Nguy cơ thiếu điện tới năm 2050
Ngày 12/10, tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Lê Quang Huy - Phó trưởng đoàn thường trực đoàn giám sát - đã trình báo cáo tóm tắt kết quả giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”. Đáng lưu ý là tại báo cáo này, đoàn giám sát dự báo “khả năng thiếu điện trong ngắn hạn (2024-2025), trung hạn (2025-2030) và dài hạn (2030-2050) là nguy cơ hiện hữu”.
Nguyên nhân được chỉ ra là các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu dẫn đến phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn. Việc triển khai quy hoạch các phân ngành năng lượng còn nhiều hạn chế, bất cập, nhất là trong việc tổ chức thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh đối với việc phát triển điện mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ.
Cụ thể như việc phê duyệt bổ sung tổng số 168 dự án điện mặt trời với tổng công suất 14.707MW, 123 dự án điện gió với tổng công suất 9.047MW, phê duyệt riêng lẻ 390 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất 4.138MW vào quy hoạch phát triển điện lực các cấp trong giai đoạn 2016-2020 đã gây ảnh hưởng đến việc phát điện và truyền tải điện lên hệ thống.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, báo cáo của đoàn giám sát đã nêu được thực trạng nhưng chưa đưa ra các giải pháp cụ thể để giải quyết những bất cập của việc phát triển năng lượng, trong đó có tình trạng thiếu điện. Ông chia sẻ, trong thời gian qua, có tình trạng điện thừa mà không hòa được vào lưới điện quốc gia. Điều này khiến các doanh nghiệp rất bất bình và không tin vào chính sách của Nhà nước.
“Doanh nghiệp và người dân nói rất nhiều, có lợi ích nhóm ở đây hay không? Đoàn giám sát phải làm rõ, chỉ rõ nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể, đề xuất tháo gỡ như thế nào?” - ông Trần Quang Phương nhấn mạnh.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội, báo cáo chỉ ra tình trạng thiếu điện từ ngắn hạn tới dài hạn. Vì vậy cũng cần phải có giải pháp ở từng giai đoạn. Ông lưu ý tới giải pháp trọng tâm là quy hoạch tổng thể, quy hoạch phân ngành để không còn tình trạng công suất và truyền tải “đá” nhau, lãng phí nguồn lực, “doanh nghiệp kêu ca, người dân thiếu điện”.
|
Nhân viên Tổng công ty Điện lực TPHCM kiểm tra hệ thống điện - Nguồn ảnh: EVNHCMC |
Bất cập vì quy hoạch "ngược"
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh thẳng thắn chỉ ra, quy hoạch điện đang có bất cập. Cụ thể, Quy hoạch điện VIII được ban hành trước quy hoạch tổng thể quốc gia. “Đáng lẽ quy hoạch tổng thể trước, quy hoạch phân ngành sau thì chúng ta lại làm ngược lại, tính liên kết ở đây như thế nào?” - ông đặt vấn đề.
Tương tự, bất cập cũng tồn tại trong triển khai quy hoạch phân ngành, nhất là tổ chức quy hoạch điện và điều chỉnh việc phát triển điện gió, điện mặt trời, thủy điện nhỏ. Vừa qua, Bộ Công Thương tham mưu ban hành giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ) có thời hạn thì xuất hiện phong trào đầu tư ồ ạt điện mặt trời, điện gió.
Nhiều dự án đã hoàn thành và đưa vào hoạt động, có dự án được hưởng giá FIT, có dự án thì không, hoặc có dự án chỉ được hưởng một phần… Tuy nhiên, các nhà đầu tư phản ánh không bán được điện trong lưới do thiếu truyền tải dẫn tới thừa cục bộ. “Rõ ràng ở đây có sự thất thoát, lãng phí của xã hội, của doanh nghiệp khi một nguồn công suất đầu tư ra rồi không sử dụng được” - ông Vũ Hồng Thanh nêu vấn đề.
Ông Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, trong cuộc tiếp xúc cử tri gần đây tại tỉnh Quảng Ninh, nhiều đại biểu, cử tri ngành than quan tâm đến lộ trình Quy hoạch điện VIII. Việt Nam đã cam kết tại hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đến năm 2050 thực hiện phát thải ròng bằng 0.
Ngành than ở Quảng Ninh hiện vẫn duy trì khoảng 40 triệu tấn/năm, năm 2040 giảm dần và đến năm 2050 không dùng than nữa. Hiện nay, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phải cung cấp đủ than cho các nhà máy điện, cho các ngành sản xuất kinh tế. Song, nếu tương lai dừng lại thì người công nhân cũng rất lo lắng. Cơ cấu kinh tế của Quảng Ninh sẽ ra sao trong bối cảnh địa phương này có tới 5-6 nhà máy than đang hoạt động?
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị báo cáo của đoàn giám sát nên tập trung nhiều vào vấn đề về an ninh năng lượng, trong đó quan trọng nhất là điện, xăng dầu.
Trong điện, tập trung đánh giá sâu liên quan đến Quy hoạch điện VII. Cho rằng giải trình liên quan đến quy hoạch điện của các cơ quan chưa thỏa đáng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát theo Luật Quy hoạch để làm rõ kế hoạch triển khai quy hoạch, báo cáo cần chỉ rõ trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm.
Làm rõ người tiêu dùng có phải bù giá cho nhà sản xuất không? Theo báo cáo của đoàn giám sát, chính sách giá điện còn nhiều bất hợp lý về cơ cấu phát điện, chưa đảm bảo tính minh bạch. Việc điều chỉnh giá điện chưa bù đắp được chi phí đầu vào và đảm bảo lợi nhuận hợp lý của doanh nghiệp. Do đó, đoàn giám sát đề xuất cần nghiên cứu cơ chế, chính sách vận hành thị trường năng lượng cạnh tranh. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá, thông tin tại báo cáo giám sát về giá “có vẻ còn mờ nhạt, chưa định lượng”. Theo ông, cần phải làm rõ, có chuyện người tiêu dùng phải bù giá cho nhà sản xuất hay không? Trước đó, một số chuyên gia cũng lên tiếng phản đối về việc giá bán lẻ điện bình quân dự kiến tính thêm chênh lệch tỉ giá, lỗ sản xuất kinh doanh. |
Tính toán kỹ khi phát triển điện gió, điện mặt trời Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nêu thực tế động cơ ô tô, phương tiện di chuyển đang chuyển dần từ xăng dầu sang tiêu thụ điện. Việt Nam nếu chuyển đổi nhanh thì tới năm 2025 cũng sẽ có một lượng lớn phương tiện giao thông chạy bằng điện. Vì vậy, ông lo ngại, nếu không có đánh giá trước nhu cầu năng lượng, tính toán sự dịch chuyển này thì khi thực tế xảy ra sẽ tạo nên bất ổn. Báo cáo của đoàn giám sát kiến nghị, bên cạnh thủy điện, cần có cơ chế, chính sách tăng dần tỉ lệ điện gió, điện mặt trời. Ông Nguyễn Đắc Vinh cũng cho rằng phải tính toán kỹ: “Trước đây, chúng ta nghĩ khai thác thủy điện là năng lượng sạch, không ảnh hưởng tới môi trường. Tuy nhiên, quá trình vận hành cũng có vấn đề. Đối với năng lượng mặt trời, vấn đề mặt bằng, pin ắc quy, tính ổn định phải giải quyết thế nào? Hoặc với năng lượng gió có bị ảnh hưởng bởi mùa mưa bão hay không. Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cần phải có sự tính toán”. |
Tiến độ giải ngân gói hỗ trợ doanh nghiệp còn chậm Chiều 12/10, trình bày báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tính đến hết tháng 8/2023, giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt khoảng 94.700 tỉ đồng. Một số chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí có kết quả thực hiện cao, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và đã được Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện trong năm 2023. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, một số chính sách hỗ trợ đã hết thời hạn thực hiện hoặc sử dụng hết nguồn lực được bố trí nhưng vẫn có nhu cầu bổ sung nguồn lực. Cụ thể như các chính sách miễn, giảm thuế, phí, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, chính sách cho vay ưu đãi hỗ trợ tạo việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Bên cạnh đó, một số chính sách có nguồn lực lớn nhưng kết quả thực hiện còn hạn chế. Điển hình như chính sách về “hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh 2% lãi suất khi vay vốn ngân hàng thương mại”, được bố trí 40.000 tỉ đồng nhưng triển khai chưa đạt. Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của chương trình phục hồi còn chậm, năm 2023 (đến ngày 31/8) giải ngân chỉ đạt hơn 33.800 tỉ đồng, tương đương 19,3% kế hoạch đề ra. Trong khi thời gian còn lại để thực hiện chương trình chỉ còn khoảng 4 tháng, do đó, có khả năng sẽ không thực hiện được các mục tiêu đã đề ra. |
Minh Quang