiệp ở các huyện ngoại thành TPHCM, trong đó có huyện Cần Giờ, mang lại giá trị rất lớn và đời sống của người làm nông cũng được cải thiện đáng kể.
Thời gian qua, bên cạnh việc phát triển một số mô hình cây trồng theo chuẩn an toàn VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế như xoài cát, nhiều nông dân Cần Giờ cũng mở rộng việc ứng dụng công nghệ cao vào nuôi trồng thủy sản (tôm, hàu, ốc hương), mô hình nuôi chim yến.
Theo UBND huyện Cần Giờ, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện là nhân rộng các mô hình sản xuất kết hợp kỹ thuật nuôi trồng tiên tiến để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.Theo ông Nguyễn Minh Hòa, nông dân làm nông nghiệp công nghệ cao thành công chỉ là thiểu số ở H.Cần Giờ. Đối tượng cần giúp đỡ nhất là phần đông nông dân chưa có kiến thức, kinh nghiệm, vốn tích trữ.
Đừng đánh mất một Cần Giờ rất riêng
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, kiến trúc sư - tiến sĩ khoa học Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, khác với các khu đô thị biển thông thường, Cần Giờ có vai trò đặc biệt quan trọng về môi trường sinh thái, về giao thông đường sông và đường biển, về an ninh quốc phòng đối với TPHCM và miền Đông Nam bộ. Việc khai thác tiềm năng kinh tế biển của Cần Giờ phải hài hòa giữa xây dựng đô thị mới với bảo tồn sinh thái, giữa phát triển du lịch với xây dựng cảng biển nước sâu.
Về các luồng ý kiến chưa nhất quán (một bên muốn tập trung vào bảo tồn và một bên muốn tận dụng lợi thế mặt tiền biển để phát triển Cần Giờ thành đô thị biển tầm cỡ khu vực với cảng biển là trung tâm), ông Nam Sơn cho rằng, không nên nghiêng hẳn về một phương án nào mà cần có sự dung hòa giữa bảo tồn và phát triển. Việc xây dựng cảng biển tại Cần Giờ là cần thiết, khai thác được lợi thế 23km mặt tiền biển, nhưng không nên kỳ vọng xây dựng một cảng biển tầm cỡ quốc tế, vượt xa cả cảng Thị Vải - Cái Mép trong tương lai, bởi Cần Giờ có những điểm yếu của nó.
Chưa kể, hạ tầng kết nối vùng trực tiếp vào cảng biển ở Cần Giờ khó thực hiện do phải bảo vệ rừng phòng hộ. Trong toàn chuỗi đô thị vịnh biển, hai cụm cảng Thị Vải - Cái Mép và cụm cảng Hiệp Phước - Long An có vị trí chiến lược để phát triển cảng biển lớn, thuận lợi hơn nhiều so với Cần Giờ. Do đó, cảng Cần Giờ nên được xây dựng với quy mô vừa phải, là cảng biển trung chuyển.
Theo ông Nam Sơn, cần đặt việc phát triển Cần Giờ trong tổng thể phát triển bền vững của Nam bộ và cả nước. Cần Giờ và vùng giáp biển được cảnh báo là một trong mười khu vực có nguy cơ bị thiệt hại cao nhất thế giới do biến đổi khí hậu, mà nguyên nhân chính là do tập trung dân cư cao ở vùng đất thấp. Việc tăng tỷ lệ bê tông hóa vùng đất thấp ngập nước và mức khai thác nước ngầm để sử dụng sẽ làm tăng nguy cơ ngập lụt và xâm nhập mặn sâu hơn vào đất liền. Việc thu hút thêm dân về vùng đất thấp thay vì chọn giãn dân lên vùng đất cao có thể tạo gánh nặng lớn lên ngân sách trong tương lai, khi phải nâng nền đô thị và công trình hạ tầng, xây đê biển bao quanh để xử lý về sau.
“Để phát triển bền vững, chúng ta nên tập trung vào lợi thế mà vùng đất đang sở hữu - đó là giá trị sinh thái, di sản văn hóa lịch sử - để hình thành đô thị du lịch biển sinh thái chứ không nên đặt lên vai Cần Giờ một trách nhiệm quá lớn là phải trở thành khu vực trọng tâm đô thị hóa để phát triển kinh tế biển của TP.HCM. Cần Giờ nên phát triển theo cấu trúc không gian đô thị sinh thái ở giữa và hai nhánh đô thị cảng biển hình cánh cung mở ra hai bên. Việc phát triển đô thị du lịch sinh thái biển Cần Giờ xứng tầm là bài toán của thành phố, cùng sự đóng góp của các chuyên gia đầu ngành chứ cấp độ huyện không đảm đương nổi” - ông Nam Sơn đề xuất.
Về đề án phát triển Cần Giờ lên thành phố, ông Nam Sơn nhận xét, quy định hiện nay phân chia đô thị cào bằng theo hạng (hạng đặc biệt và từ hạng 1 xuống hạng 5) dựa vào các chỉ tiêu về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính, loại đô thị và cơ cấu trình độ phát triển kinh tế, xã hội… mà không có quy chuẩn hay khái niệm rõ ràng về các loại đô thị với tính chất khác nhau. Điều này dẫn đến quy hoạch đô thị biển bằng “tư duy đồng bằng, miền núi” và dễ làm mất đi các giá trị đặc thù, đô thị mới thì nhiều nhưng đô thị đáng sống, có bản sắc riêng ngày càng ít đi, đô thị có đầy đủ các giá trị tự nhiên, sinh thái như Cần Giờ lại càng quý và hiếm. Do vậy, nên có cơ chế phát triển riêng cho Cần Giờ. Về lâu dài, nên có định hướng phát triển đô thị dựa trên các đặc thù về điều kiện tự nhiên, trình độ dân cư để phát huy cao nhất thế mạnh của từng vùng đất.