Cần Giờ, giờ cần gì? - Bài 1: Những phận người neo nhờ con nước

03/03/2022 - 06:29

PNO - Qua phà Bình Khánh, đi gần 40km đường bộ và vượt thêm hai chặng đường biển, chúng tôi tới ấp Thiềng Liềng, xã đảo Thạnh An - nơi xa xôi nhất của H.Cần Giờ. So với chục năm trước, trên hòn đảo nhỏ này đã có thêm những ngôi nhà xây khang trang, nhưng lẫn trong đó vẫn còn không ít túp lều lụp xụp, xiêu vẹo như chính cuộc sống tạm bợ của nhiều người dân nơi đây.

Hôm nay ăn gì?

Ấp Thiềng Liềng chỉ có khoảng 200 hộ dân. Ngoại trừ một số gia đình có điều kiện nuôi tôm theo công nghệ hiện đại, đầu tư cánh đồng muối, đa số hộ còn lại vẫn phải đi làm thuê, mò bắt hải sản nhỏ lẻ. Dọc con đường nhỏ chạy quanh khu dân cư, thỉnh thoảng, chúng tôi bắt gặp những người đàn ông, phụ nữ dáng vẻ lam lũ, những bé thơ với đôi mắt ngơ ngác - những người cả đời chưa từng bước chân ra khỏi đảo. Họ thường bắt đầu ngày mới với câu hỏi “Hôm nay ăn gì?” và ngả lưng xuống giường khi đã mệt nhoài sau một ngày cực nhọc mưu sinh.

Anh Phạm Thanh Phong - ở tổ 41, ấp Thiềng Liềng - tiếp chúng tôi với khuôn mặt bơ phờ, đôi mắt đỏ ngầu sau nhiều đêm thức trắng mò tôm, cá. Nơi anh gọi là nhà thực ra là khoảng trống giữa hai căn nhà khác, được dựng tạm bằng vài cột kèo, lợp ít lá, rồi đi xin chỗ này chỗ kia mấy chiếc ghế cũ, tủ nát, trải tấm chiếu, giăng cái mùng. Vợ anh làm công nhân may ở H.Bình Chánh, mỗi năm chỉ về thăm nhà vài lần, lương cũng chỉ đủ để thuê nhà trọ, chi tiêu cá nhân. Thế nên, gánh nặng nuôi hai đứa con nhỏ đổ dồn lên vai anh. Mới ngoài 30 tuổi nhưng trông anh già hơn tuổi bởi vẻ mặt khắc khổ, da đen sạm, chân tay gân guốc, sứt sẹo. 

Anh Phong kể, mùa nắng, anh tranh thủ đi đẩy muối thuê bằng xe rùa (xe cút kít). Một chuyến xe nặng tầm một tạ, mỗi buổi đẩy cả trăm chuyến nhưng anh chỉ kiếm được 100.000 - 200.000 đồng. Bữa nào kiếm được hơn 200.000 đồng thì bữa cơm có thêm ít cá mắm, ba cha con đều thấy hân hoan. “Nhưng không phải ngày nào cũng có người thuê đẩy muối. Có những đợt muối chưa kết tủa, mấy ngày trời không ai thuê, lại đói” - anh nói.

Những tháng mưa, anh Phong vào rừng mò tôm, bắt cá. Chỉ vào những vết sẹo chằng chịt trên bắp chân, anh kể, vẫn thường bị đá, mảnh sành cắt vào chân. Những người bắt hải sản nhỏ lẻ như anh chưa từng biết đến giờ giấc sinh hoạt, bởi tất cả trông chờ vào con nước: nước lên sớm thì chiều chiều bắt đầu đi, hôm nào nước lên trễ thì lặn lội từ nửa đêm đến tận sáng. Hôm nào may mắn, anh kiếm được 100.000 - 200.000 đồng, hôm nào xui thì về tay không. Mỗi tháng, chỉ có hai lần con nước lên, mỗi đợt chỉ kéo dài vài ngày nên mấy anh em trên đảo phải tranh thủ, “không ai dám đau bệnh trong mấy ngày này”. Cuộc sống của họ neo nhờ từng con nước, bấp bênh, sống nay biết nay.

Sau nhiều năm kỳ vọng, Cần Giờ vẫn chưa phát triển đúng tiềm năng vốn có ẢNH: SƠN VINH
Sau nhiều năm kỳ vọng, Cần Giờ vẫn chưa phát triển đúng tiềm năng vốn có ẢNH: SƠN VINH

Cũng ở tổ 41, gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ Vân có thu nhập ổn hơn nhờ chị mở sạp buôn bán rau củ, mỗi tháng bán tốt cũng được vài ba triệu đồng. Chồng chị làm đủ nghề như đẩy muối thuê, mò nghêu sò, vào rừng tìm tổ ong, chở hàng thuê, bốc vác… Thế nhưng, bao nhiêu tiền kiếm được cũng phải lo chạy chữa cho đứa con trai lớn 12 tuổi bị chậm phát triển trí tuệ, động kinh. 

Chị Mỹ Vân kể, có đợt con bị lên cơn liên tục, cứ vài ngày, chị phải gác hết việc, đưa con đến khám ở Bệnh viện Nhi Đồng 2. Mỗi lần đi khám, mẹ con chị phải qua mấy chặng đò, phà, đến tối khuya mới về được đến nhà, mệt nhoài. Hai bé còn lại của chị, đứa ba tuổi, đứa năm tuổi, thường loanh quanh chơi với nhau trong căn lều tạm bợ do chị thuê của người quen với giá 500.000 đồng/tháng. Chúng chưa từng được biết đến đồ chơi hay quần áo mới mà chỉ ngong ngóng bữa ăn có thêm miếng cá, miếng thịt.

Cái nghèo đeo bám ba thế hệ

Đa số người mà chúng tôi tiếp xúc ở ấp Thiềng Liềng đều bỏ học từ rất sớm để mưu sinh. Vợ chồng Lê Xuân Hùng - Hồ Thị Lệ Hằng cũng bỏ học từ lớp Ba, lớp Bốn để kiếm tiền phụ gia đình. Đời cha mẹ họ cũng vậy, chưa ai học quá lớp Năm. Như một vòng tròn lặp lại, đến thế hệ con họ, đứa con trai lớn 13 tuổi cũng vừa bỏ học, phụ cha mò tôm bắt cá bởi “nghèo quá, nuôi không nổi”. 
 

Cái nghèo đeo đẳng nhiều thế hệ và cái bụng luôn đói khiến họ cảm thấy học hành như một thứ xa xỉ. “Nhiều khi cũng muốn động viên con đi học nhưng cơm còn chưa no mà học hành gì, rồi thằng con thấy nhà thiếu thốn cũng muốn nghỉ học phụ cha mẹ kiếm tiền” - anh Hùng cảm thán. Anh bảo, đa phần trẻ em ở Thiềng Liềng học cao lắm cũng đến lớp Năm là nghỉ, bởi đảo chỉ mới có trường tiểu học, từ lớp Sáu, phải đi thuyền qua ấp khác, chi phí học cũng cao hơn. Chỉ vào căn nhà vách lá, mái lá, mấy cây cột nhỏ yếu ớt chằng dây tạm bợ, anh bảo, mỗi đợt gió lớn là cả nhà ôm nhau ra ngoài đường đứng vì sợ nhà sập. Khổ nhất khi trời mưa, nhà dột tứ phía. 

Dân cư ở hai ấp còn lại của xã Thạnh An có đời sống khá hơn, nhưng vẫn còn không ít hộ khó khăn. Gia đình anh Lê Văn Bé - ở ấp Thạnh Hòa - cũng vừa cho đứa con gái lớn nghỉ khi bé học đến lớp Tám. Anh nói, nhà ba đứa con, chỉ ráng cho hai đứa nhỏ đi học được thôi, còn đứa lớn càng học lên cao thì tiền học, tiền sách vở càng nhiều, anh chị không lo nổi. Ngày xưa, cha mẹ anh nghỉ học sớm, đi đánh bắt hải sản, bẻ củi khô bán. Khi học đến lớp Bảy, anh cũng nghỉ học để phụ gia đình, rồi giờ con anh cũng nghỉ sớm, theo bà ngoại bán hàng rong, kiếm 30.000 - 40.000 đồng/ngày, góp vào bữa ăn gia đình. Cả nhà năm người chen chúc trong căn nhà tuềnh toàng, cũ nát, không đủ che mưa nắng.
 

Anh Phạm Thanh Phong cùng con trai nhỏ trước túp lều được dựng tạm bợ ở khoảng đất nằm giữa hai căn nhà
Anh Phạm Thanh Phong cùng con trai nhỏ trước túp lều được dựng tạm bợ ở khoảng đất nằm giữa hai căn nhà

Những đứa trẻ ở đây hầu như chưa một lần được đi đâu ra khỏi “ốc đảo” này. Cô bé Nguyễn Huỳnh Giao - mười tuổi, ở ấp Thiềng Liềng - hồn nhiên khoe: “Mẹ hứa khi nào con lớn, sẽ cho đi Sài Gòn chơi. Nghe nói Sài Gòn đẹp lắm, nhiều nhà, nhiều xe hơn ở đây phải không cô?”. Còn cô bé Lê Thị Kim Xinh - bảy tuổi, ở tổ 2, ấp Thạnh Hòa - thì ngơ ngác khi nghe tôi hỏi “lớn lên, con ước làm nghề gì”. Dường như những gì em biết, em thấy hằng ngày không đủ để em nhận biết rằng cuộc sống ngoài kia có nhiều lựa chọn cho tương lai, ngoài việc đàn ông thì mò cua bắt cá, đẩy muối, phụ nữ thì làm nội trợ hoặc làm thuê.

Những năm qua, Cần Giờ đã đạt được nhiều bước phát triển, trở thành huyện nông thôn mới, đời sống người dân dần đi lên, bộ mặt nhiều ấp, xã được “thay da đổi thịt” nhưng phần nhiều gia đình, nhất là ở những vùng xa xôi cách trở như xã đảo Thạnh An, vẫn cặm cụi với công cuộc mưu sinh tự phát, lao động thuần về chân tay, nhỏ lẻ, may nhờ rủi chịu, phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Họ vẫn chưa được trang bị đủ kiến thức để có thể khai thác tốt tiềm năng trên mảnh đất mà họ gắn bó bao đời, để thoát ra khỏi sự chật vật về miếng ăn thường nhật để có thể nuôi dưỡng cho thế hệ con cháu họ những hạt mầm của tri thức, của khát khao vượt ra khỏi cái nghèo, cái đói đã đeo đẳng bao đời. 

Lối vào nhà của anh Lê Văn Bé (ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh An) ngập ngụa nước, rác mỗi khi triều lên
Lối vào nhà của anh Lê Văn Bé (ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh An) ngập ngụa nước, rác mỗi khi triều lên

* Kỳ tới: Giao thông mở đường cho phát triển

Cần Giờ nằm phía đông nam TPHCM, diện tích tự nhiên hơn 71.000ha, chiếm 1/3 tổng diện tích thành phố. Đây là nơi có đời sống kinh tế khó khăn, xuất phát điểm thấp nhất của thành phố, vào năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn 12 triệu đồng/người/năm chiếm gần 44%. Theo báo cáo của UBND H.Cần Giờ, sau hơn mười năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2020, H.Cần Giờ không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn quốc gia 16 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo theo chuẩn 21 triệu đồng/người/năm của TPHCM. Tháng 4/2021, Chính phủ công nhận H.Cần Giờ đạt chuẩn nông thôn mới.

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI