Thay đổi từ nhận thức đến hành động
Thế giới đã có 349 thành phố (TP) nằm trong mạng lưới TP sáng tạo UNESCO. TPHCM sẽ nộp hồ sơ trình UNESCO công nhận TP sáng tạo vào ngày 3/3/2025. Nếu được công nhận, TPHCM sẽ là TP thứ 350 trên thế giới được công nhận danh hiệu này. Tại Việt Nam, hiện có 3 TP được công nhận là TP sáng tạo là Hà Nội, Đà Lạt và Hội An.
TPHCM có nhiều tiềm năng để phát triển thành TP sáng tạo trong lĩnh vực điện ảnh vì có sự phát triển bền vững về chính trị - xã hội, môi trường văn hóa, là nơi tập trung nguồn lực làm phim, tài năng trẻ có tay nghề cao, cơ sở hạ tầng cho điện ảnh ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên theo các đại biểu tại tọa đàm, để hướng tới danh hiệu TP sáng tạo, cần phải tháo gỡ nhiều vấn đề.
|
Lễ hội âm nhạc Hò dô dần trở thành sự kiện âm nhạc thương hiệu của TPHCM - ẢNH: DIỄM MI |
Đầu tiên theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM - cần đổi mới tư duy, nhận thức, hành động, vì hiện các văn bản về cơ chế chính sách, mục tiêu chỉ mới có tính thúc đẩy chứ chưa phân công cụ thể vai trò cho các ban ngành địa phương. T
heo tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM - cần phải thay đổi cách nhìn. Văn hóa không chỉ là ngành xài tiền mà còn có thể đẻ ra tiền: “Cần làm rõ nhận thức công nghiệp văn hóa (CNVH) cái nào là phụng sự, cái nào là kiếm tiền hay là kết hợp cả hai”. Gíao sư, tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền - giảng viên cao cấp Khoa Văn hóa học, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - đề xuất thay đổi khái niệm CNVH thành công nghiệp sáng tạo để bao quát và liên thông hơn trong định hướng xây dựng đô thị sáng tạo.
Để phát triển CNVH, các đại biểu cũng cho rằng công nghệ số, kinh tế số đóng vai trò quan trọng. Bà Phan Thị Thu Hiền cho biết: “Cốt lõi của công nghiệp sáng tạo là sự tích hợp bộ ba TAB, gồm Technology - Công nghệ, được hiểu là khả năng hiểu biết và vận dụng công nghệ phát triển nội dung và công nghệ sản xuất mới; Arts - Nghệ thuật là sự theo đuổi giá trị nội tại của nội dung, đặt trọng tâm trên sự đồng cảm; Business - Kinh doanh là hiện thực hóa những hình thức mới của nội dung sáng tạo”. Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ cũng nhìn nhận công nghệ số giúp ích cho phát triển CNVH, nhất là khi TPHCM là nơi tập trung đông đảo đội ngũ các nhà sáng tạo nội dung số.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, một dẫn chứng là phát triển công nghệ số đã giúp lĩnh vực quảng cáo có đóng góp cao nhất so với các ngành khác tại TPHCM. Do đó, cần “tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong các khâu của quá trình sản xuất sản phẩm, dịch vụ của ngành CNVH TP. Hợp tác trong và ngoài nước về phát triển các giải pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để tạo điều kiện tối đa cho việc đầu tư phát triển các sản phẩm, các ngành CNVH của TP”.
Cần thêm nhiều điểm tựa
Vấn đề xây dựng nguồn nhân lực và không gian sáng tạo cũng được đặt ra tại tọa đàm. Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy nhận định công tác đào tạo nhân lực cho ngành văn hóa chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực chất lượng cao: “TPHCM đang thiếu đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp và có kinh nghiệm quốc tế, từ biên kịch, đạo diễn, quay phim, đến kỹ thuật viên hậu kỳ. Cần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực bằng cách xây dựng các đề án, kế hoạch về phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy trao đổi kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn, đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho các ngành CNVH; triển khai các chính sách để thu hút và trọng dụng nhân tài nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên lĩnh vực văn hóa, những ngành, lĩnh vực phát triển ngành CNVH”.
|
Đêm khai mạc Liên hoan phim quốc tế TPHCM lần đầu tiên, góc nhìn từ trên cao - ẢNH: NGUYỄN Á |
Nhấn mạnh việc dành đất cho sự sáng tạo để phát triển nhân lực, tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ đề xuất TP cần xây dựng thêm nhiều không gian sáng tạo công cộng. Tiến sĩ Đào Lê Na - Khoa Ngữ văn, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn - cho rằng, nếu chưa xây dựng được không gian ngoài thực tế thì có thể xây dựng không gian sáng tạo trên mạng. Cô kể: “Tôi từng đi xin địa điểm làm tọa đàm về nghệ thuật dân tộc, thấy rất phức tạp, tìm không gian có sự tương tác rất khó. Tìm được điểm thuê thì đơn vị sở hữu địa điểm hỗ trợ khoản này nhưng lại bắt trả khoản nảy sinh khác không hợp lý”. Về chất lượng nguồn nhân lực, theo tiến sĩ Đào Lê Na, cũng có khoảng cách lớn giữa lý luận và thực tiễn.
Phát triển CNVH không thể không cần nguồn vốn. Vấn đề này cũng nhận được nhiều quan tâm tại tọa đàm. Từ trước đến nay, lĩnh vực văn hóa không có loại hình hợp đồng đầu tư công - tư nên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc huy động nguồn lực xã hội cho phát triển văn hóa. Đầu tư cho văn hóa rủi ro cao, thời hạn thu hồi vốn kéo dài. Giá thuê đất hiện nay là điều đau đầu nhất với những người đầu tư văn hóa. Hầu hết các rạp chiếu phim đều thuê của các trung tâm thương mại và không được hưởng giá ưu đãi.
Theo luật sư Nguyễn Sơn - Giám đốc pháp chế Cinestar - ở các quận trung tâm, khó tìm được mặt bằng cho rạp quy mô trên 1.000 ghế. Các công trình văn hóa lớn rất cần sự đầu tư từ phía tư nhân nhưng có nhiều rủi ro trước đầu tư như tình trạng mặt bằng, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng… Khơi thông nguồn vốn từ đầu tư nước ngoài là đề xuất của nhà sản xuất Tường Vi (CJ CGV Việt Nam - V Pictures): “Liệu có thể xem xét lại Luật Đầu tư cho lĩnh vực điện ảnh hoặc là lập ra một cơ chế mới. Ví dụ với mức đầu tư dưới 200 tỉ đồng và khi hợp tác với các đơn vị làm phim có trụ sở chính đặt tại TPHCM thì các nhà đầu tư nước ngoài được đối xử như những nhà đầu tư trong nước. Họ được làm thủ tục đầu tư nhanh chóng và được chia sẻ rủi ro lẫn lợi nhuận và thu hồi vốn cùng lúc với các nhà đầu tư trong nước, chứ không bị giữ lại vốn nhiều năm”.
Học hỏi kinh nghiệm quốc tế Tại một số quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp, Singapore hay Úc…, CNVH được đầu tư phát triển từ nhiều năm về trước. Từ kinh nghiệm và quá trình các nước đã thực hiện, TPHCM có thể học hỏi để ứng dụng phù hợp với định hướng phát triển của địa phương. Như Hàn Quốc, CNVH của quốc gia này phát triển mạnh mẽ nhờ làn sóng Hallyu, bao gồm K-pop, phim truyền hình và thời trang. Để tạo sự thay đổi, Chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư mạnh vào các ngành này qua những chính sách hỗ trợ, đào tạo nhân lực và quảng bá văn hóa quốc gia ra thế giới. Với Anh, để phát triển CNVH, quốc gia này hỗ trợ phát triển khu sáng tạo và cộng đồng nghệ sĩ. Ví như khu Shoreditch ở London là nơi tập trung các nhà thiết kế, nghệ sĩ và doanh nghiệp sáng tạo. Chính phủ Anh hỗ trợ mạnh mẽ qua việc cung cấp cơ sở hạ tầng, ưu đãi thuế và tổ chức các sự kiện văn hóa lớn. Còn với Pháp, việc kết hợp giữa bảo tồn di sản văn hóa, thúc đẩy sự kết nối cộng đồng và phát triển niềm yêu thích văn hóa nghệ thuật trong giới trẻ rất được quan tâm. Chính phủ Pháp không chỉ hỗ trợ tài chính cho các dự án bảo tồn di sản mà còn tạo cơ hội cho học sinh và công dân EU dưới 26 tuổi tham quan miễn phí các bảo tàng, bao gồm cả Bảo tàng Louvre. Hay với Nhật Bản, TPHCM có thể học hỏi bằng cách đẩy mạnh các sản phẩm văn hóa sáng tạo như truyện tranh, hoạt hình và trò chơi điện tử dành cho giới trẻ, kết hợp với công nghệ số để mở rộng ảnh hưởng của văn hóa Việt Nam ra quốc tế. Ngoài ra, Nhật Bản còn có những cách quảng bá văn hóa địa phương độc đáo, như việc mỗi vùng đều có linh vật đại diện cho nét văn hóa “kawaii” (đáng yêu) và đặc trưng của khu vực. Với Úc hay Singapore, mỗi quốc gia lần lượt có các chính sách đầu tư tập trung về công tác đào tạo nhân lực, hợp tác công - tư hay phát triển cơ sở hạ tầng… Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Thị Hồng Xuân - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn |
Cần sự tham gia của cộng đồng, sự chung tay của các cơ quan, ban ngành Bên cạnh những tiềm năng, thế mạnh của TPHCM trong phát triển CNVH, chúng ta cũng cần nhắc đến những khó khăn, thách thức một cách trực diện, cụ thể để có thể đề ra các giải pháp trong thời gian tới. Đầu tiên, cần đổi mới về tư duy, nhận thức và hành động. Hiện tại, hệ thống văn bản pháp luật về quản lý, tổ chức hoạt động trên lĩnh vực CNVH thật sự chưa đầy đủ. Chúng ta có chiến lược phát triển CNVH, chỉ thị từ Chính phủ nhưng chưa có hệ thống văn bản quy định rõ cơ chế chính sách, mục tiêu và phân công vai trò của các bộ ngành, địa phương ra sao. Rất mừng khi có Luật Điện ảnh năm 2022 cùng với nghị định, các thông tư ban hành dưới luật để điều chỉnh, hướng dẫn các hoạt động. Tuy nhiên, về thực tiễn, những vấn đề pháp luật vẫn còn chưa điều chỉnh chưa kịp thời trước những vận động quá nhanh của văn hóa, nghệ thuật. Ngoài ra, cơ chế, chính sách, ưu đãi về thuế cũng còn nhiều vướng mắc. Một khó khăn nữa là nguồn lực tư nhân trong và ngoài nước tham gia đóng góp cho CNVH rất lớn, đặc biệt là điện ảnh; nhưng hợp tác ra sao, cần phải quy định rõ để tránh những bối rối về mặt cơ chế, quy định pháp luật. Công tác đào tạo nhân lực cho các ngành CNVH vẫn chưa đồng bộ. Chúng ta có đào tạo về ngành văn hóa, các chuyên ngành nghệ thuật khác; nhưng với tư duy công nghiệp, để đào tạo thành một chuỗi vận hành các nhà quản trị trên lĩnh vực CNVH có lẽ cần quan tâm vấn đề này nhiều hơn. Cuối cùng, một trong những khó khăn rất lớn là vấn đề vi phạm bản quyền. Nói đến công nghiệp sáng tạo mà không nói đến việc phải bảo vệ bản quyền sáng tạo bằng những quy định, công cụ pháp lý răn đe mạnh mẽ thì chưa thể phát triển CNVH. Để khắc phục được những hạn chế, khó khăn trong tiến trình phát triển CNVH của TP và đất nước, xây dựng TP sáng tạo chắc chắn là con đường rất dài, rất cần có sự tham gia của cộng đồng, các bên liên quan và sự chung tay của các cơ quan, ban ngành. Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM |
Hương Nhu - Diễm Mi