Tìm xem còn có nguyên nhân nào khác nữa không?
Khi cán bộ nghỉ việc nhiều, điều quan trọng là phải tìm ra nguyên nhân để có giải pháp phù hợp. Thu nhập thấp, áp lực công việc nặng nề, cơ hội thăng tiến ít… là những lý do ta thường nghe. Nhưng liệu có còn những lý do khác không? Chẳng hạn như tính dân chủ, môi trường làm việc, quan hệ trong công việc?
Hiện tại, mỗi cán bộ phải làm rất nhiều việc, trách nhiệm rất lớn. Chúng ta luôn có những người nổi bật, xuất sắc ở mỗi lĩnh vực, đơn vị, nhưng để đánh giá đúng và trao cơ hội cho họ thì lại đang có vấn đề. Tôi từng biết có bốn vị phó giám đốc sở xin nghỉ việc dù họ rất có năng lực. Lý do họ đưa ra là sức khỏe và gia đình, nhưng trong sâu xa họ có tâm tư. Đều là những người có kiến thức, chuyên môn, năng lực, làm cấp phó tới lúc đáng lẽ được thăng tiến thì cấp trên lại điều người khác về. Chúng ta chưa có thang đánh giá năng lực của cán bộ một cách khoa học, việc đánh giá còn nặng về định tính, nhẹ về định lượng.
|
Cán bộ xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TPHCM tiếp dân từ 7g30 đến 17g30 hằng ngày và sau đó phải làm thêm giờ thì mới giải quyết hết những công việc mà họ đang phụ trách - Ảnh: Sơn Vinh |
Cường độ làm việc của cán bộ ở TPHCM cao gấp 2,7 lần so với các tỉnh, thành. Lâu nay, việc áp dụng Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội (về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM) đã tốt chưa, còn chỗ nào chưa vận dụng? Thành phố cần nghiên cứu kỹ nghị quyết này để phát huy tối đa. Thành phố cũng cần triệt để áp dụng công nghệ thông tin để giải phóng sức lao động. Muốn thế, phải có hạ tầng cơ sở và nâng cao trình độ của cán bộ.
Ngoài ra, Quốc hội, Chính phủ cần nâng tỷ lệ để lại ngân sách cho TPHCM hoặc có nhiều chính sách đặc thù để TP.HCM có nguồn lực đầu tư cho công tác cán bộ.
Tiến sĩ Diệp Văn Sơn - nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan thường trực phía Nam, Bộ Nội vụ
Giảm người chứ không giảm việc
Phường tôi đang công tác có hơn 30.000 dân. Ngoài công tác chuyên môn, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của UBND phường phải kiêm nhiệm nhiều việc.
Ai cũng muốn làm việc thật tốt, cống hiến hết mình và gắn bó lâu dài, nhưng họ cũng cần có cơ hội phát triển, cần mức lương đủ sống. Ấy vậy mà nhiều cán bộ không chuyên trách của phường xã hiện không có chế độ và không có gì đảm bảo để họ yên tâm làm việc.
Nghị định 34/2019 của Chính phủ yêu cầu giảm người chứ không giảm việc nên cán bộ phải làm thêm giờ mới xử lý hết phần việc của mình. Trước đây, cấp phường có cán bộ chuyên trách công tác giảm nghèo, quản lý người sau cai nghiện, nhưng sau này, những công việc này đều phải kiêm nhiệm.
Việc tinh giản người theo Nghị định 34/2019 nhằm phục vụ cho quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin. Nhưng hiện nay, chúng ta chưa có dữ liệu quốc gia thống nhất và đang xây dựng dữ liệu gốc, trong khi nhân lực đã bị cắt. Cấp cơ sở rất khó khăn để xây dựng dữ liệu gốc đó. Đó là chưa kể, thực tế có rất nhiều công việc không tên, chiếm nhiều thời gian và công sức.
Cấp cơ sở hiện cần trang thiết bị tốt, hiện đại, để dễ dàng kết nối thông tin phục vụ hiệu quả hơn cho công việc của họ; cần bảo đảm thu nhập để người lao động đủ sống, thậm chí có dư để phòng khi ốm đau, bệnh tật. Cán bộ không chuyên trách rất cần có chính sách để yên tâm phần nào khi nghỉ hưu. Hiện nay, nhiều cán bộ khi về hưu chỉ nhận được hơn 1 triệu đồng sau mấy mươi năm làm việc.
Một phó chủ tịch phường tại TPHCM
Đọc bài viết trên Báo Phụ Nữ TPHCM, tôi đã nghĩ lại…
Sau khi đọc bài viết Một ngày của cán bộ xã ở TPHCM đăng trên Báo Phụ Nữ TPHCM, tôi cứ mãi bần thần. Trước giờ mỗi lần ra phường ký giấy tờ, bị chờ đợi, bị nghe người này người kia cự nự sao cán bộ làm lâu, sao sai sót chỗ này, chỗ kia… Tôi luôn thông cảm, đồng tình với người dân. Nay đọc những bài viết này, tôi nghĩ lại…
Các cán bộ, công chức hôm nay, họ trẻ trung, có trình độ (hầu hết đều tốt nghiệp đại học hoặc đang sắp hoàn thành đại học, thậm chí là cao học…) nhưng chấp nhận vào làm công việc ở xã, phường đã là một lựa chọn can đảm. Tôi nói họ can đảm là bởi khi chọn các công việc này, chắc chắn các bạn ấy đều biết rõ mình ở vị trí phục vụ. Họ cũng phải biết rõ mức thu nhập sẽ ít ỏi so với trình độ, năng lực và khối lượng công việc phải đảm đương. Điều chắc chắn, khi được tuyển dụng và phân công công tác (qua các đợt thi tuyển công chức) mỗi người trong số họ, tất nhiên, ai cũng biết rõ cơ hội thăng tiến không chia đều cho mỗi người. Có người yên phận, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ như một gắn bó lâu dài. Có người có nguyện vọng thăng tiến sẽ phải nỗ lực hết mình và bằng nhiều cách thức khác nhau.
Một người buôn bán dạo, khi bán cái này không có lời họ xoay qua bán cái khác; khi buôn bán không được, họ chuyển sang làm nghề khác, việc khác để kiếm sống. Và tất cả chúng ta đều xem đó là chuyện bình thường. Thế nhưng một công chức xã phường, khi không đủ tiền đổ xăng để chạy tới lui bao lượt mỗi ngày để xác minh các vi phạm trật tự xây dựng, hòa giải những mâu thuẫn trên địa bàn, để rồi không đủ tiền đóng học phí cho con, lo bệnh tình cho cha mẹ… thì họ phải xoay xở thế nào? Đã vậy, khi họ muốn rời bỏ vị trí công tác cũng không chút dễ dàng, phải giải trình, thậm chí có trường hợp còn bị đưa ra kiểm điểm… Nghe thật xót xa. Cần có một giải pháp đồng bộ, kịp thời để động viên công chức, viên chức đang làm việc trong hệ thống các cơ quan nhà nước, nhất là ở phường, xã bằng cả vật chất lẫn tinh thần.
Trần Thái Bình - trung tá, cán bộ hưu trí nhà máy Z751
Tuyết Dân - Diễm Chi (ghi)