Cần giải pháp tổng thể cho thị trường lao động

14/11/2023 - 06:47

PNO - Các dự báo cho thấy, hoạt động tuyển dụng cuối năm có dấu hiệu khởi sắc, nhưng so với những năm trước đây thì vẫn rất trầm lắng. Những công việc cần tuyển dụng lao động cuối năm thường chỉ có tính thời vụ nên chưa thể nói là thị trường lao động đã hồi phục. Thêm nữa, nhu cầu tuyển người làm thời vụ vẫn thấp hơn mọi năm do các phố thời trang, phố dịch vụ ế ẩm.

Các doanh nghiệp mới thành lập đa phần không tuyển đủ lượng lao động đã đăng ký, thậm chí có doanh nghiệp chỉ hoạt động vài tháng là giải thể. Các doanh nghiệp đang hoạt động thì gặp khó khăn về đơn hàng xuất khẩu nên đang cần giảm bớt nhân công, tinh gọn bộ máy sản xuất. Theo khảo sát mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, 70% doanh nghiệp đang thiếu đơn hàng mới, lượng hàng tồn kho vẫn tăng 30%, đơn hàng xuất khẩu ở TPHCM 10 tháng đầu năm giảm hơn 13% so với cùng kỳ năm 2022. Do đó, doanh nghiệp phải lo tìm cách tồn tại với số lượng lao động đang có.

Trước thực tế này, theo tôi, cần tìm cách hỗ trợ người lao động thông qua các giải pháp kinh tế vĩ mô. 

Thứ nhất, phải kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, làm cho các dịch vụ thương mại hoạt động và sử dụng nhân lực nhiều hơn. Thời gian qua, TPHCM tổ chức nhiều hội chợ hàng tiêu dùng nhưng đó không phải là kích cầu tiêu dùng mà chỉ là hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng, nên sức mua hàng hóa vẫn yếu. 

Kích cầu tiêu dùng đúng nghĩa là phải tạo ra sức mua thật mạnh bằng cách nâng cao thu nhập của công nhân để họ có tiền chi tiêu; giảm sâu giá hàng hóa thông qua giảm sâu thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 5%, thậm chí còn 0% (hiện đang là 8%) trong thời gian dài; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ (nguồn vốn từ ngân hàng chính sách xã hội, triển khai lại chương trình kích cầu đầu tư đã ngừng lại 2 năm qua) để giảm chi phí sản xuất. Điểm vướng ở đây là các thủ tục vay vốn còn quá rườm rà. 

Thứ hai, cần hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thông tin, đơn hàng, chuyển đổi sản xuất cho phù hợp nhu cầu các nước để có được đơn hàng mới. Đơn hàng gối đầu cuối năm nay cho đến đầu năm 2024 rất quan trọng, nếu không đủ thì kinh tế sẽ còn ảm đạm hơn. 

Thứ ba, TPHCM cần đẩy mạnh đầu tư công để tạo công ăn việc làm cho người lao động. Nhưng việc giải ngân nguồn vốn này còn quá chậm, ở riêng TPHCM lẫn cả nước. Năm 2023, TPHCM được phân bổ 70.000 tỉ đồng cho vốn đầu tư công (từ ngân sách trung ương và địa phương), nhưng tới cuối tháng 10/2023, chỉ giải ngân được 36%. 

Thứ tư, cần khơi thông điểm nghẽn bất động sản. Lực lượng lao động ở lĩnh vực xây dựng, trang trí nội thất và môi giới bất động sản từng rất đông. Việc thị trường bất động sản ấm lên sẽ góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, tăng sức mua sắm hàng hóa. Hiện lĩnh vực bất động sản đang mắc điểm nghẽn lớn là thủ tục hành chính, kéo theo khó khăn ở dòng tiền. Dự án bị treo thì doanh nghiệp vừa không trả nợ được trái phiếu đã huy động, lãi suất vay mua nhà lại bủa vây người dân, làm cho tài chính người dân càng cạn kiệt. Quốc hội nên sớm có chủ trương rà soát tổng thể, ban ngành nghị quyết để giải quyết khó khăn này bởi điểm nghẽn thủ tục chủ yếu liên quan đến Luật Đất đai, Luật Đầu tư.

Một điểm sáng le lói là Quốc hội đang bàn việc tăng lương cho khối công chức. Đây sẽ là nguồn tiền giúp người dân gia tăng chi tiêu, mua sắm. Để không lặp lại tình trạng vừa tăng lương không bao nhiêu thì công chức lại lo đóng thuế thu nhập cá nhân, phí bảo hiểm xã hội, đảng phí, đoàn phí, cần phải nhanh chóng sửa luật theo hướng nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người làm công ăn lương. 

Luật sư Phạm Ngọc Hưng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI