Cần đưa việc khám sức khỏe vào Luật Hôn nhân và Gia đình

29/11/2023 - 13:41

PNO - Thực tế, trước đây đã có nhiều quy định về điều kiện sức khỏe khi đăng ký kết hôn, thể hiện trong các văn bản pháp luật về hôn nhân và gia đình. Cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thấy tầm quan trọng của việc này.

LTS: Sau khi đăng chuyên đề Khám sức khỏe tiền hôn nhân số ra thứ Hai, ngày 27/11, Báo Phụ nữ TPHCM nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi, đa số là đồng tình, hưởng ứng; một số người bày tỏ trăn trở đối với việc hiện thực hóa, nhất là khi người yêu cố tình che giấu tình trạng sức khỏe của mình. Báo Phụ nữ TPHCM trích đăng 2 trong số những chia sẻ tâm huyết từ chuyên gia - bạn đọc về vấn đề này.

Luật sư Võ Thị Anh Loan ủng hộ tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân
Luật sư Võ Thị Anh Loan ủng hộ tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân


Luật pháp không bắt buộc công khai tình trạng sức khỏe cho bạn đời tương lai. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 chỉ có một vấn đề liên quan đến sức khỏe là “tâm thần”, trong phần điều kiện kết hôn - “không bị mất năng lực hành vi dân sự”. Tuy nhiên, từ quy định của pháp luật dân sự, có thể thấy, chỉ những người bị tòa án tuyên bố là mất năng lực hành vi dân sự thì mới không được kết hôn, còn trường hợp người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi, nhưng chưa có quyết định của tòa án thì vẫn được kết hôn. 

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần” (khoản 1, điều 22, Bộ luật Dân sự năm 2015). 

Trường hợp 1 trong 2 bên có bệnh mà giấu, pháp luật chưa có quy định xử lý. Chỉ có những bệnh thuộc danh mục truyền nhiễm, HIV mới có xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự (nhưng phải có xác định họ biết mình bệnh hay bị lây nhiễm và có hồ sơ bệnh án...). Thực tế, khi nam nữ kết hôn, đã phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các thành viên trong gia đình thì việc để xử lý người bạn đời là trường hợp hy hữu. Còn đối với người có bệnh lý tâm thần, nếu sau hôn nhân mới phát hiện thì người kia có quyền ly hôn để đảm bảo con cái sinh ra được mạnh khỏe (tâm thần là bệnh có tính di truyền cao).

Bản chất của kết hôn là sự chia sẻ, hỗ trợ, đồng hành để gia đình được vui vẻ, mạnh khỏe. Ở góc độ cá nhân người làm nghề luật, tôi thấy cần đưa việc khám sức khỏe tiền hôn nhân vào điều kiện cần trong Luật Hôn nhân và Gia đình (loại trừ được bệnh di truyền, nan y, vô sinh…).  Khám sức khỏe trước khi kết hôn mang lại nhiều lợi ích tầm soát, phát hiện sớm và chữa trị kịp thời các bệnh lý liên quan đến sức khỏe sinh sản (hiếm muộn, vô sinh), phát hiện sớm bệnh tật nhằm có giải pháp can thiệp kịp thời. 

Thực tế, trước đây đã có nhiều quy định về điều kiện sức khỏe khi đăng ký kết hôn, đã thể hiện trong các văn bản pháp luật về hôn nhân và gia đình. Cụ thể: Điều 10, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 quy định: “Những người bất lực hoàn toàn về sinh lý; mắc một trong các bệnh hủi, hoa liễu, loạn óc, mà chưa chữa khỏi thì không được kết hôn”. Hay điểm b, điều 7, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 quy định: “Cấm kết hôn trong những trường hợp đang mắc bệnh tâm thần, không có khả năng nhận thức hành vi của mình; đang mắc bệnh hoa liễu”. Khoản 1, điều 6, Pháp lệnh Hôn nhân và Gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài năm 1993 cũng quy định: “Không được kết hôn khi bị nhiễm HIV”. Hiện nay, quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài, luật mới yêu cầu trong hồ sơ phải có giấy xác nhận tình trạng sức khỏe (điểm c, khoản 1, điều 20, Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 ).

Điều kiện “khám sức khỏe”, để thực hiện được cũng là một quá trình. Cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nhận thấy tầm quan trọng. Ngay cả khám sức khỏe định kỳ nhiều người vẫn chưa ý thức, vì quan điểm “bệnh mới đi khám”. Triển khai khu vực nào trước, sau cũng là vấn đề cần cân nhắc để việc thực hiện được khả thi trong từng khu vực. Người dân thành thị nhìn việc này thoáng cũng không nhiều.

Vấn đề khó tiếp cận nữa là để xác định được các bệnh di truyền thì dịch vụ khám, xét nghiệm cũng tốn rất nhiều chi phí. Chính sách hỗ trợ nên được cân nhắc. Cái khó khăn là thay đổi nhiều bước từ luật, y tế và bảo hiểm xã hội… 

Luật sư Võ Thị Anh Loan

(GOLD KEY Law Firm)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI