Cần Giờ, đâu chỉ có gió...

16/05/2016 - 19:20

PNO - Cần Giờ đã bừng sáng nhưng vẫn cần sự quan tâm đầu tư xây cầu Bình Khánh, nâng cấp đường giao thông nông thôn, đẩy nhanh tiến độ dự án lấn biển...

Tôi đứng trên bờ kè ngã ba sông Đồng Tranh, gió chiều mát rượi. Ghe cá về. Người lớn con nít túa ra, mỗi người một tay chuyền những trạc cá tươi, lấp lánh ánh bạc, chạy tất bật vào con ngõ hẹp sát bờ. Các chị kể, một buổi lao động thường ngày của họ là như vậy…

Những câu chuyện tình người

Chị Đỗ Ngọc Hường, Phó ban nhân dân ấp Đồng Tranh dẫn tôi đi một vòng những con hẻm nhỏ dọc bờ sông, hẻm nào cũng có năm bảy nhóm phụ nữ tay thoăn thoắt làm cá, miệng rôm rả chuyện chồng con, giá cả thị trường, chuyện nắng mưa, thời tiết… Chị Hường cho biết: “Những con khô cá đù, cá dứa đặc sản của Cần Giờ hầu hết xuất phát từ đây. Nhờ những con khô ấy mà nhiều hộ làm giàu, còn tạo được công ăn việc làm cho nhiều chị em, giúp dân Long Hòa thoát nghèo”.

Can Gio, dau chi co gio...
Chị em ấp Đồng Tranh làm cá

Chúng tôi ghé thăm nhà chị Nguyễn Thị Trang ở số 60/1 ấp Đồng Tranh, cô chủ tiệm bách hóa hảo tâm đã tặng hàng trăm góc học tập cho trẻ em nghèo Cần Giờ suốt 20 năm qua. Chị Trang bẽn lẽn kể: “Hồi xưa, vì nghèo quá, mới lớp 4 tôi đã phải nghỉ học, theo mẹ qua Vũng Tàu lặt đầu cá mướn. Gặp anh Vui đồng cảnh ngộ, thương rồi cưới nhau. Từ hồi còn nghèo khó đi bán trái cây tụi tui đã hứa sẽ ráng nuôi con ăn học đàng hoàng. Nếu con mình ổn thì giúp mấy đứa nhỏ nghèo đi học”.

Hai mươi năm nay, anh chị giữ đúng lời hứa đó, năm nào vào dịp đầu năm học cũng mua tập vở, cặp sách để tặng học trò nghèo. Năm 2000, vợ chồng chị Trang thôi bán trái cây, chuyển qua kinh doanh bách hóa, nội thất. Thấy những đứa trẻ nghèo cứ thèm thuồng nhìn chiếc bàn học tiện dụng cho trẻ em, chị Trang bàn với chồng, chuyển sang tặng góc học tập thay vì tập sách. Anh Vui gật đầu ngay. Từ sự đồng thuận của vợ chồng chị, nhiều đứa trẻ nghèo ở Cần Giờ đã có góc học tập mới, tinh tươm.

Chị Trang chia sẻ: “Việc làm nhỏ của vợ chồng tôi vậy chứ cũng có ích lắm. Trong xã này có mấy nhà đưa được cả hai chị em vào đại học. Có những đứa nhỏ, ngày ngày theo mẹ lặt đầu cá, làm khô, nhưng cũng ráng học hành. Ngày tốt nghiệp cấp III, chúng cầm tấm bằng phổ thông, tìm tới tôi khoe. Thấy lũ nhóc lăn lóc với cá, tôm giống mình năm nào giờ có lối vào đời sáng sủa, mừng cho chúng lắm!”.

Cách nhà chị Trang hơn trăm bước chân, ở đầu chợ Đồng Tranh, cứ mỗi ngày Chủ nhật cuối tháng là rộn ràng bữa ăn ngon cho các cụ già tại quán cà phê của anh Tư Thành. Cũng giống tất cả những bữa ăn ngon cho người già mà Hội LHPN H.Cần Giờ phát động ở bảy xã, thị trấn, gồm một suất mặn, tráng miệng và nước uống do những chị em, gia đình trong ấp Đồng Tranh đóng góp, nhưng ở đây sôi động hơn vì có sự tham gia của tất cả các hàng quán ăn tại chợ.

Chị Lê Thị Đẹp, ở tổ 11, ấp Xóm Vườn, người “chủ xị” những bữa ăn ngon này hơn 18 năm qua cho biết: “Ban đầu chúng tôi cũng tổ chức nấu bữa ăn ngon, nhưng rồi xóm chợ, người buôn bán, người làm thuê… bận bịu quá. Tôi vận động người dân ủng hộ phương thức tổ chức bữa ăn mới, đến ngày họp mặt, các cụ ai thích ăn gì thì gọi món nấy, các hàng quán trong chợ đồng loạt phục vụ”. Theo chị Đẹp, nhờ tham gia bữa ăn cho người già, các hộ buôn bán cũng ý thức hơn việc giữ vệ sinh an toàn thực phẩm, ai cũng muốn chung tay vì việc tốt đẹp của địa phương.

Can Gio, dau chi co gio...
Những đứa trẻ bên bờ Đồng Tranh

Mặn muối, xanh rừng, ngọt ngào cây trái

Anh Hưng, một trong hơn 40 tài xế của nghiệp đoàn xe ôm ở Cần Giờ chở tôi đi một vòng Cần Thạnh, kể: “Mấy năm nay huyện chú trọng phát triển du lịch, xe ôm vào hết nghiệp đoàn, làm ăn quy củ lắm”. Nghe anh nói mới hiểu vì sao lúc tôi ghé đón xe, các anh ở trạm không tranh giành chở mà dáo dác chạy tìm: “Nó đâu rồi, tới tài mà sao mất biến”, còn quay qua bảo khách thông cảm chờ Hưng. Ngồi sau xe, tôi nghe anh khoe về những điểm đến du lịch ở Cần Giờ như khu du lịch sinh thái Nhạn Trắng, Hòn ngọc Phương Nam… “Nếu chị rảnh, tôi chở chị đi thăm thêm mấy xã ngoài kia coi dân mình làm tôm, giữ rừng phòng hộ”.

Tôi nhớ lại chuyến đi vào Vàm Sát, đường Lý Nhơn san sát những vuông tôm, ruộng muối. Bên những rặng đước xanh rì tôi đã từng được “tay bắt mặt mừng” với hàng chục tỷ phú nông dân giàu lên nhờ cật lực với tôm, với muối và với cả những con dê - sản vật mới của Cần Giờ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI