Cần được đãi ngộ tương xứng

12/05/2022 - 06:12

PNO - Những năm gần đây, Việt Nam đang thiếu trầm trọng lực lượng điều dưỡng để phục vụ nhu cầu chăm sóc và khám chữa bệnh.

 

Nghề điều dưỡng cao quý
Điều dưỡng luôn đối mặt với stress rất cao 

Nghề điều dưỡng cao quý, nhưng cũng vô cùng vất vả. Những người điều dưỡng hầu như phải đánh đổi hầu hết quỹ thời gian của mình để ở bên cạnh bệnh nhân, vừa chăm sóc, vừa chia sẻ nỗi đau bệnh tật. Dù vậy, thu nhập thấp đang là nỗi băn khoăn, khiến nhiều người đã bỏ bệnh viện công, thậm chí bỏ nghề vì áp lực… cơm áo.

Trong ngành y, công việc của tất cả khâu từ bác sĩ, điều dưỡng hay hộ lý, kỹ thuật viên… không khâu nào nhàn hạ, nhất là điều dưỡng. Ngay khi bệnh nhân vào viện, điều dưỡng gần như là người đầu tiên tiếp nhận bệnh nhân, đo sinh hiệu, làm thủ tục hành chính, hỏi thông tin… Họ làm việc liên tục trong những ca trực, thậm chí là ngoài giờ, do đó, áp lực cũng đè nặng hơn. Điều dưỡng là một bộ phận quan trọng, chiếm phần lớn nhân lực trong hệ thống y tế ngày nay.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, theo khảo sát của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, gần 23% điều dưỡng viên có điểm stress ở mức cao, 42% có điểm stress ở mức trung bình và hơn 20% điều dưỡng có biểu hiện nhức đầu, lo âu, căng thẳng tinh thần, bất thường trong giấc ngủ… “Làm dâu trăm họ” là cách nói ví von về nghề điều dưỡng, bởi tính chất công việc của họ là phải chăm sóc, phục vụ người bệnh một cách tận tình nhất. 

Dù vậy, thu nhập của họ lại thấp, nhất là ở bệnh viện công. Điều dưỡng Phạm Văn Tú - Khoa Cấp cứu tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai - chia sẻ công việc tại khoa rất áp lực, làm việc liên tục vì bệnh nhân đông, bệnh đa dạng. Có những ngày trực, anh gần như không được nghỉ ngơi suốt 12 tiếng. Nhưng thu nhập tất cả các khoản gồm lương, thưởng A, B, C và tiền trực, ngoài giờ, phụ cấp độc hại, thủ thuật… chỉ gần bảy triệu đồng mỗi tháng. “So với các khoa khác trong bệnh viện, thu nhập của chúng tôi là cao nhất. Nhưng với số tiền này chỉ tạm ổn cho cuộc sống hằng ngày, không có dư để dự phòng khi ốm đau, hoặc nghĩ tới chuyện mua nhà…”, anh Phạm Văn Tú tâm sự.

Bác sĩ Nguyễn Lê Đa Hà - Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai - bày tỏ: “Công việc của điều dưỡng nặng cả về đầu óc lẫn chân tay. Họ phải chạy đi, chạy lại như con thoi… vệ sinh, lấy mẫu, trấn an, hướng dẫn dinh dưỡng… để chăm sóc bệnh nhân, làm các thủ thuật. Điều dưỡng phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm nhiều hơn, trong khi thu nhập lại thấp nên nhiều người muốn bỏ bệnh viện công vì làm nghề khác thu nhập cao hơn”.

Những năm gần đây, Việt Nam đang thiếu trầm trọng lực lượng điều dưỡng để phục vụ nhu cầu chăm sóc và khám chữa bệnh. Đặc biệt, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát thì sự thiếu hụt điều dưỡng viên tại các cơ sở y tế công lập ngày càng trầm trọng. Theo các báo cáo, tỷ lệ điều dưỡng nước ta chỉ đạt 11 điều dưỡng/10.000 dân, đây là một tỷ lệ cực kỳ thấp để có thể đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe trong nhân dân. Nếu so với Thái Lan, số lượng điều dưỡng của nước ta phải tăng gấp hai lần nữa, nếu so với Malaysia thì phải thêm gấp ba lần. Với số lượng điều dưỡng viên ít như vậy, Việt Nam chưa thể triển khai chăm sóc người bệnh toàn diện, đồng nghĩa người bệnh vào viện vẫn sẽ phải đưa thêm người nhà hoặc thuê người vào chăm sóc... 

Nếu cứ tiếp tục diễn biến này, dự đoán đến năm 2030 Việt Nam sẽ thiếu 30.000 - 40.000 điều dưỡng. 

Điều cần làm nhất hiện nay là Nhà nước quan tâm, có chính sách cải thiện, nâng thu nhập cho lực lượng nhân viên y tế nói chung, đặc biệt cho các điều dưỡng nói riêng. 

Gia Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI