Cần giáo dục cả các quan chức về cúng bái, chùa chiền

17/02/2019 - 07:47

PNO - Biến tướng văn hóa tín ngưỡng, cho đến hôm nay, sau nhiều văn bản, thông điệp tuyên truyền vẫn ì ạch trong vũng bùn mang danh đức tin rằng 'có thờ có thiêng, có kiêng có lành'.

Mùa lễ hội đã bắt đầu, năm nay, sự việc không khác với những giành giật, chen lấn, cướp lộc... Chưa kể, nhiều điểm chùa chặn cửa bán vé, nhiều khu du lịch tâm linh đẩy mạnh việc thu lợi từ niềm tin của người dân. 

Xung quanh vấn đề này, Báo Phụ Nữ TP.HCM có cuộc trao đổi ngắn với PGS.TS Phan An - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ.

Phóng viên: Cứ đến mùa lễ hội hàng năm, câu chuyện buồn về bức tranh văn hóa không đẹp lại được nhắc, nếu gọi đây là bi kịch thì theo ông, có phải?

PGS.TS Phan An: Thời gian vừa qua, báo chí và truyền thông có nói đến việc tranh cướp các vật hiến tế, giành giật, xô xát nhau bên trong các lễ hội và một số hiện tượng như kẹp tiền, xoa tiền vào tay Phật, tượng Phật... được dư luận quan tâm. Hiện tượng này xảy ra trong nhiều năm nay, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần và Nhà nước đã can thiệp. Ví dụ, việc xin ấn đền Trần và một số lễ hội có những hoạt động phản cảm như thiến heo, đâm trâu... nhưng đâu lại vào đấy, tái đi tái lại những chuyện cũ đã bàn. 

Can giao duc ca cac quan chuc ve cung bai, chua chien
PGS.TS Phan An - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ

Nhiều người nhìn thấy và cho rằng đó là biểu hiện của sự suy đồi đạo đức, tha hóa văn hóa nhưng tôi thì không tán thành hoàn toàn. Những từ ngữ sử dụng trong trường hợp này cần được nhìn nhận một cách khách quan, khoa học.

Nhiều người đang nhìn ở góc độ bi quan, họ thấy sự việc như thế và dùng từ bi kịch, đó là góc nhìn của họ. Trong giới khoa học, chúng tôi tôn trọng nhau nhưng tôi cho rằng nếu nhìn vấn đề như thế thì chưa toàn bộ. Đừng nên nhìn sự việc quá bi quan và hốt hoảng, rồi cho rằng hư hỏng nhân cách, suy đồi đạo đức mà phải nhìn khách quan hơn ở những mặt được và chưa được. Nhìn vào cái chưa được để khắc phục nhưng quan trọng, mình cũng phải nhìn vào cái được để phát huy.

* Nhưng ông nhìn vào đâu để đừng thấy bi quan?

-  Người Việt Nam, khi đời sống vật chất khá hơn thì con người quan tâm đến đời sống tinh thần, tâm linh. Dân tộc Việt có truyền thống tốt đẹp, nhân văn nhưng theo thời gian, văn hóa ấy có những biến đổi cùng sự phát triển của thời đại. Nếu dùng từ biến tướng, tôi nghĩ là đúng cho một số hoạt động văn hóa.

Mọi sự phát triển đều có 2 mặt, tiêu cực và tích cực. Nhất là khi cuộc sống rơi vào bất an thì người ta cần đến một chỗ dựa tâm linh nên đi chùa nhiều để cầu, cúng. Ví dụ những người đang làm công việc bấp bênh như lái xe hay làm quan, vô tình sự khẩn cầu của họ chốn thờ tự trở nên phản cảm. Việc xin ấn dền Trần hay xin lộc không có gì là xấu, nhưng xin trong sự cuồng tín, hối lộ Phật nhằm vụ lợi cá nhân thì đó là xấu.

* Đó là điều ai cũng nhìn thấy dù đã có văn bản chỉ đạo, theo ông, có phải chúng ta đang chỉ quan tâm đến phần ngọn nên nhiều năm qua không giải quyết được?

- Chúng ta đã có những văn bản nhưng dường như, chúng chưa xuất phát từ thực tế, chỉ mới dừng ở phần ngọn, ở những rối ren, lộn xộn trước mắt và ra lệnh cấm để ngăn chặn bớt đi. Đền Trần cũng phát ấn nhưng phát bằng cách khác và phát ít hơn là một trong những hướng xử lý. Tôi cho rằng việc ngăn cấm cũng là một cách làm nhưng chưa phải biện pháp căn cơ và những người thực thi các văn bản này, hình như họ chưa nhiệt tình lắm hoặc không hiểu biết về văn hoá.

Can giao duc ca cac quan chuc ve cung bai, chua chien
Ảnh: Nam Nguyễn

Vấn đề quan trọng là giáo dục. Giáo dục cho thế hệ trẻ để hiểu được cái hay của văn hoá Việt Nam và đời sống tinh thần biểu hiện sao cho đúng. Đương nhiên, nếu đi từ giáo dục thì buộc phải có thời gian dài, không thể thực hiện và đòi hiệu quả ngay.

* Nếu nhắc đến giáo dục thì chính quan chức – lực lượng thường thấy tại các lễ hội, cũng cần được giáo dục, ông nghĩ như thế nào?

- Chỗ nào có quan chức thì chỗ đó đông đảo vì người dân xem quan chức là những mẫu mực, họ nhìn thấy ông quan tới xin thì nghĩ ngay nơi này hiệu quả và cũng đổ xô đến khấn lạy. Điều này cũng dễ hiểu.

Vừa qua có lệnh cấm quan chức đến đền chùa, lễ hội xin lộc, khấn công danh trong giờ hành chính, tôi thấy đó là một giải pháp nhưng cũng sẽ chưa triệt để vì nhiều năm rồi, chúng ta đã áp dụng. Nếu giáo dục thế hệ trẻ, cần giáo dục luôn cho quan chức vì tôi đã gặp nhiều quan chức và thấy họ không hiểu biết gì về văn hoá Việt Nam nhưng vẫn hay nói về văn hoá.   

* Có nhiều nhà nghiên cứu văn hoá cho rằng tình trạng lộn xộn trong lễ hội là vì dân tộc ta có một thời kỳ "mồ côi" tâm linh nên về sau, người dân trở nên sùng bái, có phải như vậy không, thưa ông?

- Thời gian trước đổi mới ở miền Bắc, do những ấu trĩ trong nhận thức, người ta cho rằng việc thờ cúng tại đền, chùa là mê tín dị đoan nên bài trừ. Những đền chùa biến thành hợp tác xã và người ta cũng bỏ đi việc cúng kiếng trong gia đình. Giai đoạn đó, tôi cho rằng không phù hợp với văn hoá Việt Nam nhưng hiện nay không còn tình trạng như thế nữa thì mình không nên nhắc nhiều.

Chúng ta chỉ cần biết rằng, đã từng có thời gian lễ hội bị xem là mê tín dị đoan, nhưng càng về sau, lễ hội làm phong phú hơn đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Con người nhờ các hoạt động cộng đồng như thế mà sống cởi mở, thoải mái và vui hơn trong tinh thần.

Can giao duc ca cac quan chuc ve cung bai, chua chien
Tranh giành, cướp lộc vẫn diễn ra hàng năm.

* Một số văn bản được đưa ra và nhiều lễ hội đã được "gọt" để phù hợp hơn, theo ông, điều đó có làm mất đi tính nguyên bản của lễ hội?

- Tôi ví dụ bằng những lễ hội có hoạt động đâm trâu, chém lợn. Đây là một trong các nghi thức văn hoá nằm trong các lễ hội thời kỳ trước còn được duy trì đến ngày nay. Người ta cúng những con vật còn sống, gọi là hiến sinh cho các vị thần linh.

Tuy nhiên, văn hoá không thể giữ nguyên trong quá trình phát triển mà phải có thay đổi. Với những hình thức đâm trâu, chém lợn theo thời gian, tôi nghĩ sẽ mất nhưng trong quá trình biến mất, người ta đang giảm nó từ từ như việc mổ lợn trong rạp hoặc làm một hành động nào đó tượng trưng để bớt phản cảm. Đó là một trong những cách khắc phục nhưng sau này, khi lớp trẻ lớn lên, những lễ hội như thế sẽ mất dần.

Việc mất đi là tất yếu vì có những yếu tố không phù hợp thì theo thời gian không thể giữ nguyên. Đơn cử như ăn trầu, ngày xưa “miếng trầu là đầu câu chuyện” thì bây giờ, đâu còn nhiều người ăn trầu nữa?

* Năm nay, một vấn đề nhức nhối là việc chặn cửa chùa để thu phí và cụm từ "thương mại tâm linh" xuất hiện, có phải đã đến lúc không thể chỉ nói bằng lời, quan điểm của ông?

- Tết năm nay tôi có đi 2 chùa và thấy được những hiện tượng thương mại hoá, kinh doanh tôn giáo. Họ lợi dụng tôn giáo để kiếm tiền. Có một số nơi bán vé vào cổng chùa, tôi thấy như thế không được. Trong tôn giáo, cổng chùa quy định không được đóng lại mà phải mở để phật tử, người dân đến nên việc đóng cổng thu tiền là làm bậy. Chưa kể, việc kinh doanh bên trong chùa, nhiều món hàng là phi văn hoá.

Trước đây, việc đi lễ chùa là một nét văn hoá. Kể cả những người không theo đạo Phật cũng có thể đi chùa. Họ đến chùa để tìm sự yên tĩnh, tìm sự chia sẻ. Thường mồng Một tết, người ta lên chùa để cúng Phật. Cúng Phật ở đây được hiểu là hành động tỏ lòng kính trọng, biết ơn Đức Phật đã phù hộ độ trì trong một năm qua. Họ không phải cầu xin nhiều điều như bây giờ.

Can giao duc ca cac quan chuc ve cung bai, chua chien
Trong dịp đầu năm mới, việc đốt vàng mã dù được nhắc đến nhiều lần nhưng vẫn không cải thiện tình trạng đốt quá nhiều, thậm chí nhiều người đổ tiền triệu vào vàng mã.

* Một bộ phận người dân mộng mị trong đức tin của bản thân và cho đó là việc "có thờ có thiêng, có kiêng có lành", như câu chuyện đốt vàng mã, cho đến nay, không chỉ nhà, xe mà đến cả bikini cũng được hoá vàng...

- Đốt vàng mã là hiện tượng đã có từ lâu, với quan niệm dương sao thì âm vậy. Có người hiện nay đổ cả vài triệu đồng mua nhà, xe, điện thoại, thẻ ATM giấy... để đốt. Họ lấy tiền bạc thật đi đổi vật chất ảo chỉ với niềm tin người dưới địa phủ cũng được đủ đầy nhưng niềm tin này đặt không đúng chỗ. Tôi cho việc làm đó hơi vớ vẩn, là biểu hiện của sự cuồng tín. Đốt vàng mã vừa lãng phí vừa ô nhiễm, chưa kể hiện tượng đốt dây chuyền khi thấy nhà khác đốt nhiều, nhà bên cạnh cũng đốt theo.

Năm nay, nhiều sư thầy phản đối việc đốt quá nhiều vàng mã, quá nhiều hương tại chùa, tôi cho đó là việc làm tích cực. Có thể, hành động từ chính những người tu tập, hành đạo sẽ thuyết phục, tác động mạnh hơn. Ngay trong những chuyến đi về chùa của tôi, khi ngồi cùng các thầy, mọi người đều nói rằng không ai ủng hộ việc đốt/rải vàng mã và trong tôn giáo, lòng thành mới quan trọng.

* Mấu chốt để chấm dứt tình trạng này, theo ông, là gì?

- Vấn đề kiểm soát của nhà nước và chính quyền, làm thế nào để quản lý được lễ hội từ gốc rễ của vấn đề, không hô hào cho có. Thứ hai, là ý thức của người dân về lễ hội. Đặc biệt với những người thương mại hoá lễ hội, biến lễ hội thành nơi trục lợi phải được xử lý. Phải khẳng định, sẽ rất khó để chấm dứt được tình trạng lộn xộn trong ngày một, ngày hai nhưng như tôi đã nói, nên nhìn vào toàn bộ vấn đề, nếu chỉ phiến diện ở phần ngọn và vội vàng đưa ra hướng xử lý thì điều đó không hiệu quả, thậm chí bức tử văn hoá.

* Xin cảm ơn ông!

Diễm Mi (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI