Cần 'giải phóng' phụ nữ khỏi gian bếp

23/06/2015 - 08:32

PNO - PN - Sáng 19/6, tại trụ sở Hội LHPN TP.HCM, bà Trương Mỹ Hoa (nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước) và bà Phạm Phương Thảo (nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM) đã chia sẻ kinh nghiệm phát huy vai...

edf40wrjww2tblPage:Content

Những niềm riêng khó nói

Bà Trương Mỹ Hoa bày tỏ: “Trong bộ máy Trung ương, tỷ lệ cán bộ nữ đang theo chiều hướng sụt giảm. Hiện ở Bộ Chính trị chỉ đạt 15% nữ, ở Quốc hội có nhiệm kỳ đạt được 27,4% nhưng hiện chỉ còn 14%. TP.HCM là đơn vị có tỷ lệ nữ giữ vị trí chủ chốt cao nhất, nhưng vẫn chưa như mong muốn. Những người làm công tác nhân sự đã thể hiện hết sự quan tâm với cán bộ nữ hay chưa? Tự thân mỗi cán bộ nữ đã phấn đấu hết mình? Giải quyết được hai mặt này, công tác cán bộ nữ sẽ đạt kết quả tốt”.

Vướng bận gia đình là một trong những rào cản lớn của cán bộ nữ. Nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa kể: “Khi còn làm bí thư Q.Tân Bình, tôi được điều động ra Trung ương giữ nhiệm vụ Phó chủ tịch Hội LHPN VN. Nhìn hai con mới 10 tuổi và 4 tuổi, lòng tôi hoang mang quá đỗi. Mẹ tôi hỏi: “Giờ muốn xin cho con được ở lại, mẹ phải đi gặp ai?”. Tôi đã thuyết phục mẹ rằng, Đảng đã phân công, mình không nên chối từ, mẹ cũng là đảng viên, chắc mẹ hiểu rõ tinh thần đó”.

Vậy là bà Mỹ Hoa “kinh lý” khi trong lòng ngổn ngang. Bà nghẹn ngào kể lại những chuyện “chỉ đàn bà mới hiểu”: “Ở Hà Nội, tôi cứ nhìn trẻ nhỏ chơi đùa mà nhớ hai con da diết, thấy đứa trẻ nào gặp tai nạn hay chỉ là phong phanh áo, tôi cũng biên thư dặn dò con. Tôi nhớ như in những ngày về Sài Gòn công tác, tôi đốt đèn bắt chí cho con trong niềm rưng rưng của một người mẹ, thức suốt đêm để vá cho con từng chiếc quần”.

Can 'giai phong' phu nu khoi gian bep

Bà Trương Mỹ Hoa (nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch nước - giữa) và bà Phạm Phương Thảo (nguyên Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM - bìa trái) chia sẻ về công tác cán bộ nữ

Ngoài vướng víu gia đình, phụ nữ còn có những cái khó “rất đàn bà”, như lời bà Phạm Phương Thảo: “Cũng 24 giờ một ngày, nhưng dường như lúc nào phụ nữ cũng cảm thấy thiếu thời gian hơn đàn ông, vì những việc không tên. Ngoài việc chăm sóc nhà cửa, con cái, bếp núc, chị em còn tốn thời gian cho những việc lặt vặt khác.

Ví như chuyện làm đẹp chẳng hạn. Ngày trước tôi cũng tốn khá nhiều thời gian để chăm chút bề ngoài, nhưng sau đó buộc phải chọn cách làm đẹp tối giản để dành thời gian cho công việc. Người ta nói “trang điểm ba phút là thành hề”, nhưng vì quá bận rộn, sau này tôi thường xuyên “trang điểm ba phút”, dù xuất hiện trước đám đông hay trên truyền hình. Tất nhiên là tôi đã học cách trang điểm thật nhanh nhưng không... thành hề”.

Vì thiếu thời gian nên bà Phương Thảo cũng chủ động sắp xếp công việc để tranh thủ tối đa việc có mặt bên gia đình. “Sẽ có nhiều buổi tiệc tùng, gặp mặt. Ai cũng “ham vui” nhưng một người phụ nữ cần biết tự giới hạn, phải biết từ chối những dịp vui bên ngoài để về hưởng niềm hạnh phúc giản dị, đơn sơ của gia đình, bên chồng con” - bà bộc bạch.

“Có thể không đi nhanh, nhưng phải đi liên tục”

Theo bà Phương Thảo, ai đó nói cán bộ nữ phải nỗ lực gần như gấp đôi cán bộ nam là có lý, bởi riêng việc chăm chút cho gia đình đã khiến chị em tiêu hao hết 50% năng lượng rồi. Và, chính trị cũng có sự bình đẳng, không bao giờ có chuyện là cán bộ nữ thì được ưu ái. Vì vậy, để ngày càng có nhiều cán bộ nữ giữ vị trí chủ chốt, tự thân mỗi phụ nữ phải học tập, trau dồi, nâng cao trình độ liên tục. Tôi nghĩ, phụ nữ có thể không cần đi nhanh, nhưng phải đi liên tục để đạt được mục tiêu.

Bà Trương Mỹ Hoa hóm hỉnh: “Có người nói vui rằng: “Giỏi việc nhà - lơ là việc nước, giỏi việc nước - đoảng việc nhà”. Là nói vui, nhưng cũng có cái đúng. Theo tôi, khó có thể bắt phụ nữ chu toàn việc nước mà hoàn toàn đảm đang việc nhà. Để cán bộ nữ hoàn thành tốt nhiệm vụ, chắc chắn phải cần người chồng hỗ trợ tối đa về việc nhà. Hiện nay phụ nữ VN vẫn còn “trần mình” trong gian bếp quá nhiều. Để cán bộ nữ phát huy được năng lực, nhất thiết phải “giải phóng” họ khỏi gian bếp”.

Cũng theo vị nguyên Phó chủ tịch nước, nhiều chị hiểu rằng, phụ nữ phải tự tin lên, tự tin hơn nữa mới giữ được trọng trách ngoài xã hội. Nhưng phải có gì mới làm “vốn” tự tin được? Đó trước hết là trình độ. Mà muốn có trình độ cao thì phải trải qua quá trình học tập dài và liên tục. Đàn ông cần vào bếp nhiều hơn để phụ nữ có thể rời gian bếp mà đi học. Có như vậy, công tác cán bộ nữ mới phát triển thực chất, phụ nữ mới được tham gia thực thụ chứ không phải “làm tròn” tỷ lệ cho có.

 TRẦN TRIỀU

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI