Cần giải pháp mạnh mẽ để phát triển kinh tế TPHCM

21/09/2024 - 07:25

PNO - Diễn đàn kinh tế TPHCM năm 2024 (HEF 2024) dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 24 - 27/9 với sự tham gia, đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước. Lãnh đạo UBND TPHCM cho biết kỳ vọng ở diễn đàn này, các chuyên gia sẽ đề xuất những giải pháp cụ thể, mạnh mẽ để phát triển kinh tế thành phố.

"Không thể nói chung chung nữa"

Trong hội nghị lấy ý kiến về định hướng phát triển kinh tế, xã hội TPHCM diễn ra cuối tháng 8/2024, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM - cho hay, theo Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị, đến năm 2030, tăng trưởng kinh tế TPHCM phải đạt 8,5 - 9%/năm và sau năm 2030 phải tăng trưởng 2 con số.

Ông nói: “Tôi muốn nghe các góp ý, hiến kế từ các chuyên gia xem chúng ta sẽ thực hiện các mục tiêu đó như thế nào, cách giải quyết những vấn đề của kinh tế TPHCM ra sao, thành phố cần giải quyết những trọng tâm nào về thể chế, môi trường, chính sách điều hành, cần cơ chế gì để huy động các nguồn lực”. Ông cũng gợi ý rằng, với Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội, chính quyền TPHCM tận dụng thời cơ như thế nào để chuyển hóa thành giá trị hiện thực; cần những giải pháp gì để cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế, phát huy hiệu quả vai trò của các doanh nghiệp?

Theo các chuyên gia kinh tế, TPHCM cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng giao thông, trong đó có việc hoàn thành xây dựng 183km đường sắt đô thị - ẢNH: NGUYÊN MẠNH
Theo các chuyên gia kinh tế, TPHCM cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng giao thông, trong đó có việc hoàn thành xây dựng 183km đường sắt đô thị - Ảnh: Nguyên Mạnh

Tiến sĩ Trần Du Lịch - Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia - cho rằng, định hướng phát triển TPHCM đã có, quy hoạch thành phố cũng đã có, đã trình và đang chờ Chính phủ phê duyệt. Theo Nghị quyết 31-NQ/TW ngày 30/12/2022 của Bộ Chính trị (về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045), đến năm 2030, tăng trưởng bình quân của TPHCM phải đạt khoảng 8 - 8,5%/năm, GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD. Nếu đạt được mức này, thành phố sẽ thoát được bẫy thu nhập trung bình.

Ông Phan Văn Mãi cho biết, để thực hiện kế hoạch phát triển TPHCM giai đoạn 2021-2026, cần 4,4 triệu tỉ đồng từ ngân sách để đầu tư, trung bình mỗi năm cần khoảng 800.000-900.000 tỉ đồng. Thực tế, từng có giai đoạn, ngân sách thành phố bỏ ra 1 đồng đầu tư thì thu lại được 9 đồng từ đầu tư xã hội. Hiện nay, tỉ lệ này đã thấp hơn, 1 đồng chỉ thu được khoảng 5,5 đồng.
“Tuy nhiên, nguồn vốn từ đâu, cơ chế và chính sách nào, nâng cao năng suất trong công nghiệp như thế nào, gia tăng giá trị kiểu gì? Theo quy hoạch, năm 2023, tỉ lệ công nghiệp đóng góp 27% cho kinh tế thành phố chứ không phải 18% như hiện nay. Do đó, lúc này, chúng ta không thể nói chung chung nữa” - ông Phan Văn Mãi bày tỏ.

“Những bàn luận từ các tổ chức quốc tế khiến chúng ta phải suy nghĩ. Họ cho rằng, Việt Nam nói về cách mạng 4.0 rầm rộ nhất, chuyển đổi số cũng rầm rộ nhất, liên tục đón tiếp lãnh đạo các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới nhưng sau đó thì Tập đoàn Nvidia lại chọn đầu tư ở Indonesia, Ấn Độ, còn Intel thì qua Ba Lan”.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM

Không thể xem nhẹ công nghiệp

Theo tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam - nhìn trong tổng thể kinh tế vùng Đông Nam Bộ hay so với các thành phố trong khu vực Đông Nam Á thì năng lực cạnh tranh, vị thế của TPHCM đang bị xói mòn. Trong 2 thập niên qua, đóng góp về GDP, về tỉ trọng ngân sách và nhất là về xuất khẩu của TPHCM đều sụt giảm.

Ông nói, nếu như 5 năm trước, khu vực Đông Nam Bộ đóng góp hơn 50% tổng xuất khẩu cả nước, bây giờ chỉ còn 1/3. Trong khi đó, tỉ lệ này của khu vực đồng bằng sông Hồng hiện nay là 53%. TPHCM càng không cho thấy năng lực cạnh tranh với các đô thị như Kuala Lumpur (Malaysia), Bangkok (Thái Lan). Mô hình tăng trưởng (bao gồm cả môi trường, xã hội) của TPHCM không còn nhiều động lực nữa, nghĩa là kinh tế đã chạm tới ngưỡng của sự phát triển. Cấu trúc kinh tế TPHCM đang thể hiện rõ dấu hiệu suy giảm về sản xuất công nghiệp. Tỉ trọng sản xuất công nghiệp chỉ chiếm khoảng 24% trong tổng GDP của thành phố. Trong lý thuyết kinh tế, tình trạng này được gọi là “giải công nghiệp hóa sớm”.

Cũng theo tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, khi TPHCM đặt mục tiêu giúp cả nước vượt ra khỏi bẫy thu nhập trung bình thì công nghiệp phải là mặt trận hàng đầu. Nhưng bị “giải công nghiệp hóa sớm”, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại. Dịch vụ và thương mại rất quan trọng trong kinh tế, nhưng những nền tảng này của TPHCM chưa đủ vững chắc để đưa kinh tế đến giai đoạn phát triển mới. Do đó, TPHCM phải chú trọng lĩnh vực công nghiệp.

Theo ông Nguyễn Khắc Hoàng - Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM - năng suất lao động của TPHCM những năm gần đây có xu hướng giảm, trong khi muốn vượt bẫy thu nhập trung bình, phải tăng năng suất lao động. Ngoài ra, hiệu quả vốn đầu tư cũng có xu hướng giảm. Do đó, cần đánh giá lại tính hiệu quả của vốn đầu tư - một trong những nguyên nhân kéo giảm thu nhập bình quân đầu người của TPHCM.

Tiến sĩ Trần Du Lịch còn chỉ ra hàng loạt vấn đề, như lãnh đạo TPHCM từ lâu đã đặt mục tiêu tham gia vào các công đoạn trong chuỗi giá trị cao toàn cầu nhưng nay vẫn chưa làm được gì; chất lượng nền hành chính chưa bắt kịp yêu cầu phát triển mới; các công trình được triển khai chậm… Theo ông, trong 5 năm tới, TPHCM cần tận dụng lợi thế về ổn định chính trị và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để thu hút đầu tư, kích thích tăng trưởng. Thành phố cũng cần tập trung chỉnh trang và phát triển đô thị, xử lý toàn bộ nhà ở trên và ven kênh rạch, đồng thời đề xuất cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, trọng tâm là xây dựng 183km đường sắt đô thị, hoàn thiện thể chế quản lý hướng tới mô hình chính quyền đô thị hiệu lực, hiệu quả.

Công nghệ là trung tâm của mô hình phát triển

Trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế của các nước lớn trên thế giới, Việt Nam có những thuận lợi rất cơ bản, đặc biệt là TPHCM lại ở trung tâm của sự thuận lợi đó. Bất kỳ một mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế mới nào cũng đều phải dựa vào công nghệ. Do đó, công nghệ phải nằm ở trung tâm của mô hình phát triển mới của TPHCM.

Trong công nghệ, có 3 phương diện rất quan trọng: các công nghệ có tính đột phá mới như trí tuệ nhân tạo (AI); các dạng vật liệu mới; năng lượng. Hầu hết nhà đầu tư nước ngoài mà chúng tôi tiếp xúc có chung lo lắng về những khía cạnh này của TPHCM. Khi nói về tăng trưởng kinh tế, để TPHCM định vị lại như một đô thị toàn cầu thì không thể thiếu một đặc trưng cơ bản là các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu. Chúng ta không thể không có các doanh nghiệp (DN) hàng đầu, cũng không thể không có các “ông lớn” về công nghệ hàng đầu. Đến nay, TPHCM vẫn đang thiếu cả 3 phương diện. Do đó, cần xác định trong giai đoạn 2026-2030, phải có được các DN dẫn đầu ở cả 3 phương diện đó.

5-10 năm tới, AI sẽ thay đổi diện mạo kinh tế thế giới. AI sẽ thay đổi cả về giáo dục, y tế, thương mại, tài chính, logistics… Do đó, chính quyền TPHCM cần có chiến lược mạch lạc về AI. Chiến lược đó có thể là một bộ phận được tích hợp vào chiến lực chung của thành phố trong giai đoạn tới, hoặc có thể là một đề án riêng.

TPHCM cũng cần có chiến lược ngoại giao tập đoàn, tức là có chính sách tiếp cận trực tiếp, có chủ đích các tập đoàn lớn trên thế giới, kéo họ đến đầu tư. Các tập đoàn sẽ giữ vai trò dẫn dắt hệ sinh thái phát triển công nghệ, đầu tư của TPHCM. Về chính sách phát triển DN, TPHCM có điểm mạnh là tỉ trọng đầu tư của tư nhân cao hơn hẳn so với các địa phương khác trong cả nước. Do đó, cần nâng đỡ, bồi dưỡng khu vực đầu tư này, biến thành động lực tăng trưởng kinh tế mới. Trong phát triển dịch vụ, thương mại, cần nhắm đến các DN vừa bởi đây mới là những DN có thể kết nối được vào chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu, là những DN đủ khả năng đầu tư về công nghệ, tài chính và con người để thực sự đổi mới, sáng tạo.

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI